Sắp chào đón sự kiện kép siêu trăng và trăng máu

Vào ngày 28/9 tới, nhiều nơi trên thế giới được chiêm ngưỡng hiện tượng Trăng tròn cận điểm (hay Siêu trăng) và Nguyệt thực toàn phần (hay còn gọi là Trăng máu) cùng lúc diễn ra.

Hiện tượng siêu trăng

Trong tháng 9/2015, trăng tròn sẽ diễn ra vào lúc 2h52 UTC ngày 28/9 (giờ Việt Nam là 9h52 sáng ngày 28/9). Trước đó vào lúc 1h47 UTC cùng ngày (tức 8h47 sáng ngày 28/9, chỉ trước đó khoảng 60 phút) Mặt trăng đạt tới vị trí cận điểm của nó trên quỹ đạo quanh Trái đất, và là vị trí gần nhất trong năm 2015 ở khoảng cách 356,876 km (theo fourmilab). Đây có thể xem làm lần trăng tròn gần nhất và sáng nhất trong năm 2015.

Sắp chào đón sự kiện kép siêu trăng và trăng máu - 1

Hiện tượng nguyệt thực gần đây nhất đã được ghi lại ở Bắc và Nam Mỹ, như El Salvador (trái) và Brazil (phải).

Các nhà thiên văn học gọi hiện tượng trăng tròn ở rất gần Trái đất này là trăng tròn cận điểm. Bốn năm trước, ngày 19/3/2011, trăng tròn cùng lúc với vị trí cực cận của nó đã được gọi với tên là “siêu trăng”, mà các nhà thiên văn học chưa bao giờ dùng tới. Trong vài năm tiếp sau, thuật ngữ “siêu trăng” được dùng phổ biến hơn cho một vài lần trăng tròn ở vị trí cận điểm tiếp theo trong năm 2012 và 2013, 2014.

Sắp chào đón sự kiện kép siêu trăng và trăng máu - 2

Điều đáng chú ý của lần trăng tròn cận điểm ngày 28/9 tới chính là việc thời điểm giữa trăng tròn và lúc Mặt trăng đạt tới vị trí cận điểm là gần trùng nhau. Lần cận điểm này cũng là lúc Mặt trăng đạt tới vị trí gần Trái đất nhất trong năm 2015 so với các lần trăng tròn khác. 

Theo đó, trăng tròn khi hiện tượng “trăng tròn cận điểm” hay “siêu trăng” diễn ra thì được cho là sáng và lớn hơn so với trăng tròn bình thường hằng tháng. Tuy vậy, rất khó quan sát điều này bằng mắt thường mà chỉ qua việc chụp ảnh với cùng tiêu cự máy ảnh.

Theo ước tính, cứ 413.4 ngày (1 năm 1 tháng 18 ngày) thì sẽ diễn ra 1 lần trăng tròn cận điểm (siêu trăng), tức là sẽ lúc đó trăng tròn sẽ diễn ra cùng lúc với khi nó đạt tới vị trí cận điểm.

Nhiều người cho rằng, sự kiện trăng tròn trùng với vị trí cận điểm sẽ ảnh hưởng tới các kiểu khí hậu trên trái đất. Tuy vậy, nhiều nhà khoa học phủ nhận điều này. Giới khoa học khẳng định, “siêu trăng” sẽ không gây ra các sự kiện địa chất nào, nó chỉ tạo nên một số khác biệt với sự lên xuống của thuỷ triều. Nếu nó cộng hưởng với điều kiện thời tiết nào đó, thì có thể nó sẽ gây ra vài vấn đề ở những vùng ven biển mà thôi.

Nguyệt thực toàn phần

Vào ngày 28/9 tới, thật trùng hợp là Trăng tròn cận điểm (hay Siêu trăng) và Nguyệt thực toàn phần (hay còn gọi là Trăng máu) cùng lúc diễn ra.

Sắp chào đón sự kiện kép siêu trăng và trăng máu - 3

Hình minh họa tác động của bầu khí quyển trái đất làm cho tia sáng màu xanh bị tán xạ gần như hoàn toàn, chỉ có tia đỏ đi xuyên qua và chiếu rọi lên bề mặt Mặt trăng. Do đó, khi diễn ra Nguyệt thực toàn phần, Mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ.

Nguyệt thực toàn phần sắp tới cũng sẽ diễn ra vào ngày 28/9. Pha toàn phần diễn ra trong 1h, 11 phút 55 giây. Thời điểm nguyệt thực cực đại là lúc 2h47 UT ngày 28/9, theo NASA. Trong khi đó, như đã đề cập, trăng tròn diễn ra lúc 2h52 UTC và vệ tinh tự nhiên của chúng ta đạt vị trí cực cận vào lúc 1h47 UTC cùng ngày, ba mốc thời gian gần như trùng khớp.

Tuy vậy, tại Việt Nam chúng ta không quan sát được lần nguyệt thực toàn phần lần này, khu vực quan sát được là châu Mỹ, châu Âu và Tây- Bắc Phi.

“Trăng máu- Blood Moon” là một thuật ngữ có thể được dùng để nói về: Hunter’s Moon (trăng của người thợ săn), trăng tròn đầu tiên sau Harvest Moon (trăng tròn thu hoạch, lần trăng tròn gần nhất với thời điểm Thu phân trong năm.); Mặt trăng khi xảy ra một Nguyệt thực toàn phần cụ thể hay Nguyệt thực toàn phần nói chung...

“Trăng máu” còn được dùng để nói tới “4 lần Nguyệt thực toàn phần liên tiếp” lần lượt diễn ra theo thứ tự ngày 15/4/2014; 8/10/2014; 4/4/2015 và cuối cùng là 28/9/2015.

Theo anh Đặng Tuấn Duy, Chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM: "Thuật ngữ “trăng máu” được dùng chủ yếu để thu hút sự chú ý của người đọc. Các nhà khoa học khẳng định rằng không có mối liên hệ nào giữa “trăng máu” hay bất kỳ thảm họa, sự tận thế nào. Ngày 4/4 năm nay cũng được gán là “Trăng máu” khi Nguyệt thực toàn phần diễn ra nhưng các bạn thấy đấy, không hề có bất kỳ điều gì được đồn đoán về “tận thế” hay “thảm họa” trước đó xảy ra cả, chỉ là Mặt trăng chuyển dần sang màu đỏ khi nguyệt thực toàn phần diễn ra mà thôi".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tào Nga ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN