Thâm nhập chợ hàng lậu vùng biên

An Giang có đường biên giới giáp Campuchia trải dài gần 100km nên nạn buôn lậu diễn ra rầm rộ suốt nhiều năm qua.

Dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng xem ra đây vẫn là một bài toán khó với những người đang miệt mài ngày đêm chống hàng lậu tràn qua biên giới.

Nghề “cha truyền con nối”

Những ngày đầu tháng 7/2013, phóng viên NTNN đã có cuộc khảo sát và ghi nhận thực tế chuyện buôn lậu ở khu vực biên giới tỉnh An Giang. Trên Quốc lộ 91 từ TP.Long Xuyên đến thị xã Châu Đốc, chúng tôi chứng kiến những đoàn xe gắn máy chở hàng lậu chạy như điên. Ông Bảy Mai (83 tuổi), ở ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc nói: “Ở đây, từ già đến trẻ đều quen với buôn lậu bởi nó đã đi vào cuộc sống của bà con từ khoảng năm 1979. Thời ấy, nhiều người dân ở đây đã qua chợ Gò (Gò Tà Mâu - Campuchia) làm ăn, mua hàng lậu về bán kiếm lời. Làm riết thành nghề “cha truyền con nối”…”.

Vừa qua cầu sắt Vĩnh Ngươn, một thanh niên chạy Honda tiếp cận chúng tôi chào mời vồn vã: “Qua chợ Gò chơi đi mấy anh ơi, em đưa đi bảo đảm an toàn. Mấy anh mua đồ thì em vác (đai) về cho, chỉ tính tiền vác thôi, 10% giá trị tiền hàng”.

“Qua chợ Gò chơi” là câu cửa miệng mà các “hướng dẫn viên buôn lậu” mớm cho du khách để trả lời ứng phó với bộ đội biên phòng Việt Nam nếu lỡ bị chặn bắt trong khi vượt biên giới qua chợ Gò Tà Mâu (tỉnh Tà Keo, Campuchia). Chạy chừng hơn 1km, người thanh niên dừng lại và cho xe vào một quán nước ven đường. Anh ta giới thiệu mình tên là K chuyên đai vác hàng lậu ở xã Vĩnh Ngươn nhiều năm qua.

Đang ngồi trò chuyện với chúng tôi, chuông điện thoại của K reo lên. Không cần nghe, K nhảy tót ra đường, tót lên xe gắn máy chạy như bay. Ông chủ quán nước tên Tư Tâm thấy chúng tôi ngơ ngác liền bảo: “Có công an, nó chạy đi cho mấy đứa đàn em nó hay, mấy chú cứ ngồi đi, chút nó trở lại liền”. Ít phát sau, K trở lại quán ngồi, tiếp tục câu chuyện dang dở như không có chuyện gì xảy ra.

Thâm nhập chợ hàng lậu vùng biên - 1

Một chiếc xe chở hàng lậu chạy như bay trên Quốc lộ 91 từ Châu Đốc về Long Xuyên

Chợ hàng lậu Campuchia

Theo hướng dẫn của K, chúng tôi vượt biên giới Việt Nam sang chợ Gò Tà Mâu dễ dàng. K chở chúng tôi chạy hết con đường nhỏ cắt ngang cánh đồng thì tới một bãi đất rộng chừng vài trăm mét vuông có một bãi để xe và một chốt trạm biên phòng. K để xe vào bãi rồi ra hiệu, ngay lập tức có 2 đứa trẻ trong bụi mai dương gần đó chạy lại. K bảo: “Mấy anh đi với 2 đứa này, cứ mua thoải mái, giá cả đâu đó đàng hoàng. Trên đường đai hàng về, em bảo đảm cho mấy anh ra tới trung tâm thị xã Châu Đốc”.

Chúng tôi đi theo 2 đứa trẻ trên những con đê trơn trượt để đi sang chợ Gò. Thoáng thấy bóng bộ đội biên phòng đi tuần phía trước, bọn trẻ ra dấu chỉ chúng tôi đi sang hướng khác. Khi bộ đội biên phòng đi qua thì lại quay về hướng cũ. Chợ Gò Tà Mâu nằm cách trung tâm xã Vĩnh Ngươn khoảng hơn 1,5km. Người ta gọi tên như vậy vì nơi đây là một gò đất cao, ước diện tích khoảng vài ba ngàn mét vuông. Vào mùa nước nổi, cánh đồng Vĩnh Ngươn chìm trong biển nước nhưng chợ Gò vẫn hoạt động bình thường vì không bị nước ngập. Ở đây bán đủ các loại hàng “thượng vàng, hạ cám”, thậm chí có cả súng, đạn… Những mặt hàng nhập lậu về Việt Nam nhiều nhất vẫn là đường cát, thuốc lá, đồ điện tử, phụ tùng xe… Mặc dù nằm trên đất Campuchia nhưng ở đây hầu hết là người dân gốc Việt và sử dụng tiếng Việt, tiền Việt.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình trạng buôn lậu trên tuyến Quốc lộ 91 (đoạn Long Xuyên – Châu Đốc), Ban chỉ đạo 127 An Giang đã thành lập lực lượng liên ngành gồm công an – biên phòng – hải quan – quản lý thị trường cùng phối hợp tham gia tuần tra, chốt chặn, chống buôn lậu. Mới đây nhất, đã lập thêm 5 chốt kiểm soát liên ngành ở địa bàn trọng điểm.

Ông Đặng Thanh Phong - Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, thị xã Châu Đốc nói: “Vào mùa nước nổi, liên ngành công an – biên phòng – hải quan – quản lý thị trường thua dân buôn lậu quá rõ ràng. Bởi mình đi canô, chỉ chạy ở nơi nước sâu và không có cỏ rác. Còn họ thì dùng vỏ vọt (tắc ráng) với máy đuôi tôm công suất cực lớn có thể vượt mọi cản trở trên sông nước hay rau mác, lục bình... Thậm chí, với sức mạnh của vỏ vọt, họ có thể bay ngang một bờ đê lớn”.

Trung tá Trần Quốc Khánh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn cho biết: “Thời gian gần đây, lưu lượng người qua chợ Gò mỗi ngày một tăng nhanh do nhu cầu phát triển trong đời sống như giao thương, mua bán, thăm thân của nhân dân hai bên biên giới và khách du lịch.

Chợ Gò Tà Mâu từ chỗ đáp ứng nhu cầu tích cực đã trở thành nơi dân buôn tập trung hàng hóa lậu để tuồn sang Việt Nam. Đặc biệt gần đây nhất, bên phía bạn còn có thêm casino và trường gà cũng ở gần chợ Gò, khách vãng lai đến ngày một nhiều… Mỗi ngày chỉ có vài chục lượt người qua lại nơi đây có giấy tờ hợp pháp, còn lại gấp nhiều lần là vượt biên giới trái phép”.

Trung tá Khánh cho biết thêm: “Nếu mình xây dựng được một cái chợ làm đối trọng bên này (đối diện chợ Gò Tà Mâu bên phía Việt Nam) thì sẽ rất nhẹ gánh cho lực lượng biên phòng trong công tác bảo vệ an ninh trật tự vùng biên nói chung và chống buôn lậu nói riêng. Vì khi ấy, vấn đề giao thương, mua bán hay qua lại biên giới của khách vãng lai sẽ trở nên tập trung, công khai, dễ kiểm soát…”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trọng Bình - Phương Nam (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN