Sư giả: Nghề pha trộn ăn mày và ăn cắp
Chỉ cần một chiếc áo nâu sồng, một chiếc khăn bịt đầu, một chiếc mõ và chiếc túi tay nải là đủ “dụng cụ” để hành nghề. Nhiều người nói vui: “Sư giả” là “nghề” pha trộn ăn mày và ăn cắp nhưng lại sang hơn ở chỗ được thiên hạ tôn kính gọi bằng… thầy.
Giả sư đi khất thực để lừa đảo và trộm cắp
Chị Nguyễn Thùy Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa hết bức xúc khi kể lại một lần bị lừa bởi những nhà “sư giả”: “Tôi thấy hai "nhà sư" đi khất thực ngoài đường, thấy nhà tôi đang mở cửa họ bèn ghé vào. Một trong số hai "nhà sư" lấy trong túi vải ra mấy bó hương và bảo tôi mua để cầu may và bố thí cho người tu hành. Họ còn bảo đây là hương “thiêng” nơi “cửa Phật”, cầu phúc và may mắn, giá mỗi bó là 50 nghìn đồng”.
Chỉ cần một chiếc áo nâu sồng, một chiếc khăn bịt đầu, một chiếc mõ và chiếc túi tay nải là đủ “dụng cụ” để hành nghề
“Tôi rất ngạc nhiên vì nếu là hương nơi chùa chiền “cửa Phật” và còn nói là bố thí thì tiền bố thí bao nhiêu phải là do chủ nhà đưa, sao bỗng nhiên nhà tu hành lại đi “ngã giá”. Dù băn khoăn nhưng tôi vẫn không hỏi lại, rút ví trả 200 nghìn đồng để nhận 4 bó hương mà theo "nhà sư" là “hương trầm đặc biệt, thơm lắm”. Hôm đó cũng đúng vào ngày rằm nên đến chiều tôi lấy thử một bó hương ra thắp thì thấy hương chẳng có mùi thơm gì cả, chỉ là hương bình thường, lại còn nhiều que bị ẩm nên đã gãy”, chị Thùy Anh cho biết.
Cũng theo chị Thùy Anh, mãi hôm sau nghe các hàng xóm xung quanh kể chuyện rằng cũng mua phải loại hương giả với giá “cắt cổ” như vậy của hai "nhà sư" trên mới biết là mình bị lừa và hai "nhà sư" kia là “sư giả”. Người hàng xóm kể, hai nhà “sư giả” ấy không chỉ bán hương mà còn vào các nhà dân để mồi chài, chèo kéo chủ nhà mua cả vòng, lá bùa, tràng hạt, thậm chí cả… tăm tre với lời giải thích “gây quỹ cho nhà chùa”.
Nhiều người nói vui: “Sư giả” là “nghề” pha trộn ăn mày và ăn cắp nhưng lại sang hơn ở chỗ được thiên hạ tôn kính gọi bằng… thầy
Bà Đỗ Thị Phương (Cầu Diễn, Hà Nội) thì không ngần ngại bày tỏ thẳng thừng: “Từ giờ trở đi cứ thấy nhà sư đi khất thực là tôi tránh xa, chả cần biết là thực hay giả. Tôi dám cá là mười vị đi khất thực ngoài đường mà ta hay gặp thì may ra có một vị là thật, còn lại 9 là lừa đảo và ăn cắp”.
Sự cảnh giác tưởng chừng đến mức “cực đoan” trên của bà Phương không phải là không có nguyên nhân. Bà Phương cho biết, cách đây hơn hai tháng bà đã phải chịu một “vố” từ những kẻ trộm cắp giả dạng nhà sư đi khất thực: “Khoảng 11 giờ trưa, có một "ni cô" vào nhà tôi khất thực, thấy người tu hành khổ hạnh thì ai mà chẳng thành kính. Nhưng lúc đó tôi không đem theo tiền, ví để ở nhà trong nên bảo "ni cô" ngồi đợi một lát. Lúc trở ra tôi đưa cho "ni cô" 200 nghìn đồng, lại còn mua thêm 2 chiếc vòng đeo tay mà "ni cô" bảo là “bùa hộ mệnh” của nhà chùa cho hai con gái với giá 100 nghìn đồng. "Ni cô" cảm tạ rồi đi ra”.
“Khoảng 30 phút sau, con gái tôi đi làm về, trách: “Sao hôm nay con gọi điện thoại cho mẹ mà không được thế”, tôi mới nhớ đến chiếc điện thoại để ở chiếc bàn ngoài nhà từ lúc ni cô vào. Nhưng khi ra tìm thì chiếc Iphone 4S mới mua hồi đầu tuần đã “không cánh mà bay”, gọi thì không thấy đổ chuông. Cô con gái tôi biết chuyện chỉ còn biết kêu trời rằng: "mẹ bị lừa rồi, sư sãi gì đâu, bọn lưu manh đấy”.
Cách nhận biết… sư “dỏm”
“Thứ nhất, nhà sư đi khất thực chỉ có vào thời điểm buổi sáng, trước 12 giờ trưa phải trở về chùa, không ai được khất thực nữa. Vì vậy, những vị sư mà cứ lang thang ngoài đường cả ngày thì chắc chắn đó là kẻ giả tu hành. Thứ hai, nhà sư khất thực của phái Nam Tông rất giản dị, ai bố thí gì nhận nấy, tuyệt đối không đòi hỏi thêm và cũng không hề “tiếp thị” mua bán bất cứ vật gì. Thứ ba, phong thái nhà tu hành đường hoàng, điềm đạm và giản dị, không lén lén lút lút khi ở chỗ đông người”. Anh Vũ Ngọc Ninh |
Anh Vũ Ngọc Ninh (quê ở Ý Yên, Nam Định) cho biết: “Có lần tôi cùng bạn gái vào Rạp chiếu phim Quốc gia để xem phim, khi vừa ngồi xuống ghế thì xuất hiện ngay trước mặt một vị "sư" nam khoảng 40 tuổi, người cao to, nhìn mặt mày có vẻ dữ tợn, ra dáng côn đồ hơn là nhà tu hành. Vị "sư" này chẳng nói chẳng rằng, giơ ngay ra trước mặt tôi và bạn gái tôi một cái chuông rất to rồi gõ mạnh “coong” một cái khiến nhiều người ngồi xung quanh giật thót, ý nhà sư là bỏ tiền “bố thí” vào chuông. Nhưng tôi đã lắc đầu…”
Cũng theo anh Ninh, do là người tu tại gia và thường xuyên đi chùa, tiếp xúc với các sư thầy trụ trì của các chùa nên anh cũng có hiểu biết ít nhiều về Phật giáo, bởi thế đã sớm nghi ngờ vị sư hành khất kia. Khi thấy vị sư đang giơ chuông xin tiền một vị khách bên cạnh, anh Ninh đã lấy máy ảnh giơ lên chụp lại thì ngay lập tức nhà sư vội vàng vén áo che mặt rồi… co chân chạy vù ra cửa trước sự ngạc nhiên của mọi người. Đến lúc này mọi người mới nhận rõ chân tướng của vị "sư giả".
“Theo tôi được biết thì việc khất thực chỉ có ở Phật giáo Nam Tông, chứ Bắc Tông thì không có. Nhưng ngay cả việc khất thực của các nhà tu hành phái Nam Tông cũng có những quy định riêng, rất nghiêm khắc: nhà sư chỉ đi khất thực vào buổi sáng, trước 12 giờ trưa phải trở về chùa, không ai được đi quá giờ Ngọ. Ngoài ra, ai bố thí gì thì nhận thứ ấy, tuyệt đối không đòi hỏi. Đằng này thì “sư giả” có mặt ở khắp mọi nơi, mọi lúc, người ta đã bố thí rồi có khi lại còn xin thêm”, anh Ninh cho biết.
Nạn sư "giả" hoành hành khắp nơi và công khai táo tợn hơn cả trộm cắp khiến nhiều người dân hoang mang
Theo anh Ninh, cách nhận biết những kẻ lưu manh giả làm sư đi khất thực không khó, chỉ cần chú ý về thời gian và thái độ khi khất thực là sớm nhận ra ngay.