Singapore: Chặt 20 cây để đào kênh, chính quyền bị chất vấn

Chính quyền Singapore đã phải họp dân để giải thích rõ kế hoạch chặt 20 cây xanh phục vụ cho dự án mở rộng kênh đào.

Ở bất kỳ đô thị nào trên thế giới, việc phát triển cơ sở hạ tầng và duy trì một không gian xanh luôn là bài toán khó đòi hỏi nhà chức trách phải có cách giải quyết hợp tình hợp lý. Tại Singapore, một trong những nước “sạch nhất, xanh nhất” châu Á, bài toán này cũng đã có lần đặt chính quyền vào thế lúng túng.

Hồi tháng 2 năm 2014, nhà chức trách Singapore đã phải giải thích rõ và trấn an với người dân sinh sống gần đường Holland Plain sau khi cho đốn hạ khoảng 20 cây xanh trong khu vực này để thực hiện một dự án đào kênh.

Cục Thủy lợi Quốc gia Singapore (PUB) đã phải cam kết với người dân rằng sẽ không còn bất cứ cây xanh nào bị chặt, và họ sẽ cho trồng mới ít nhất 20 cây khác để thay thế cho những cây đã bị đốn hạ.

Singapore: Chặt 20 cây để đào kênh, chính quyền bị chất vấn - 1
Chính quyền Singapore phải chặt hạ 20 cây xanh để mở rộng tuyến kênh Holland Plain

PUB quyết định thực hiện dự án mở rộng kênh Holland Plain từ đầu tháng 2/2013, và dự kiến công trình này sẽ hoàn thành vào nửa đầu năm 2016.  Đến tháng 10/2013, họ bắt đầu chặt bỏ các cây xanh trong khu vực dự án sau khi được phép của Ủy ban Công viên Quốc gia (NPB).

Để thực hiện quá trình chặt bỏ 20 cây xanh trong khu vực dự án, chính quyền đã tổ chức 2 cuộc họp với người dân sống dọc đường Holland Plain và thông báo về số lượng cây phải chặt. Trong cuộc họp đầu tiên, họ nói rằng chỉ phải chặt 13 cây, trong đó có 7 cây bị sâu bệnh và 6 cây để lấy không gian đào kênh.

Tuy nhiên đến cuộc họp thứ hai diễn ra sau đó một tuần, nhà chức trách lại nói rằng phải chặt 20 cây để phục vụ cho dự án đào kênh. Những bức xúc của người dân bắt đầu nảy sinh từ đây, và nhiều người đặt câu hỏi về tính minh bạch của chính quyền trong việc đốn chặt cây này.

Ngay sau đó, trên hàng cây dọc đường Holland Plain đã xuất hiện các dải ruy băng nhiều màu cùng biểu ngữ “Xin hãy cứu tôi” và những tấm biển ghi rõ những lợi ích mà cây xanh mang lại cho hệ sinh thái.

Một số người dân địa phương lo ngại rằng việc chặt hạ một lúc 20 cây xanh ở Holland Plain có thể làm thay đổi đáng kể hệ sinh thái trong khu vực. Một người dân tên là Payal Nayar nói: “Việc đào một cây cổ thụ lên và trồng một cây mới thay thế không hề giống nhau”.

Singapore: Chặt 20 cây để đào kênh, chính quyền bị chất vấn - 2
Tấm biển "Xin hãy cứu tôi" xuất hiện trên các cây xanh sắp bị đốn chặt

Người dân sinh sống trong khu vực cho rằng chính quyền cần phải giải thích rõ hơn với họ về yêu cầu cần phải chặt cây, và quá trình ra quyết định chặt cây được thực hiện như thế nào.

Ông Gan Boon Teck, một người dân cho rằng chính quyền cần đưa ra lời giải thích rõ ràng qua các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc trên các bảng tin ở khu dân cư để người dân nắm được chính xác cây nào sẽ bị chặt.

Sau khi nhận được những lời chất vấn của người dân, PUB đã phải đứng ra cung cấp thông tin chi tiết về dự án xây dựng kênh đào, đồng thời chỉ rõ rằng họ cần phải chặt bỏ 20 cây để mở rộng con kênh từ 19 lên 33 mét.

Người phát ngôn của PUB tuyên bố: “Với bất kỳ dự án cải tạo thoát nước nào, chúng tôi đều nỗ lực để giảm thiểu sự bất tiện cho người dân và tác động đối với môi trường”. Người này cũng khẳng định rằng PUB sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Công viên Quốc gia để giữ gìn độ phủ xanh trong khu vực.

Singapore là một trong những quốc gia có chính sách bảo tồn cây xanh chặt chẽ nhất thế giới, và chính phủ nước này nghiêm cấm mọi hoạt động phá hoại các cây xanh có đường kính trên một mét trong các khu vực được bảo tồn.

Năm 2002, một công ty bất động sản đã tự ý chặt hạ một cây xanh cổ thụ có đường kính 3,4 mét trong khu đất của mình. Ngay lập tức, dư luận Singapore nổi sóng phẫn nộ, và tòa án đã ra mức phạt 8.000 USD đối với công ty này, ngoài số tiền 76.035 USD mà công ty phải bồi thường cho nhà nước vì đã đốn hạ cây trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Chặt hạ và thay thế 6.700 cây ở Hà Nội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN