Quốc hội sẽ quyết Bộ nào được giao sát hạch, cấp đổi, thu hồi giấy phép lái xe

Sự kiện: Thời sự

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết về quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp đổi, thu hồi giấy phép lái xe còn nhiều ý kiến khác nhau về việc bộ nào sẽ quản lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ thêm và Quốc hội sẽ xem xét, quyết định.

Sáng nay (16-9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an thừa ủy quyền Chính phủ trình bày tờ trình.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQP-AN) Võ Trọng Việt cho biết, Thường trực UBQP-AN ủng hộ việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 luật (Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ) và cho rằng việc này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, không xung đột, không chồng chéo với những luật khác.

Giải thích lý do việc cần tách thành 2 luật, ông Võ Trọng Việt lập luận lĩnh vực quản lý về hạ tầng giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông là hai mối quan tâm khác nhau, nếu tách bạch ra sẽ thể hiện quyết tâm cao hơn của hai cơ quan quản lý.

"Bộ Công an quyết tâm xây dựng là quá tốt. Tôi có niềm tin vào Bộ Công an, trên lĩnh vực này, bộ thể hiện tiếng nói của mình là hoàn toàn phù hợp"- ông Võ Trọng Việt nói.

Chủ nhiệm UBQP-AN đánh giá hồ sơ chuẩn bị của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ đều công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2020).

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng bày tỏ sự đồng ý với việc chuyển một số lĩnh vực quản lý từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sang Bộ Công an và cho rằng đây là việc bình thường, giống việc tách hay nhập các đơn vị hành chính, mỗi khi tách ra hay nhập vào cũng đều có lý do.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc tìm giải pháp khả thi giảm TNGT là việc làm cần thiết, cấp bách bởi 95% tai nạn giao thông (TNGT) thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ,

"Việc tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông thành dự án luật riêng, chuyên biệt, sẽ có tác dụng giảm TNGT đường bộ"- ông Nguyễn Hạnh Phúc nhận định.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội góp ý dự luật nên tập trung vào quy định việc cấp giấy phép lái xe đảm bảo luật có chất lượng, còn công đoạn đào tạo, sát hạch lái xe thời gian qua đã làm tốt, đang có xu hướng xã hội hoá.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Hạnh Phúc góp ý luật nên quy định rõ mỗi phương tiện giao thông chỉ có một biển đăng ký để tránh lạm dụng.

"Không thể 1 xe ô tô có tới 2 biển số xe, 1 biển xanh, 1 biển trắng. Măc dù hiện nay việc không được làm nhưng cần quy định cứng trong luật để có chế tài xử lý khi vi phạm"- ông Nguyễn Hạnh Phúc kiến nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga nhấn mạnh việc cần thiết phải sửa đội luật về giao thông đường bộ và cấp thiết có biện pháp mạnh để ngăn chặn TNGT.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga nhấn mạnh việc cần thiết phải sửa đội luật về giao thông đường bộ và cấp thiết có biện pháp mạnh để ngăn chặn TNGT.

"Tôi đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Nguyễn Duy Ngọc là mỗi ngày có 25 người chết do TNGT là tính tử vong tại hiện trường, còn thực tế tính cả tử vong khi đến bệnh viện thì con số này có thể cao hơn nhiều. TNGT ở Việt Nam phải được quan tâm ở mức vấn đề khẩn cấp"- bà Lê Thị Nga bày tỏ.

Đồng tình với quyết tâm của Bộ Công an về việc xây dựng dự án luật này nhằm giảm tình trạng TNGT nhưng Chủ nhiệm Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn và đề nghị Chính phủ cần có trả lời rõ, với các nhóm luật giao thông còn lại như Luật Đường sắt, Luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng… có đặt vấn đề tách phần bảo đảm trật tự, an toàn không?

"Nếu Chính phủ, các bộ và UBQP-AN đồng ý tách thành 2 luật thì cứ trình Quốc hội để Quốc hội cho ý kiến"- bà Lê Thị Nga đề nghị và cho rằng không nên tách bạch hoàn toàn lĩnh vực về trật tự an toàn giao thông và quản lý hạ tầng giao thông.

Bà Lê Thị Nga cũng góp ý cần có nghiên cứu thấu đáo về quy định trừ điểm trên giấy phép lái xe (GPLX), đấu giá biển đăng ký xe... vì có tác động đến hàng triệu dân.

Đồng tình, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị phải cân nhắc kỹ việc tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật riêng biệt.

Làm rõ thêm, ông Uông Chu Lưu cho biết tờ trình dự luật của Chính phủ nêu cơ sở chính trị tách thành hai luật là Chỉ thị 18 của Ban Bí thư. Tuy nhiên, Chỉ thị 18 nêu định hướng rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật về trật tự án toàn giao thông phù hợp với tình hình mới.

"Ban Bí thư giao rà soát để sửa đổi bổ sung, hoàn thiện pháp luật về an toàn giao thông, gồm cả luật về đường sắt, hàng hải, hàng không… Hôm nay ta sửa luật theo cách hiểu như thế thì hôm sau cũng phải sửa luật về đường sắt, hàng hải, hàng không theo hướng này"- ông Uông Chu Lưu đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định giao cho 3 bộ: GTVT, Công an, Quốc phòng, nhưng liên quan đến quản lý nhà nước về giao thông thì phải do Bộ GTVT phụ trách.

Như vậy, Chính phủ đã thống nhất quản lý, trách nhiệm chính là Bộ GTVT - bộ được lập ra để quản lý nhà nước về GTVT.

"Đề nghị các cơ quan Chính phủ rà soát kỹ phạm vi của từng luật bởi có sự trùng lặp. Những phạm vi nào thuộc quản lý nhà nước của bộ nào đã có thực tiễn thì đảm bảo quản lý ổn định, tránh xáo trộn. Đề nghị trình ra Quốc hội cả hai luật để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Nếu thấy chín muồi sẽ thông qua ở kỳ họp 11, còn không, Quốc hội sẽ quyết định"- ông Uông Chu Lưu góp ý.

Giải trình ý kiến đại biểu, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ Công an sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bổ sung rõ hơn về lĩnh vực, trách nhiệm, hạn chế giao thoa giữa Luật Giao thông đường bộ và Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Theo ông Ngọc, từ 1995 tới nay, cả hệ thống chính trị đều quan tâm, lo lắng, mong muốn tình hình giao thông được cải thiện, hạn chế ùn tắc và TNGT.

Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất để riêng biệt hai lĩnh vực: hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội, làm giảm tai nạn; và giữa kỷ cương, kỷ luật trong nhận thức của người, phương tiện tham gia giao thông nhằm cải thiện điều này, giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, không để xả ra các vụ TNGT thảm khốc.

"Có tai nạn cướp đi sinh mệnh của trẻ thơ, của cả gia đình, cướp đi nhân tài, vật lực của cả xã hội nên cái này được ưu tiên, đưa lên hàng đầu. Còn những vấn đề về đường sắt, đường thủy, đường hàng không chúng tôi sẽ nghiên cứu trong những năm tới"- ông Ngọc nói.

Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng nếu luật được thông qua, việc thực thi luật này sẽ rất khả thi vì hai Bộ Công an, Bộ GTVT đã xác định hai lĩnh vực quan trọng cần được rõ ràng, cụ thể, khẳng định trách nhiệm của mỗi bên.

Đáng chú ý, về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, quan điểm của Bộ Công an là xã hội hóa việc đào tạo, có quy định để các cơ sở đào tạo, sát hạch hoạt động, tức là sát hạch ở đâu cũng được, còn Bộ Công an sẽ tổ chức và đưa ra các tiêu chí để đảm bảo.

"Việc cấp GPLX, Bộ Công an sẽ đảm bảo hạn chế nạn giấy phép giả, hiện rất phức tạp. Chúng tôi đang chỉ đạo chuyên án bao phủ trên các tỉnh"- ông Ngọc nói.

Đề cập đến quy định về đấu giá biển số xe, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng đây là nguyện vọng của chủ phương tiện tham gia giao thông, đã được bàn và thảo luận nhiều, lần này được Bộ Công an đưa vào dự thảo luật.

"Đây là nguồn tài nguyên đang bị lãng phí"- ông Ngọc bày tỏ.

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết sẽ cùng Bộ GTVT và Bộ Tư pháp hoàn chỉnh căn cơ luật này trong thời gian tới và mong muốn sẽ được ủng hộ để đưa ra trong kỳ họp Quốc hội thứ 10.

Quốc hội sẽ quyết Bộ nào được giao sát hạch, cấp đổi, thu hồi giấy phép lái xe - 2

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết UBTVQH hội cơ bản tán thành sự cần thiết có quy định tổng thể, chặt chẽ điều chỉnh nội dung trật tự an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm tính mạng cho người tham gia giao thông.

Về quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp đổi, thu hồi GPLX, ông Đỗ Bá Tỵ cho hay còn nhiều ý kiến khác nhau về việc bộ nào sẽ quản lý nội dung này.

"Chính phủ chịu trách nhiệm chính trong tổ chức điều hành, phân công nhiệm vụ, giao cơ quan nào quản lý cần nghiên cứu thêm. Đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ thêm và Quốc hội sẽ xem xét, quyết định"- ông Độ Bá Tỵ nói.

Về việc tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật, ông Đỗ Bá Tỵ cho biết UBTVQH vẫn còn băn khoăn. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ để báo cáo Quốc hội; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội báo cáo cấp có thẩm quyền để có cơ sở chính trị khi quyết định.

"Vì còn nhiều ý kiến băn khoăn nên đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan hoàn thiện tờ trình và dự thảo luật của cả hai luật để thẩm tra chính thức, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10"- Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận.

Đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an quy định về sát hạch lái xe

Theo Điều 42 của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, về sát hạch lái xe được quy định: Bộ trưởng Bộ Công an quy định về sát hạch lái xe, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Việc cấp, cấp lại, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cũng do Bộ trưởng Công an quy định.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyển sát hạch, cấp GPLX sang Bộ Công an: Nhiều vấn đề cần được làm rõ

Trong tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT do Bộ Công an chủ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Trân ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN