Sau 2 án chung thân, ông Trần Phương Bình bị đề nghị thêm 14-15 năm tù

Cựu tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình bị VKS đề nghị phạt 14-15 năm tù với cáo buộc gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Trưa 17-6, sau hơn một ngày làm việc, phiên tòa xét xử vụ án thất thoát hàng trăm tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB) chuyển sang phần tranh luận. Đại diện VKSND TP Hà Nội trình bày quan điểm luận tội đối với các bị cáo.

Hai bị cáo Trần Phương Bình (cựu tổng giám đốc) và Nguyễn Thị Kim Xuyến (cựu phó tổng giám đốc DAB) cùng bị đề nghị 14-15 năm tù về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Tổng hợp với hai án tù chung thân trong các vụ án trước, mức án chung đề nghị cho ông Bình là chung thân và bà Xuyến là 30 năm tù.

Sau 2 án chung thân, ông Trần Phương Bình bị đề nghị thêm 14-15 năm tù - 1

Cựu tổng giám đốc Trần Phương Bình bị VKS đề nghị thêm 14- 15 năm tù. Ảnh: PLO

Tại tòa, cả ông Bình và bà Xuyến đều có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do sức khỏe. HĐXX công bố các bút lục là lời khai của hai bị cáo, thể hiện việc thừa nhận hành vi như cáo buộc, mong muốn nhận được mức án khoan hồng.

Tám bị cáo còn lại bị VKS đề nghị từ hai năm tù nhưng cho hưởng án treo đến chín năm tù về cùng tội danh.

Theo VKS, ông Bình và bà Xuyến là người chịu trách nhiệm chính trong việc phê duyệt trái pháp luật các khoản tín dụng để DAB chi nhánh Hà Nội giải ngân cho Công ty CP đầu tư và du lịch An Phát.

"Ngoài ra, do có quan hệ thân thiết, hai bị cáo đã chỉ đạo các nhân viên chi nhánh Hà Nội phải thực hiện giải ngân bỏ qua các quy trình thẩm định, không thực hiện đúng các thủ tục giao dịch đảm bảo để công ty An Phát được giải ngân các khoản tín dụng rất lớn" – VKS nhận định.

Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị buộc Công ty An Phát phải bồi thường cho DAB 108 tỉ đồng, các bị cáo phải liên đới bồi thường 76 tỉ đồng còn lại trong tổng thiệt hại vụ án.

Đồng thời, VKS cũng đề nghị HĐXX tuyên trả lại 123 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công ty An Phát được các bị cáo sử dụng làm tài sản đảm bảo trong các hợp đồng vay vốn trái pháp luật.

Sau 2 án chung thân, ông Trần Phương Bình bị đề nghị thêm 14-15 năm tù - 2

Các bị cáo tại tòa ngày 16-6. Ảnh: UYÊN TRANG

Trước đó, tại phần xét hỏi, bốn bị cáo là cựu cán bộ nhân viên của DAB chi nhánh Hà Nội thừa nhận hành vi sai phạm nhưng cho rằng xuất phát từ nhận thức, bản thân không được hưởng lợi gì.

Về phía mình, bị cáo Phan Thúy Mai, cựu giám đốc Công ty An Phát, bị cáo buộc sử dụng các tài liệu giả chữ ký của các cổ đông để thế chấp tài sản; lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Xuyến để được giải ngân nhanh, sai quy định.

Trước bục khai báo, bị cáo Mai không thừa nhận cáo buộc, nói chỉ làm theo hướng dẫn thủ tục từ phía ngân hàng. Bị cáo khẳng định vay vốn đúng quy định luật doanh nghiệp và quy định ngân hàng, không được hưởng lợi.

Trong khi đó, có mặt ở phiên xử, đại diện công ty An Phát cho rằng về thực chất công ty là "người bị hại" vì bị mất quyền quản lý, sử dụng 123 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là hậu quả từ các hành vi sai phạm của các bị cáo gây ra.

Đại diện An Phát xin bồi thường đầy đủ 108 tỉ đồng – là số tiền mà bị cáo Phan Thúy Mai đã sử dụng từ vốn của DAB để chi hoạt động công ty – để tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh, đầu tư đang bị ngưng trệ.

Theo cáo trạng, từ 2007 đến 2014, ông Bình cùng một số lãnh đạo DAB và cán bộ DAB chi nhánh Hà Nội có nhiều sai phạm khi xét duyệt hồ sơ tín dụng cho Công ty An Phát, Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Tràng An, Công ty TNHH Star Hair. Hậu quả dẫn tới ba doanh nghiệp trên được vay số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Cơ quan tố tụng xác định do có mối quan hệ thân thiết với bà Mai, ông Bình chỉ đạo chi nhánh Hà Nội giải ngân nhanh các khoản vay, bỏ qua quy trình thẩm định với Công ty An Phát. Sau khi vay 184 tỉ đồng, bà Mai chi 108 tỉ để đầu tư dự án bất động sản, còn lại trả nợ ngân hàng.

Bà Mai bị cáo buộc sử dụng các tài sản chưa đủ tính pháp lý để thế chấp đảm bảo các khoản vay và thậm chí còn dùng biên bản họp hội đồng quản trị giả để giao dịch vay vốn ngân hàng. Hiện bị cáo này cùng Công ty An Phát mất khả năng chi trả, gây thiệt hại cho DAB Á 184 tỉ đồng.

Về cá nhân, ông Bình bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm trực tiếp về sai phạm trong bốn hợp đồng cho Công ty An Phát vay với số tiền hơn 178 tỉ đồng.

Ông Bình thừa nhận năm 2008, bà Mai đại diện Công ty An Phát ký hợp đồng khống vay 185.000 chỉ vàng của DAB, nhưng trên thực tế không có chuyện giải ngân số vàng.

Các hồ sơ, chứng từ được lập nhằm che giấu số vàng ông Bình làm thất thoát trước khi ngân hàng chốt sổ sách cuối năm.

Việc ký hợp đồng khống giữa ông Bình và bà Mai đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố xử lý trong vụ án khác…

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao ông Trần Phương Bình đang thi hành án chung thân vẫn có lệnh tạm giam?

Quyết định tạm giam đối với ông Trần Phương Bình đang thụ án chung thân đảm bảo tính chặt chẽ của quy trình tố tụng trong vụ án mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyến Phan ([Tên nguồn])
Xét xử 6 đại án tham nhũng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN