Thế giới sẽ có 9,7 tỉ người vào năm 2050
Một báo cáo mới được công bố của Viện Nghiên cứu Nhân khẩu Pháp cho thấy dân số thế giới sẽ tăng lên mức 9,7 tỉ người vào năm 2050.
Ngày 2/10, một nghiên cứu của Pháp dự đoán dân số thế giới sẽ tăng từ mức 7,1 tỉ người hiện nay lên 9,7 tỉ người vào năm 2050 và Ấn Độ sẽ soán ngôi Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Cũng theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Nhân khẩu Pháp (INED) thực hiện, đến cuối thế kỷ 21, Trái đất sẽ là ngôi nhà chung cho khoảng 10-11 tỉ người.
Đám đông chen chúc mua vé tại một nhà ga ở Ấn Độ
Báo cáo này được thực hiện song song với các chương trình của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác để dự đoán mức tăng trưởng dân số của thế giới. Một báo cáo hồi tháng 6 của Liên Hợp Quốc cho rằng dân số thế giới sẽ đạt mức 9,7 tỉ người vào năm 2050 và số người trên 60 tuổi sẽ tăng từ mức 841 triệu như hiện nay lên tới 2 tỉ vào năm 2050 và gần 3 tỉ vào năm 2100.
Nghiên cứu của INED cho thấy dân số châu Phi sẽ chiếm 1/4 dân số thế giới vào năm 2050 với khoảng 2,5 tỉ người, cao gấp đôi mức hiện tại.
Nhà nghiên cứu Gilles Pison, tác giả của báo cáo này cho hay tỉ lệ sinh đẻ ở châu Phi hiện nay là mỗi phụ nữ có 4,8 con, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 2,5 con của thế giới.
Dân số châu Mỹ sẽ vượt ngưỡng 1 tỉ người vào năm 2050, còn dân số châu Á sẽ tăng từ 4,3 tỉ người hiện nay lên 5,2 tỉ người vào năm 2050.
Hiện quốc gia đông dân nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc với 1,3 tỉ dân, tiếp theo là Ấn Độ với 1,2 tỉ dân. Tuy nhiên đến năm 2050, dân số Ấn Độ sẽ đạt ngưỡng 1,6 tỉ người và soán ngôi quốc gia đông dân nhất thế giới từ tay Trung Quốc.
Đến giữa thế kỷ 21, quốc gia đông dân nhất châu Phi là Nigeria với 444 triệu dân sẽ vượt mặt Mỹ về dân số với 400 triệu người.