Chuyển sát hạch, cấp GPLX sang Bộ Công an: Nhiều vấn đề cần được làm rõ

Sự kiện: Thời sự

Trong tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Ngoài kiểm tra giám sát, việc ứng dụng khoa học công nghệ để hạn chế tối đa sự tác động của con người, giảm bớt số CSGT phải ra đường làm nhiệm vụ trực tiếp sẽ góp phần hạn chế được tiêu cực (Ảnh minh họa)

Ngoài kiểm tra giám sát, việc ứng dụng khoa học công nghệ để hạn chế tối đa sự tác động của con người, giảm bớt số CSGT phải ra đường làm nhiệm vụ trực tiếp sẽ góp phần hạn chế được tiêu cực (Ảnh minh họa)

Dự thảo luật này quy định các nội dung đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Nếu được Quốc hội thông qua, dự kiến việc sát hạch, cấp GPLX sẽ được chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an quản lý. Báo Giao thông ghi nhận một số ý kiến góp ý của chuyên gia, ĐBQH.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Tổ phó Tổ biên tập, thành viên Ban soạn thảo Luật bảo đảm trật tự ATGT đường bộ):

Đã đầy đủ cơ chế giám sát

Chuyển sát hạch, cấp GPLX sang Bộ Công an: Nhiều vấn đề cần được làm rõ - 2

Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội phương án vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ nhằm bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, giải quyết những vấn đề bất cập về trật tự ATGT đường bộ trong tình hình hiện nay.

Về nguyên tắc, các thành tố chính để bảo đảm trật tự ATGT (sự di chuyển, đi lại của người và phương tiện trên đường giao thông) gồm: Người điều khiển phương tiện giao thông; phương tiện giao thông; người và phương tiện kết nối với hạ tầng giao thông (thông qua quy tắc giao thông). Trong đó, người điều khiển phương tiện giao thông vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất ATGT.

Do đó, để bảo đảm trật tự ATGT, phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX.

Việc quản lý một cách xuyên suốt và nhất quán sẽ minh bạch. Bởi thứ nhất, việc đào tạo, sát hạch lái xe trong luật đã thể hiện rất rõ là mức độ xã hội hóa rất cao. Đặc biệt là cơ sở vật chất và giáo viên trên cơ sở hoạt động theo mô hình Luật Đầu tư, không phải là Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất và con người.

Thứ hai, trung tâm sát hạch cũng phải đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Còn lực lượng chịu trách nhiệm để sát hạch, cấp GPLX, đảm bảo an toàn là Bộ Công an.

Chúng ta đã có cơ chế đầy đủ giám sát lẫn nhau. Nhà nước, Bộ Công an không đầu tư một hệ thống cơ sở vật chất dùng riêng để đào tạo, sát hạch GPLX, mà trên cơ sở xã hội hóa mạnh mẽ và lực lượng công an phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo.

Các thông tin về GPLX đều sẽ nhập trên 1 dữ liệu chung toàn quốc để từ người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng đều có thể dễ dàng tra cứu.

Hiện, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSGT tiến hành và triển khai đồng bộ phần mềm dữ liệu cấp đổi GPLX và xử lý vi phạm.

Khi phần mềm này ra đời, toàn bộ GPLX cấp đổi, phương tiện vi phạm, GPLX của người vi phạm sẽ có trong hệ thống phần mềm này. Khi ra quyết định phạt thì CSGT đều phải nhập dữ liệu vào hệ thống này, tài xế có thể dễ dàng tra cứu mình còn bao nhiêu điểm. Hệ thống cũng giúp cơ quan chức năng, doanh nghiệp theo dõi cả quá trình lái xe của từng người...

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng Ban Dân nguyện):

Phải lấy ý kiến người dân

Chuyển sát hạch, cấp GPLX sang Bộ Công an: Nhiều vấn đề cần được làm rõ - 3

Trên thế giới, CSGT thường không thuộc lực lượng vũ trang. Vì thế, tôi cho rằng việc phân công nhiệm vụ cho bộ, ngành nào cần phải được xem xét, cân nhắc, để xem sự phù hợp đến đâu.

Theo tôi, khi chuyển đào tạo, sát hạch cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và phải lấy ý kiến của nhân dân. Bởi, thời gian qua Bộ GTVT cũng đã làm tốt công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX.

Nhiều năm qua, số vụ tai nạn giao thông, tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông so với trước đã giảm rất nhiều. Giờ chuyển sang Bộ Công an thì cần có giải pháp nào để làm tốt việc này hơn nữa hay không?

TS. Phan Lê Bình (Giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật):

Ai sẽ kiểm tra, giám sát?

Chuyển sát hạch, cấp GPLX sang Bộ Công an: Nhiều vấn đề cần được làm rõ - 4

Tôi có một băn khoăn là khi chuyển giao nhiệm vụ sang Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thì cơ sở vật chất và con người ngành GTVT quản lý mấy chục năm nay sẽ như thế nào?

Khi chuyển đổi như vậy thì có tốn thời gian, công sức tiền bạc hay không? Việc chuyển đổi có giúp thay đổi những tồn tại trong công tác đào tạo, cấp GPLX hiện nay hay không? Và bộ máy thực hiện công tác này của Bộ Công an thế nào, ngân sách có phải đầu tư không?

Đến thời điểm này, tôi cũng chưa thấy có báo cáo cụ thể nào chỉ ra những lợi ích của việc chuyển nhiệm vụ này sang Bộ Công an.

Theo cơ chế hiện nay, Bộ GTVT quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Giả sử trong công tác này có tiêu cực thì Bộ Công an giám sát, xử lý. Khi chuyển sang Bộ Công an, quy trình này được khép kín, giống như “vừa đá bóng, vừa thổi còi” thì ai sẽ là người kiểm tra, giám sát khi có tiêu cực? Sẽ thiếu khách quan nếu một đơn vị vừa cấp bằng lái, vừa quản lý, giám sát và cũng là đơn vị ra quyết định xử phạt.

ĐB Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Để người dân cùng giám sát

Chuyển sát hạch, cấp GPLX sang Bộ Công an: Nhiều vấn đề cần được làm rõ - 5

Phải thẳng thắn rằng, những lo ngại về việc một đơn vị vừa đào tạo, sát hạch vừa cấp GPLX, vừa xử lý vi phạm sẽ dẫn đến sai sót, tiêu cực là có. Nhất là quy định điểm trừ trong GPLX, khi thấy mình chuẩn bị hết điểm của năm, người vi phạm rất có thể sẽ “mặc cả” với CSGT trong việc xử phạt.

Chính vì vậy, trong việc này, để phòng tránh tiêu cực thì trách nhiệm đầu tiên là của Bộ Công an, phải xây dựng cơ chế giám sát chéo, để người dân cùng giám sát. Và hơn ai hết là trách nhiệm của người dân, ở đây cụ thể là người vi phạm giao thông. Nếu người vi phạm không có ý định “chung chi” thì lực lượng CSGT không có “cơ hội” để nhũng nhiễu, tiêu cực.

TS. Lê Hồng Sơn (nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp):

Thêm nhiệm vụ, có thêm biên chế?

Chuyển sát hạch, cấp GPLX sang Bộ Công an: Nhiều vấn đề cần được làm rõ - 6

Việc chuyển nhiệm vụ quản lý, đào tạo, sát hạch cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an đặt ra vấn đề lớn là bộ máy quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX 63 tỉnh, thành sẽ được sắp xếp thế nào?

Liệu việc chuyển đổi này có làm tăng biên chế, bộ máy của lực lượng công an hay không, bởi rõ ràng nếu được giao thực hiện thì Bộ Công an sẽ có thêm một nhiệm vụ nữa, cùng với các nhiệm vụ đang làm.

Theo báo cáo hàng năm của Bộ Công an, một trong những khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ là do lực lượng tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính còn hạn chế về số lượng, biên chế. Vì vậy, nếu bổ sung nhiệm vụ có đồng thời với tăng biên chế và phình to bộ máy tổ chức của ngành công an hay không?

Một vấn đề nữa là câu chuyện liên quan đến tiêu cực, nếu không có giải pháp chấn chỉnh thì rất khó hạn chế, ngăn chặn được. Nhất là khi Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ này từ đầu đến cuối, theo một vòng tròn khép kín. Vậy thì cơ chế nào để kiểm soát được việc này?

Theo tôi, quan trọng nhất là cần tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý ngay những bất cập, những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và phải công khai việc này.

Không ít ý kiến băn khoăn, nếu bổ sung nhiệm vụ sát hạch, cấp GPLX thì có đồng thời với tăng biên chế và phình to bộ máy tổ chức của ngành công an hay không (Ảnh minh họa)

Không ít ý kiến băn khoăn, nếu bổ sung nhiệm vụ sát hạch, cấp GPLX thì có đồng thời với tăng biên chế và phình to bộ máy tổ chức của ngành công an hay không (Ảnh minh họa)

Đại tá Vũ Quý Phi (nguyên Phó Cục trưởng Cục CSGT, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia):

Ứng dụng tối đa công nghệ, hạn chế CSGT ra đường

Chuyển sát hạch, cấp GPLX sang Bộ Công an: Nhiều vấn đề cần được làm rõ - 8

Việc giao công tác đào tạo sát hạch, cấp GPLX cho ngành công an hay ngành giao thông, điều quan trọng nhất là công tác quản lý làm sao tốt, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Để làm tốt, chống tiêu cực trong khi lực lượng CSGT đào tạo, sát hạch, cấp GPLX rồi lại xử lý vi phạm, thì mọi việc cần phải công khai minh bạch, tăng cường quản lý. Đặc biệt là triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, làm sao để hạn chế tối đa sự tác động của con người, giảm bớt số CSGT phải ra đường làm nhiệm vụ trực tiếp.

Đồng thời, phải xây dựng quy trình đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, xử phạt... làm sao để quá trình đó ở mọi khâu, người dân đều có thể tiến hành giám sát, nếu làm mà không tốt người dân sẽ có ý kiến ngay.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (nguyên Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội):

Cần phân định rạch ròi

Chuyển sát hạch, cấp GPLX sang Bộ Công an: Nhiều vấn đề cần được làm rõ - 9

Để giám sát, hạn chế tiêu cực trong cấp GPLX rồi xử lý vi phạm, cần phải phân định rạch ròi: Việc đào tạo, cấp GPLX là một mảng riêng, xử lý vi phạm là một mảng riêng.

Đặc biệt, mọi phần việc từ đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đến xử lý vi phạm cần phải công khai minh bạch, có cơ chế để cộng đồng giám sát.

Bên cạnh đó, phải xây dựng cơ sở dữ liệu để người dân tra cứu vào là nắm bắt được tình hình vi phạm. Mở các kênh tiếp nhận và xử lý hiệu quả các vi phạm mà người dân phản ánh; tăng cường các hệ thống camera giám sát, tăng cường phạt nguội…

Nguồn: [Link nguồn]

Chính phủ đồng ý giấy phép lái xe có 12 điểm/năm, vi phạm bị trừ hết điểm phải thi lại

Chính phủ vừa đồng ý đề xuất giấy phép lái xe được cấp 12 điểm mỗi năm, nếu tài xế không bị trừ hết điểm sẽ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN