Phù phép rút ruột bảo hiểm xe cơ giới

Lập hồ sơ giả để nâng mức độ nghiêm trọng của tai nạn hay nhân viên bảo hiểm bắt tay với khách hàng để có thêm tiền bồi thường, chia chác… Mặc dù biết, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải bó tay khi không chứng minh được sai sót.

Tai nạn rồi mới mua bảo hiểm

Theo ông Vũ Chí Huy, Phó Tổng Giám đốc Hội sở phía Bắc Công ty Bảo hiểm Toàn cầu (GIC), tình hình gian lận bảo hiểm xe cơ giới ngày càng tăng về số lượng với những hình thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn. Ông Huy dẫn chứng, trường hợp xe ô tô đi hướng Hà Nội – Sơn La do không làm chủ tốc độ đã đâm vào nhà dân bên đường. Vụ tai nạn xảy ra ngày 4/8 nhưng đến 6/8 xe mới mua bảo hiểm. Đến ngày 16/8, chủ xe lập hiện trường giả để khai báo tai nạn, đòi bảo hiểm bồi thường 270 triệu đồng thiệt hại về tài sản và sửa chữa phương tiện khoảng 300 triệu đồng. Hay có trường hợp như đại diện Bảo Việt phản ánh, sau khi gặp tai nạn, khách hàng mới mua bảo hiểm và chờ 2 tháng sau mới dựng hiện trường giả để đòi bảo hiểm.

Phù phép rút ruột bảo hiểm xe cơ giới - 1

Trục lợi bảo hiểm từ tai nạn xe cơ giới diễn biến phức tạp

Bên cạnh đó, theo ghi nhận của Hiệp hội Bảo hiểm, nhiều trường hợp chủ xe cấu kết với xưởng hoặc gara sửa chữa xe để khai tăng giá sửa chữa hoặc thay mới khi không cần thiết, ghi khống hạng mục sửa chữa... để trục lợi. “Khách hàng đều là những người rất am hiểu Luật và nghiệp vụ bảo hiểm để hợp lý hóa ngày tai nạn, thay đổi tình tiết, tạo hiện trường giả, khai tăng số tiền tổn thất, lập hồ sơ khiếu nại nhiều lần, cố ý gây tai nạn... Từ đầu năm đến nay, GIC đã từ chối bồi thường trên 3 tỷ đồng nhưng cũng phải mất rất nhiều công sức điều tra, xác minh vụ việc”, ông Huy phản ánh.

Cùng chung quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trong thực tế, nhiều vụ tai nạn giao thông không có lỗi của lái xe, nhưng để có tiền bồi thường và hòa giải cho nạn nhân, lái xe phải “làm việc” với cơ quan hành pháp, y tế để xin có “lỗi” và hồ sơ bệnh án “đẹp”…

“Hiện tượng người được bảo hiểm thông đồng, cấu kết với những bên liên quan để làm sai lệch hồ sơ vụ việc diễn ra khá phổ biến và khó bị phát hiện. Không những thế, có những nhân viên, đại lý bảo hiểm cũng tiếp tay cho chủ xe gian lận”, ông Thanh khẳng định.

Hàng chục nghìn vụ trục lợi bị phát hiện

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam ước tính, số tiền trục lợi bảo hiểm xe cơ giới hàng năm vào khoảng 15% tổng mức bồi thường. Đại diện các đơn vị bảo hiểm đều cho rằng, hiện tượng gian lận, trục lợi bồi thường bảo hiểm tuy rất phổ biến và đang biến tướng thành một dạng tội phạm có tổ chức nhưng doanh nghiệp bảo hiểm lại không nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của một số cơ quan chức năng.

Lý giải rõ hơn thực tế này, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam, người trục lợi bảo hiểm sẽ không bị xử phạt nếu như công ty bảo hiểm phát hiện vì các đơn vị này chỉ có thể dừng không trả tiền. Theo ông Lộc, bảo hiểm xe cơ giới bị trục lợi một phần là nhờ sự tiếp tay từ chính nhân viên bảo hiểm giải quyết tai nạn, người mua bảo hiểm và cơ quan giải quyết tai nạn. “Ở nước ta, các doanh nghiệp bảo hiểm thực chất không có vai trò gì trong việc giám định tai nạn xe cơ giới ngay tại hiện trường”, ông Lộc chỉ ra thiếu sót.

Chung nhận định đó, ông Thanh đề xuất, doanh nghiệp bảo hiểm nên tham gia từ đầu việc xử lý tai nạn giao thông, là người đại diện cho đơn vị vận tải làm việc với nạn nhân và các cơ quan có liên quan. Lái xe chỉ chịu trách nhiệm hình sự, không chịu trách nhiệm dân sự để ngăn chặn hành vi trục lợi.”

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Tài chính, chỉ riêng trong giai đoạn 2007 - 2011, thị trường bảo hiểm Việt Nam ghi nhận 44.704 vụ trục lợi bị phát hiện, với số tiền hơn 410 tỷ đồng, trong đó riêng lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ (mà phức tạp nhất là bảo hiểm con người và bảo hiểm xe cơ giới) là 3.973 vụ, với tổng số tiền gần 150 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Tuyền (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN