Tai biến sản khoa ở Quảng Ngãi: Tại báo chí!
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Trưởng Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, cho rằng các phương tiện truyền thông, báo chí đã gây áp lực lên các bác sĩ khi có tai biến sản khoa.
Trước tình trạng sản phụ và trẻ sơ sinh liên tiếp tử vong tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Quảng Ngãi, sáng 18/12, ngành y tế đã tổ chức hội thảo với chủ đề Tai biến sản khoa ở Quảng Ngãi - Thực trạng và giải pháp nhằm đánh giá và tìm cách khắc phục.
Xảy ra ngoài giờ hành chính
Theo báo cáo của bác sĩ Trần Ngọc Hải, Bệnh viện Từ Dũ - TPHCM, trên thế giới mỗi năm có trung bình 80 triệu ca sinh thì đến 10 triệu ca gặp tai biến sản khoa với 358.000 sản phụ tử vong. Trung bình, cứ 8 ca sinh thì có 1 trường hợp tai biến. Đặc biệt, đến 90% vụ tai biến sản khoa xảy ra ở các nước đang phát triển.
Việt Nam là nước có tai biến sản khoa xếp thứ 4 ở Đông Nam Á, với tỉ lệ 100.000 ca sinh có 69 trường hợp tai biến. Bác sĩ Hải cho biết trung bình ở nước ta, mỗi ngày có 2 người mẹ sinh con bị tử vong, nguyên nhân chủ yếu là do chảy máu (41%), tiền sản giật (21%), nhiễm khuẩn hậu sản (16,6%)... Trong 6 tháng đầu năm 2012, cả nước có hơn 1.600 ca tai biến sản khoa, tăng 235 ca so với cùng kỳ năm 2011.
Người nhà sản phụ Lê Thị Hương bàng hoàng khi hay tin mẹ con chị tử vong
Riêng ở Quảng Ngãi, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh, năm 2011 có tổng cộng 30 ca tai biến sản khoa; còn từ tháng 4/2012 đến nay đã liên tục xảy ra 19 trường hợp. Trong đó có 6 ca tai biến làm chết 4 trẻ sơ sinh và 3 trường hợp tử vong cả mẹ lẫn con. Những trường hợp điển hình như vụ tử vong mẹ con sản phụ Lê Thị Hương ngày 20/4; vụ mẹ con sản phụ Huỳnh Phan Thanh Tùng thiệt mạng ngày 9/6; vụ con sản phụ Bùi Thị Mỹ Ly mất cuối tháng 11/2012... Đặc điểm chung của các vụ tai biến là đều xảy ra ngoài giờ hành chính, số bác sĩ và nữ hộ sinh trực ít, trong khi bệnh nhân lại đông.
Đổ dồn về bệnh viện tỉnh
Tại hội thảo, nhiều ý kiến về nguyên nhân xảy ra liên tiếp trường hợp tử vong mẹ và trẻ sơ sinh ở Quảng Ngãi đã được nêu ra. Ông Hoàng Trọng Quang, Phó Giám đốc BV Đa khoa Quảng Ngãi, cho rằng nguyên nhân chính là do thiếu nguồn nhân lực, thiếu bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm, nhất là khoa sản. Việc thiếu trang thiết bị, BV quá tải cũng khiến chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản hạn chế.
“Tại Quảng Ngãi, trong 14 BV tuyến huyện thì chỉ 5 có thể mổ và cấp cứu sản khoa, 2 BV có thể truyền máu... Vì vậy, tất cả các ca sinh đều dồn về Khoa Sản BV Đa khoa Quảng Ngãi. Trong khi đó, Khoa Sản BV này chỉ có 120 giường bệnh nhưng mỗi ngày tiếp nhận 160-170 ca, lúc cao điểm lên đến 200 sản phụ, riêng mổ là 20-30 ca. Do đó, theo tôi, vấn đề nhân lực là mấu chốt trong việc tai biến sản khoa ở Quảng Ngãi” - ông Quang nhìn nhận.
Theo bác sĩ Bạch Cẩm An, Trưởng Khoa Sản BV Trung ương Huế, tai biến sản khoa luôn xảy ra bất thường, nhanh chóng, làm nhân viên y tế không kịp trở tay. Vì vậy, khi sản phụ nhập viện, việc thăm khám ban đầu cần phải tỉ mỉ nhằm phát hiện các yếu tố bất thường để kịp thời xử lý.
Bác sĩ Võ Thanh Tuấn, Phó trưởng Khoa Sản BV Sản nhi Đà Nẵng, cho rằng phải tìm sự đồng cảm với người nhà sản phụ mới có thể kéo giảm tai biến sản khoa. Việc này chỉ có cách duy nhất là đội ngũ y tế làm việc nhiệt tình, thăm khám bệnh nhân chu đáo, người nhà thấy sẽ gần gũi bác sĩ hơn. “Trong các giải pháp thì cải cách từ cơ sở là quan trọng nhất. Đó là việc tự chấn chỉnh, rà soát mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình hình chuyên môn của cán bộ y tế để bố trí con người đúng chỗ nhằm khám, chữa bệnh kịp thời” - bác sĩ Trần Ngọc Hải nhận xét.
Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Thanh, Trưởng Khoa Sản BV Đa khoa Quảng Ngãi, lại cho rằng chính các phương tiện truyền thông, báo chí đã gây áp lực lên các bác sĩ. Theo ông Thanh, khi tai biến sản khoa xảy ra, báo chí đã nêu tên các bác sĩ khiến người nhà tìm đến “xử”. Vì vậy, vừa qua, BV đã cho một số bác sĩ tạm nghỉ để bảo đảm an toàn.
Không cao so với cả nước |