Sẽ cấp mã số cá nhân cho từng công dân

Từ tháng 6/2013 đến tháng 05/2014, sẽ cấp số định danh cá nhân cho mỗi công dân.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về Dự thảo Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia quản lý dân cư.

Theo đó, Bộ Tư pháp đề xuất từ tháng 6/2013 đến tháng 05/2014 sẽ cấp số định danh cá nhân cho mỗi công dân.

Mục tiêu việc cấp số định danh cá nhân nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư.

Theo Bộ Tư pháp, hiện nay, giấy tờ công dân bao gồm nhiều loại giấy tờ như giấy khai sinh; thẻ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi; sổ hộ khẩu; chứng minh nhân dân; hộ chiếu; giấy đăng ký kết hôn; giấy phép lái xe; sổ bảo hiểm xã hội; thẻ bảo hiểm y tế; phiếu lý lịch tư pháp; các loại giấy chứng nhận quyền sở hữu; các văn bằng, chứng chỉ, thẻ do cơ quan nhà nước cấp; các quyết định của cơ quan hành chính nhà nước có liên quan trưc tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân; phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; giấy chứng tử…

Việc cấp số định danh cá nhân sẽ làm giảm giấy tờ công dân thông qua việc tích hợp thông tin của nhiều giấy tờ công dân trên một giấy tờ công dân hoặc hướng đến việc quản lý công dân không sử dụng giấy tờ.

Số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số. Số định danh cá nhân sẽ chứa tất cả thông tin tổng hợp của công dân như: ảnh. họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, nhóm máu, họ tên cha mẹ, tình trạng hôn nhân, họ tên vợ/chồng, con cái...

Số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến khi chết. Số định danh cá nhân không thay đổi trong suốt cuộc đời công dân. Ngay cả khi công dân thôi/bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu trở lại/nhập lại quốc tịch Việt Nam, số định danh cá nhân cũng không thay đổi. Số định danh cá nhân không lặp lại ở người khác.

Số định danh cá nhân là số gốc để truy nguyên chính xác về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia. Qua đó việc này phục vụ yêu cầu quản lý của ngành, lĩnh vực và làm cơ sở để liên kết các thông tin cá nhân.

Đây là Dự thảo Đề án được xây dựng sau khi Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay, việc quản lý dân cư ở nước ta vẫn theo quan điểm quản lý truyền thống, thủ công và cắt khúc, phiền hà, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và gây lãng phí lớn cho nhà nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN