Rút tiền tại ATM bằng căn cước công dân: Mất tiền ai chịu trách nhiệm?

Theo Luật sư, hiện việc rút tiền mặt máy ATM bằng CCCD gắn chip đang dừng ở mức độ thí điểm, chưa có khung pháp lý cụ thể để xử lý trách nhiệm của người có CCCD gắn chip, trách nhiệm của ngân hàng cũng như các đơn vị liên quan.

Một số ngân hàng lớn của Việt Nam đang phối hợp Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và Căn cước công dân (CCCD) - Bộ Công an thí điểm ứng dụng thẻ CCCD gắn chip thay thế thẻ ATM để rút tiền ở các cây ATM tại chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội và Quảng Ninh. Việc rút tiền bằng CCCD gắn chip không phát sinh chi phí mới so với rút tiền bằng thẻ ATM.

Rút tiền tại ATM bằng căn cước công dân: Mất tiền ai chịu trách nhiệm? - 1

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng với nhiều tiện ích, dần dần tiến tới CCCD gắn chip sẽ tích hợp rất nhiều công năng vào, thay thế thẻ ATM và nhiều loại thẻ khác. "Đây là việc nên phát huy, nhưng vấn đề quan trọng là hạ tầng của Việt Nam có đủ và có đáp ứng được hay không"- vị chuyên gia đánh giá.

Về việc người dân lo lắng sẽ bị lộ thông tin, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng bảo mật thông tin là cực kỳ quan trọng với bất kỳ loại thẻ nào, thẻ ATM hay CCCD. Với hình thức rút tiền còn mới mẻ này, người dân lo lắng là có cơ sở. Tuy nhiên, như ông được biết, thẻ CCCD được Bộ Công an làm rất chặt chẽ, với những công cụ bảo mật, sử dụng công nghệ xác thực khách hàng thông qua dữ liệu sinh trắc học như xác thực gương mặt, vân tay... kết nối trực tiếp với dữ liệu công dân quốc gia, khó có thể làm giả hay lọt lộ thông tin, nên cũng không đáng ngại lắm.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco, cho biết từ trước đến nay, có quy định của Ngân hàng Nhà nước về mở và sử dụng thẻ ATM, trách nhiệm của chủ thẻ ATM cũng như bên ngân hàng. Hiện nay, việc rút tiền mặt máy ATM bằng CCCD gắn chip đang dừng ở mức độ thí điểm, chưa có khung pháp lý cụ thể để xử lý trách nhiệm của người có CCCD gắn chip, trách nhiệm của ngân hàng cũng như các đơn vị liên quan. Theo ông, cần hình thành một khung pháp lý khi triển khai đại trà để đảm bảo an toàn giao dịch, đồng thời đảm bảo trách nhiệm của các bên liên quan về sau.

Rút tiền tại ATM bằng căn cước công dân: Mất tiền ai chịu trách nhiệm? - 2

Ở khía cạnh an toàn, Luật sư Phong đánh giá cao việc sử dụng CCCD gắn chip để rút tiền tại máy ATM với các biện pháp xác thực dấu vân tay, nhận diện khuôn mặt của chủ thẻ CCCD. Việc xác thực nhiều bước khi rút tiền là cần thiết bởi thông tin trên thẻ CCCD gắn chip dễ dàng bị lộ lọt trên thực tế. Về mặt pháp lý, cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra các quy định bắt buộc các ngân hàng, các đơn vị chấp nhận thẻ phải có các bước xác thực như vừa nêu để đảm bảo an toàn khi giao dịch.

Theo vị luật sư, các bước xác thực hoàn toàn là giải pháp công nghệ, nhưng cần đưa vào khung pháp lý để bắt buộc các ngân hàng khi triển khai rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chip phải có các bước xác thực đó. Bên cạnh đó, cần quy định trách nhiệm của đơn vị chấp nhận thẻ khi xảy ra việc giả mạo, đánh cắp thông tin thì xử lý như thế nào.

Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc tiền trong tài khoản ngân hàng bất ngờ bị "bốc hơi", đặt ra vấn đề trách nhiệm xem xét xử lý vấn đề này của các bên liên quan, đặc biệt khi triển khai rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chip. Theo luật sư Hà Huy Phong, cơ quan công an cấp thẻ CCCD, chịu trách nhiệm cấp đúng mã số định danh và thông tin dữ liệu trong thẻ CCCD cho người dân, còn việc sử dụng thẻ để rút tiền là quan hệ dân sự giữa đơn vị chấp nhận thẻ và khách hàng. Do đó, khi xảy ra các sự việc như vậy thì đây là quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng.

Luật sư Hà Huy Phong cũng cho rằng không quá lo ngại về vấn đề lộ lọt các thông tin như số dư tài khoản, thông tin giao dịch khi rút tiền bằng thẻ CCCD. "Nói một cách dễ hiểu, khi chúng ta cần một chiếc chìa khóa để vào phòng, thì thẻ CCCD gắn chip đóng vai trò như một chiếc chìa khóa mà thôi. Người làm ra chiếc chìa khóa đó không thể biết bên trong phòng có những gì. Cũng như cơ quan cấp thẻ CCCD không thể nắm được các thông tin về tài khoản của người dân"- ông Phong nói và nhấn mạnh người dân hoàn toàn yên tâm khi rút tiền ở cây ATM bằng thẻ CCCD gắn chip.

Để thực hiện rút tiền tại cây ATM, khách hàng có thể thực hiện theo 6 bước.

Bước 1, khách hàng lựa chọn chức năng rút tiền không dùng thẻ tại màn hình của ATM.

Bước 2 nhấn chọn rút tiền bằng CCCD gắn chip.

Bước 3 đặt thẻ CCCD lên đầu đọc thẻ và nhìn trực tiếp vào camera giao dịch của máy ATM, màn hình giao diện sẽ hiển thị các các xác thực như xác thực gương mặt, vân tay... để nhận diện và nhấn tiếp tục để xác nhận thực hiện thao tác.

Bước 4, Sau khi xác thực thành công, khách hàng nhập PIN thẻ tương ứng với tài khoản cần rút tiền.

Bước 5, khách hàng chọn hoặc nhập số tiền cần rút trên màn hình ATM.

Bước 6, ATM sẽ trả tiền và biên lai (nếu có) cho người sử dụng và kết thúc giao dịch.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Công an thí điểm rút tiền mặt tại ATM bằng căn cước công dân

Bộ Công an đã thí điểm ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip thay thế thẻ ATM để rút tiền tại một số chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội và Quảng Ninh. Thời gian tới, cơ quan...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo M.Chiến - D.Ngọc - N.Hưởng ([Tên nguồn])
Thẻ căn cước công dân gắn chip Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN