Thu hồi sổ hộ khẩu: Giải đáp những câu hỏi thường gặp

Từ 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực và sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cũng bắt đầu được thu hồi. Từ đó, có nhiều thắc mắc về việc thay đổi những thủ tục hành chính liên quan đến quy định này được đặt ra. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp nhất.

Công an TP.Hà Nội tổ chức cấp CCCD gắn chíp điện tử cho người dân theo từng địa bàn dân cư.

Công an TP.Hà Nội tổ chức cấp CCCD gắn chíp điện tử cho người dân theo từng địa bàn dân cư.

Hỏi: Khi nào chính thức bỏ sổ hộ khẩu?

Trả lời: Từ 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực và sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cũng bắt đầu được thu hồi trong một số trường hợp. Ngoài những trường hợp đó, sổ hộ khẩu vẫn tiếp tục được sử dụng đến hết ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu mới chính thức được xóa bỏ, những cuốn sổ đã được cấp không còn có giá trị sử dụng. Mọi giao dịch, thủ tục hành chính cũng không còn cần đến sổ hộ khẩu nữa.

Hỏi: Từ 1/7/2021, sổ hộ khẩu bị thu hồi trong những trường hợp nào?

Trả lời: Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chỉ bị thu hồi trong trường hợp công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú (vd như: tách hộ, xóa hộ khẩu…). Không phải tất cả người dân phải tự mang sổ cũ đi nộp từ 01/7/2021. Sổ đã cấp nếu không có thay đổi gì thì vẫn được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2022.

Hỏi: Bỏ sổ hộ khẩu thì chứng minh nơi thường trú và xác định nhân thân bằng cách nào?

Trả lời: Người dân có thể thực hiện theo 2 cách, cụ thể:

Một là, trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú (công an huyện, quận, thị xã...).

Hai là, gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn), Cổng dịch vụ công Bộ Công an (bocongan.gov.vn/thu-tuc-hanh-chinh.html), Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Thông tin cư trú sẽ bao gồm cả mối quan hệ nhân thân (VD: vợ - chồng; cha đẻ - mẹ đẻ; cha nuôi – mẹ nuôi…) giữa chủ hộ và những người ở cùng nơi cư trú.

Hỏi: Sau khi thu hồi sổ hộ khẩu, muốn thay đổi, cập nhật thông tin trong sổ hộ khẩu thì phải làm những thủ tục gì? Mất bao lâu để được giải quyết?

Trả lời: Đối với người có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì hồ sơ đăng ký gồm: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp (VD: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Đối với người ở cùng người thân (VD: vợ chồng ở cùng nhau; bố mẹ - con cái về ở chung) thì hồ sơ đăng ký gồm: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký của chủ hộ (chủ sở hữu hợp pháp hoặc người được ủy quyền); Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình (VD: Giấy đăng ký kết hôn; Giấy khai sinh).

Sau khi đã nộp đủ hồ sơ để thay đổi, cập nhật thông tin Cư trú thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ giải quyết thủ tục trong vòng 7 ngày.

Hỏi: Thu hồi sổ hộ khẩu thì đăng ký kết hôn, tuyển sinh, hồ sơ nhà đất, đăng ký xe… thực hiện như thế nào?

Trả lời: Theo Bộ Công an, thời gian tới, khi thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục nói trên sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà CHỈ CẦN DÙNG CCCD gắn chíp điện tử để thực hiện giao dịch.

Hỏi: Thẻ CCCD gắn chíp có bao gồm thông tin về sổ hộ khẩu không? Có sợ bị lộ thông tin cá nhân không?

Trả lời: Thẻ CCCD gắn chíp bao gồm nhiều thông tin, dữ liệu của dân cư, trong đó bao gồm cả thông tin liên quan đến cư trú, nơi ở. Tuy nhiên, người dân muốn kiểm tra thông tin liên quan đến hộ khẩu thì phải tra cứu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, thẻ CCCD gắn chíp không lưu trữ những thông tin về hộ khẩu.

Những trường thông tin lưu trữ trên thẻ CCCD gắn chip gồm: Số CCCD gắn chip; Số CMND cũ (loại 9 số nếu có); Họ và tên; Ngày sinh; Giới tính; Quốc tịch; Địa chỉ thường trú; Thời hạn sử dụng; Đặc điểm nhận dạng; Vân tay ngón trỏ trái; Vân tay ngón trỏ phải; Ngày cấp.

Về tính bảo mật của CCCD gắn chíp điện tử, Bộ Công an cho hay: Chíp sử dụng trên thẻ Căn cước công dân tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chíp có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch.

Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.

Hỏi: Sau khi cập nhật dữ liệu lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ai được khai thác thông tin của người dân?

Trả lời: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được khai thác dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm:

Một là, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Hai là, tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công. Các tổ chức này được khai thác dưới hình thức bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc phương thức khác do Bộ Công an hướng dẫn.

Ba là công dân. Người dân có thể tự kiểm tra thông tin của mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hỏi: Làm thế nào để tự kiểm tra, đối chiếu thông tin trên CCCD gắn chíp với dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?

Trả lời: Có thể sử dụng Smartphone, nếu điện thoại Android thì sử dụng ứng dụng Zalo, Iphone thì trực tiếp qua camera để quét mã QR để kiểm tra, đối chiếu thông tin trên CCCD gắn chíp với dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nguồn: [Link nguồn]

Thu hồi Sổ hộ khẩu, ai được đăng ký thường trú, ai không?

Từ 1/7/2021, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Sơn ([Tên nguồn])
Thu hồi Sổ hộ khẩu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN