Ra cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ngày 26-12 đã ra cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), và Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), cùng 20 bị can.

Ngày 26-12, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Trịnh Xuân Thanh nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cùng 20 bị can trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô tài sản" theo Điều 165 và Điều 278 Bộ Luật hình sự năm 1999 xảy ra tại Tập đoàn PVN và Tổng Công ty PVC.

Ra cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh - 1

Ông Đinh La Thăng trước khi bị bắt - Ảnh: Hoàng Triều

Theo cáo trạng, vụ án này là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Các bị can trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia trong đó có Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Tuy nhiên quá trình thực hiện dự án, vì những động cơ khác nhau mà các bị can đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế cho Nhà nước, thậm chí một số bị can còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng từ khống rút tiền của dự án để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân.

Cáo trạng cho rằng, bị can Đinh La Thăng, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN ông Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6.6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỉ đồng. Hành vi của bị can Đinh La Thăng phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Quá trình điều tra, bị can thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án với tư cách là người đứng đầu PVN.

Đối với Bị can Trịnh Xuân Thanh, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thanh đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng 6.6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng; chỉ đạo việc sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỉ đồng.

Ngoài ra, bị can Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng bị can Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC và Lương Văn Hòa, nguyên giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỉ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân trong đó Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỉ đồng. Bị can Thanh cũng phải chịu trách nhiệm cùng Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỉ đồng.

Bị can Vũ Đức Thuận – nguyên TGĐ PVC, trong quá trình thực hiện dự án, ông Thuận là người ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định để PVC để được nhận tạm ứng 6.607.500 USD và 1.132 tỉ đồng trái quy định và tham gia việc quyết định sử dụng hơn 1.115 tỉ trong số tiền tạm ứng này sai mục đích không đưa vào dự án gây thiệt hại hơn 119 tỉ đồng.

Trên cương vị là Tổng giám đốc PVC, Vũ Đức Thuận có vai trò cùng với Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỉ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Cá nhân bị can Thuận được ăn chia 800 triệu đồng và chịu trách nhiệm cùng bị can Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỉ đồng trong tổng số hơn 13 tỉ chiếm đoạt được.

Bị can bị đề nghị truy tố tội "Cố ý làm trái..." gồm:

- Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT, sau này là Hội đồng thành viên – HĐTV PVN.

- Nguyễn Mạnh Tiến - Phó tổng giám đốc PVC;

- Phạm Tiến Đạt - nguyên Kế toán trưởng PVC;

- Trần Văn Nguyên – Kế toán trưởng Ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2, thuộc PVN;

- Lê Đình Mậu - nguyên Phó trưởng ban Kế toán, kiểm toán PVN;

- Nguyễn Ngọc Quý - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC;

Ông Đinh La Thăng sinh năm 1960, quê quán Nam Định, có học vị tiến sĩ, từng là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, là Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá X, XI và XII, Đại biểu Quốc hội các khoá XI, XIII, XIV.

Ông Đinh La Thăng từng giữ các cương vị: Bí thư Thành ủy TP HCM (2016-2017), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (2011-2016), Chủ tịch HĐTV PVN (2009-2011), Chủ tịch HĐQT PVN (2005-2008), Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà (2001-2003).

Ngày 7-5-2017, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã quyết định thi hành kỷ luật cán bộ đối với ông Đinh La Thăng, khi đó là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM (nhiệm kỳ 2015 - 2020) bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII do mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ trên cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) PVN giai đoạn 2009-2011.

Ngày 10-5, Bộ Chính trị quyết định phân công ông Đinh La Thăng thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM, giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ngày 11-5, ông Đinh La Thăng nhận nhiệm vụ tại Ban Kinh tế Trung ương với cương vị Phó trưởng ban.

Ngày 8-12-2017, Cơ quan CSĐT và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định Khởi tố bị can về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh trên. Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an cùng ngày 8-12 đã thực hiện tống đạt Quyết định Khởi tố bị can và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với ông Đinh La Thăng. Việc khởi tố, bắt ông Đinh la Thăng nằm trong quá trình điều tra mở rộng vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại PVN, gây thiệt hại 800 tỉ đồng của PVN góp vốn vào OceanBank và vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Ngày 20-12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng cùng 6 bị can khác tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Ngoài ông Đinh La Thăng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn đề nghị truy tố 5 bị can khác tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gồmNguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc OceanBank); Nguyễn Xuân Thắng; Nguyễn Thanh Liêm; Vũ Khánh Trường; Phan Đình Đức (3 bị can này đều là nguyên thành viên HĐTV PVN). Riêng Ninh Văn Quỳnh (Phó tổng giám đốc PVN) bị đề nghị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ngày 21-12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây gậu quả nghiêm trọng"; "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), đề nghị truy tố 22 bị can. Trong đó, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn PVN cùng 11 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Cố ý làm trái…" và 8 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội "Tham ô tài sản". Hai bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty PVC, và Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC, bị đề nghị truy tố cả 2 tội danh trên.

D.Ngọc

Bị can Trịnh Xuân Thanh có luật sư bào chữa thứ 4

VKS Tối cao cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư của Trịnh Xuân Thanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hưởng (Người lao động)
Ông Đinh La Thăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN