Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng truy sát ngư dân

Đưa tàu đi quấy rối thường xuyên và tấn công ngư dân Việt Nam bằng cả vòi rồng, Trung Quốc đang thể hiện dã tâm bành trướng biển Đông.

Mấy ngày nay, sự bức xúc bao trùm các làng chài ven biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Chỉ trong vòng 6 ngày (từ ngày 9 đến 14-6), 3 tàu cá của ngư dân xã Bình Châu đã bị tàu Trung Quốc tấn công khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Trong trạm đài Icom được đặt ở xã Bình Châu luôn túc trực những người vợ, người mẹ ngóng chờ thông tin từ khơi xa.

Liên tục cướp phá, tấn công

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, cho biết theo các ngư dân báo về, sáng 14-6, khi tàu QNg 90205 TS của ngư dân Nguyễn Văn Quang đang đánh bắt ở Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc tấn công. Lực lượng trên tàu Trung Quốc đã lấy đi khoảng 5 tấn hải sản cùng máy Icom, định vị và phá hỏng nhiều ngư lưới cụ trên tàu QNg 90205 TS, tổng thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng truy sát ngư dân - 1

Nhiều thiết bị và ngư lưới cụ trên tàu QNg 90657 TS của ngư dân Nguyễn Văn Phú bị Trung Quốc chặt đứt, phá hỏng

Chưa hết, trong một vụ khác, phía Trung Quốc còn tấn công tàu cá QNg 95193 TS của ông Nguyễn Trung Kiên khiến 2 ngư dân Bùi Tấn Đoàn và Cao Xuân Lý trên tàu bị thương nặng.

Sáng 16-6, nén cơn đau sau khi được băng bó từ Bệnh viện Quân y C17 trở về, anh Đoàn kể vào sáng 7-6, khi tàu cá QNg 95193 TS đang neo đậu ở Hoàng Sa thì bất ngờ tàu Trung Quốc xuất hiện. Các ngư dân chưa kịp phản ứng thì bị tàu Trung Quốc xịt vòi rồng xối xả. Cố hết sức, các ngư dân điều khiển tàu né tránh nhưng vẫn bị tàu Trung Quốc đuổi theo tiếp tục xịt vòi rồng.

“Cabin tàu cá bị hỏng. Lúc đó, anh em ngư dân chạy ra hướng mũi tàu ra hiệu đề nghị phía Trung Quốc đừng xịt nước nữa. Ngay lập tức, lực lượng trên tàu Trung Quốc hướng vòi rồng xịt thẳng vào anh em chúng tôi khiến ai nấy đều té ngã. Tôi may mắn chụp được sợi dây neo nên không bị rớt xuống biển” - anh Đoàn nhớ lại.

Vụ tấn công dã man của tàu Trung Quốc khiến anh Bùi Tấn Đoàn bị gãy chân, còn ngư dân Cao Xuân Lý bị thương nặng ở vùng đầu. Lo họ nguy hiểm đến tính mạng, thuyền trưởng Nguyễn Trung Kiên gửi cả 2 qua tàu QNg 90369 TS của ông Nguyễn Tấn Cu để trở về đất liền.

Ngoài 2 tàu nêu trên, sáng 13-6, tàu cá QNg 90657 TS của ngư dân Nguyễn Văn Phú đã cập cảng Sa Kỳ trong tình trạng tơi tả sau khi bị Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa. Toàn bộ ngư lưới cụ, hải sản mà tàu đánh bắt được đều bị phía Trung Quốc cướp, phá sạch sẽ. Tổng thiệt hại của tàu QNg 90657 TS khoảng 600 triệu đồng.

Hung hăng cực độ

Nói về sự thô bạo của tàu Trung Quốc, ngư dân Nguyễn Ngọc Khánh - chủ tàu cá QNg 96017 TS ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - vẫn chưa hết căm phẫn. Ông Khánh cho biết gần 20 năm bám biển Hoàng Sa, chưa bao giờ ông thấy Trung Quốc hung hăng như hiện nay.

“Cuối tháng 5 vừa qua, khi tàu của tôi đang khai thác tại khu vực đảo Bom Bay (Hoàng Sa) thì tàu hải cảnh của Trung Quốc xuất hiện dùng vòi rồng tấn công. Dù đã chủ động đề phòng nhưng những đợt vòi rồng cường độ mạnh từ tàu Trung Quốc đã hất tung mọi thứ trên cabin và boong tàu của tôi, thiệt hại gần 140 triệu đồng, may là không ngư dân nào bị thương” - ông Khánh kể.

Theo ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn - nghiệp đoàn hiện có 25 tàu với khoảng 300 lao động đánh bắt ở Hoàng Sa. “Qua máy Icom từ ngư dân báo về, hiện nay Trung Quốc rất ngang ngược. Thấy tàu cá ngư dân Việt Nam, họ liền phát loa cảnh báo, cho tàu ra xua đuổi” - ông cho biết.

Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi, cho biết trước hành động liên tục cướp phá tàu cá Việt Nam của phía Trung Quốc, hội đã báo cáo sự việc lên Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị hỗ trợ, đồng thời kêu gọi ngư dân quyết tâm bám biển đến cùng. Ngày 15-6, Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn phản đối Trung Quốc cướp tài sản và phá hỏng tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Hội Nghề cá Quảng Ngãi phối hợp với Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh vừa trao 8 triệu đồng cho 2 ngư dân Bùi Tấn Đoàn và Cao Xuân Lý để chữa trị thương tích.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng:

Không thể chấp nhận!

Việc Trung Quốc tuyên bố cấm đánh bắt cá trên biển Đông rồi liên tục tấn công ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa là hành vi ngang ngược, không thể chấp nhận. Đáng lo ngại hơn khi họ cho biết sẽ tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông rồi còn tiến tới việc cấm đánh bắt cá ở cả Trường Sa nữa, chứ không chỉ ở Hoàng Sa.

Người thiệt hại đầu tiên là ngư dân, rồi đất nước và cao hơn hết là chủ quyền. Đề nghị Chính phủ, nhà nước trước mắt phải có biện pháp hữu hiệu bảo vệ ngư dân, kế tiếp là kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Đó là giải pháp hòa bình, biện pháp văn minh, hiện đại nhất. Đây cũng là thế mạnh của Việt Nam bởi nước ta có đầy đủ chứng cứ pháp lý để chứng minh chủ quyền đối với vùng biển Hoàng Sa.

Ủy viên Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội Nguyễn Anh Sơn:

Cảnh giác “vết loang dầu”

Các hành động của Trung Quốc càng chứng tỏ tính hệ thống, rất là đồng bộ, xây dựng đảo ra sao, kéo tàu diễu qua vùng biển của mình như thế nào, bây giờ lại gia tăng những hoạt động bạo lực đối với ngư dân. Việc này cực kỳ đáng lo ngại. Đảng, Chính phủ phải có tiếng nói mạnh mẽ, kiên quyết hơn trước sự việc trên. Bên cạnh đó, các lực lượng chấp pháp cũng cần có sự đầu tư và tăng cường hơn nữa hỗ trợ, giúp cho ngư dân vững tâm, quyết tâm hơn trong bám biển, không chỉ là mưu sinh mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Trung Quốc có biểu hiện càng ngày càng lấn xuống vùng biển Trường Sa. Trước hết Trung Quốc sẽ nói 12 hải lý, sau này sẽ kéo ra rộng hơn 22 hải lý rồi dần dần rộng hơn nữa theo chiến thuật “vết loang dầu”.

Phan Anh ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tử Trực (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN