Sập hầm thủy điện: Công nhân kể lại 80 giờ kẹt trong hầm tối

“Có 30 năm kinh nghiệm trong thi công đào hầm và đã từng chứng kiến nhiều vụ sạt lở, nhưng lần này bị kẹt trong hầm hơn 80 giờ, tôi có cảm giác như mình vừa chết đi sống lại”, anh Phạm Xuân Đăng (50 tuổi), công nhân lớn tuổi nhất bị mắc kẹt trong hầm thủy điện, chia sẻ.

80 giờ trong hầm tối

“Sáng 16/12, tôi và 11 anh em công nhân đang làm bỗng nghe âm thanh ầm ầm, mọi người bỏ chạy tán loạn. Lối thoát duy nhất ra cửa hầm đã bị chặn đứng bởi “bức tường” đất, đá khổng lồ. Mọi người ai nấy đều hoang mang tột độ vì sợ chết trong hầm. Tôi đã ra sức thuyết phục, động viên anh em hãy yên tâm. Chắc chắn mình sẽ được cứu sống”, công nhân lớn tuổi nhất trong vụ sập hầm khiến 12 người bị kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng Phạm Xuân Đăng kể lại.

Sập hầm thủy điện: Công nhân kể lại 80 giờ kẹt trong hầm tối - 1 

Hầm thủy điện Đạ Dâng, nơi 12 công nhân bị mắc kẹt hơn 80 giờ. 

Anh Đăng nói: “Thời điểm hầm thủy điện sập, mọi người bỏ chạy vào phía cuối hầm trong màn đêm tối mịt. Vừa chạy, vừa khóc thét. Trong chớp mắt mọi thứ đều chìm trong bóng tối yên tĩnh đến kinh hãi. Sau khi anh em trấn tĩnh thì tập hợp lại có 12 người mắt kẹt bên trong hầm. Thời gian đầu bị mắc kẹt, có công nhân khóc, có người than vãn sập hầm thế này chắc không thể nào thoát ra được. Nó quá đỗi kinh khủng. Đói, lạnh, mọi người bắt đầu tuyệt vọng".

"Tôi lấy danh dự của mình với 30 năm thi công trong hầm ở nhiều công trình nói: Mọi người hãy yên tâm. Chúng ta chắc chắn sẽ được cứu sống”, anh Đăng thuật lại.

Sập hầm thủy điện: Công nhân kể lại 80 giờ kẹt trong hầm tối - 2  
 

Sau gần 4 ngày sống trong màn đêm với cái lạnh thấu xương và đói, 12 nạn nhân trong hầm đã được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài an toàn.

Nằm trên giường bệnh của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, anh Phạm Viết Nam (40 tuổi, quê Nghệ An) cho biết: “Trong màn đêm tối, chúng tôi hy vọng và chờ đợi lực lượng bên ngoài sẽ thông hầm vào cứu. Và niềm hi vọng đó đã trở thành hiện thực sau 12 tiếng đồng hồ, phía trong hầm có những âm thanh vang lên do lực lượng cứu hộ khoan hầm. Một mũi khoan hơi vào nơi khu vực hầm sập. Lúc đó, mọi người ai nấy cũng mừng rơi nước mắt và nghĩ mình chắc chắn sẽ được cứu sống. Sau đó, sữa và thức ăn được chuyền qua đường ống này để tiếp sức chúng tôi. Phía bên ngoài thông báo chúng tôi sắp được cứu”.

“Với kinh nghiệm 30 năm trong nghề thi công hầm mỏ, từng chứng kiến nhiều vụ sạt lở hầm, tôi không hề nao núng. Lúc này, tôi vẫn động viên anh em hãy bình tĩnh phía bên ngoài lực lượng cứu hộ đang khẩn trương tìm mọi cách để chúng ta ra ngoài. Nhưng sang ngày thứ 2, thứ 3 dù có 'bản lĩnh' nhưng tôi cũng bắt đầu lo sợ và xuống tinh thần khi nước trong hầm dâng cao có khi đến ngực, kèm theo cái lạnh thấu xương", anh Đăng nói.

Nước ngập đến ngực. Một số bật khóc, có người than vãn và ai nấy đều có cảm giác tuyệt vọng. Nếu tình hình nước cứ dâng cao thì mọi người trong hầm sẽ chết đuối. Người công nhân lớn tuổi nhất luôn trấn an mọi người bình tĩnh, động viên tinh thần anh em là sắp được cứu.

Để tránh nước ngập, 12 công nhân phải trèo lên xe bộn trộn bê tông đứng. Khi đi lấy sữa và cháo, anh em tự phân công 2 người có sức khỏe bơi đến điểm lấy cách xa gần 50m mang thức ăn về. Trong lúc nguy nan, anh em công nhân đã bàn nhau kê cao dầm sắt để thay phiên nằm dưỡng sức. Ban ngày, ngồi trên xe chuyên dụng trộn bê tông ôm lấy nhau để sưởi ấm xua tan bớt đi giá lạnh.

“Lúc ấy, tôi nghĩ đến tình huống nước tiếp tục dâng cao chạm đến nóc trần hầm thì anh em sẽ đu những mảnh ván trong hầm bơi cầm cự được lúc nào hay lúc đó, hy vọng có cơ may sống sót”, nạn nhân Hoàng Anh Văn (34tuổi, quê Nam Định) cho biết.

“Trong thời gian này, dù rất thèm được nói chuyện với bên ngoài nhưng anh em đều mệt mỏi, xuống tinh thần, cứ nghĩ mỗi lần muốn trò chuyện, lấy sữa lại phải bơi đi cả chục mét trong nước lạnh, ai cũng sợ. Tôi cũng nói để đối phó với cái lạnh anh em nên giữ khô đồ để khi người nào lạnh không chịu nỗi thì mặc cho người đó. Ngoài ra, tôi còn động viên phía ngoài chúng ta đang có nhiều người thân chờ đợi. Mọi người hãy cố lên", công nhân Đăng nói.

“Đến ngày thứ 4 trong hầm, mực nước đã đã rút xuống đầu gối nhưng tinh thần anh em đã xuống đi rất nhiều khi “bức tường” đống đá vẫn không có dấu hiệu gì dịch chuyển. Bỗng niềm vui vỡ òa khi phía đối diện một ánh đèn lóe sáng lên. Mọi người trong hầm la lớn: 'Được cứu rồi'. Sau đó, nhiều chiến sĩ bộ đội lao vào bồng các anh em ra ngoài. Tôi có sức khỏe hơn nên xin được đưa ra cuối cùng”, anh Đăng thuật lại.
Hầm thủy điện đã từng xảy ra sự cố

Hiện tại, 12 nạn nhân trong vụ sập hầm đang được các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng dốc toàn lực để điều trị. Sức khỏe và tinh thần các nạn nhân đều đã ổn định. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân Đặng Thị Hồng Ngọc vẫn còn chưa hết hoảng sợ.

Sập hầm thủy điện: Công nhân kể lại 80 giờ kẹt trong hầm tối - 3 

Lãnh đạo Trung ương và địa phương thăm hỏi các nạn nhân vào sáng nay (20/12).

Ông Phạm Đức Thuận – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết: “Lúc nhập viện, tinh thần 12 bệnh nhân vẫn hoảng loạn vì vừa từ cõi chết trở về khi phải sống gần 4 ngày trong bóng đêm, lạnh và đói nhưng giờ đã ổn định. Việc điều trị các bệnh nhân theo đúng phác đồ đã định ra như tiếp tục giữ ấm, nâng cao thể trạng về vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân. Ngoài ra, 12 bệnh nhân bị mắc kẹt trong hầm gần 4 ngày ít nhiều bị ảnh hưởng đến tinh thần nên việc điều trị tâm lí trị liệu cho các bệnh nhân là rất cần thiết”.

Theo ông Phạm Văn Yên - Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, trước khi xảy ra sự cố sập hầm thủy điện Đa Dâng, tại khu vực này đã từng xảy ra sạt lở.

Một công nhân trong công trình trình hầm thủy điện Đạ Dâng kể lại: “Công ty mới vào tiếp quản công trình được 2 tháng nay. Trước đó, đoạn hầm ở hạ du của công trình bị sập gần 20m. Khi vào khắc phục đơn vị thi công đã bắn gần 50 tấn xi măng để gia cố. Những lần tiếp theo phải bắn từ 10-20 tấn xi măng. Khi đang khắc phục được một phần thì tiếp tục xảy ra sự cố ở cửa thượng du”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: “Trước mắt, Bộ Xây dựng đã tạm đình chỉ thi công công trình và làm việc với các cơ quan liên quan. Bộ Xây dựng đã thu thập đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến công trình thủy điện Đạ Dâng. Sau khi khắc phục, giải quyết hậu quả cơ quan chức năng sẽ điều tra nguyên nhân. Ngoài ra, để làm rõ hơn chất lượng thi công công trình, trong thời gian tới Bộ xây dựng sẽ mời đơn vị kiểm định độc lập vào cuộc điều tra vì đây là khu vực có kết cấu địa chất phức tạp. Từ những kết quả này Bộ sẽ đánh giá và có kết luận để báo cáo lên cấp trên.

Trước đó, vào lúc 7h ngày 16/12, hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) bất ngờ sập khi hơn 30 công nhân đang làm việc bên trong. 20 người may mắn chạy kịp ra bên ngoài trong khi 12 đồng nghiệp của họ bị kẹt lại. Hơn 500 cán bộ chiến sĩ công an, bộ đội cùng lực lượng cứu hộ được huy động đến hiện trường. Sau gần 4 ngày đêm nỗ lực, chiều 19/12, toàn bộ các nạn nhân được đưa ra khỏi hầm an toàn.

Sáng 20.12, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã trao hoa và quà của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi tặng lực lượng công binh cứu hộ thuộc Lữ đoàn 293 (Binh chủng Công binh), Lữ đoàn 25 (Quân khu 7) và nhóm chuyên gia Trung tâm cấp cứu mỏ thuộc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, đơn vị đã phối hợp hiệu quả với lực lượng công binh để lập thành tích xuất sắc trong công tác cứu hộ vụ tai nạn sập hầm thủy điện Đạ Dâng. Mỗi phần quà trị giá 30 triệu đồng.

Lê Kiên

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thanh – Duy Hậu (Dân Việt)
Sập hầm thủy điện, 12 người mắc kẹt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN