Phu bốc mộ: Nghề hưởng lộc từ người chết

“Quanh năm suốt tháng phải đối mặt với tử khí bốc lên ngùn ngụt nhưng chúng tôi không sợ. Vì đó là cái nghề cha truyền con nối, phải biết giữ gìn, quan trọng hơn là sau khi chăm sóc cho người quá cố thì được người nhà của họ trả một khoản thù lao xứng đáng”, ông Sáu Trung, 54 tuổi, một phu đào mộ lâu năm ở nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức (TP HCM) trải lòng.

Sống với tử khí vẫn yêu nghề

Nghĩa trang Gò Dưa quy tập hàng ngàn ngôi mộ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những phu đào huyệt ở đây đều là những người có thâm niên lâu năm, người có tay nghề ít nhất cũng phải hơn 10 năm. Ngồi dưới tán cây hớp ly trà đá, ông Sáu Trung cùng nhóm phu đào mộ hoài niệm lại những kí ức buồn vui về cái nghề đặc biệt này.

Ông Trung đã gắn bó với nghĩa trang Gò Dưa gần 25 năm. Chỉ vào chàng trai vạm vỡ ngồi gần chúng tôi, ông Trung nói: “Tôi làm nghề này từ cái ngày thằng Hưng còn chạy lon ton xách từng xô nước, cây chổi để dọn dẹp mộ mỗi khi có khách viếng thăm. Nay Hưng cũng trở thành một phu đào mộ có thâm niên gần 10 năm trong nghề. Mình làm nghề này là hưởng lộc người chết để lại, hoa quả trái cây nhiều lắm, mấy chú đừng có chê đồ là của người chết mà hổng dám ăn, tụi tui còn nhiều lắm”. Vừa nói, ông Trung mời chúng tôi miếng sầu riêng thơm phức lấy từ ngôi mộ bên cạnh.

Nghề đào mộ, chăm sóc người đã khuất mới nghe qua có vẻ rùng rợn nên những phu đào mộ luôn tự ti với bản thân, nhiều lúc họ bị những người xung quanh nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm, dẫn đến việc mặc cảm với nghề. “Nhiều người gọi chúng tôi là những cô hồn sống, quanh năm suốt tháng chỉ biết bám víu vào người chết sinh tồn. Nhưng chúng tôi xem phu đào mộ là một việc làm phúc đức. Nó cũng là một nghề hẳn hoi, thử nghĩ nếu không có chúng tôi thì ai chăm sóc mồ mả cho người quá cố, người nhà của người đã khuất có yên tâm không? Mỗi khi có người đến viếng, chúng tôi cầm chổi, xách nước để rửa mộ rồi xin họ ít tiền lẻ. Anh em tụi tui chia công việc ra để làm. Hằng ngày, mỗi người phải đi làm cỏ cho từng ngôi mộ, nhiều hôm tối còn ngủ lại để bảo vệ nghĩa trang canh chừng mấy ông nghiện ma túy vào đây hút chích, ăn cắp đồ. Chúng tôi nghĩ mình làm phước đức chứ đâu phải là cô hồn sống mà nhiều người gán ghép”, ông Sáu Trung cay đắng nói.

Tiếp lời ông Trung, anh Nguyễn Văn Út (35 tuổi) cho biết, gia đình hiện rất khó khăn, chỉ có một mình anh kiếm ra tiền lo cho cha mẹ đã lớn tuổi, con cái thì còn nhỏ. Ngày trước, cũng vì gia đình quá nghèo, anh gác việc học sang một bên rồi đi bươn chải kiếm sống khắp nơi. Số phận đưa đẩy, cuối cùng anh cũng quay về nối tiếp cái nghề phu đào mộ mà cha để lại. Dù trong công việc có khó khăn nhưng anh cùng những phu đào mộ khác cố gắng vượt qua, với một mong muốn người đời trân trọng, coi là nghề làm ăn lương thiện.

Phu bốc mộ: Nghề hưởng lộc từ người chết - 1

Phu đào mộ dọn dẹp sạch sẽ “nhà cửa” của người đã khuất để người thân thăm viếng thấy an lòng

Nghề nào cũng có “luật”

Nguồn thu nhập chính của những phu đào mộ ở nghĩa trang Gò Dưa chủ yếu là từ việc chăm sóc mộ phần. Ngoài ra, mỗi khi người chết được đem về đây an táng, họ được đơn vị chủ quản thuê để đào huyệt kiêm luôn phần xây mộ. Từ khi nghĩa trang Gò Dưa được thành lập, cha ông của những phu huyệt này đã chọn cái nghề này để mưu sinh. Chính vì vậy, cha già sức yếu nghỉ nghề là con cái được truyền lại. Bởi vậy, dù thiên hạ có bàn tán soi mói thế nào đi chăng nữa thì họ vẫn bám víu người chết để mưu sinh, quyết không chịu bỏ nghề. Nhưng nếu đã gọi là nghề thì chắc chắn không thể thoát khỏi qui luật cạnh tranh sinh tồn.
 
Nghĩa trang Gò Dưa được chia thành nhiều khu để chăm sóc mộ, người thân vào thăm người quá cố khu vực nào thì người phụ trách khu đó được hưởng lợi. Vì nơi đây có “luật” qui định rõ ràng, “luật” ở đây không phải là thế giới ngầm của tội phạm, mà là qui định của những phu đào mộ ở đây tự đưa ra để tạo công ăn việc làm cho những người chăm sóc mộ một cách bình đẳng. “Đứng đầu quản trang khu vực này là anh Sầu Riêng, đứng ra sắp xếp sao cho anh em không bị thiệt thòi, nên tụi tui sống thương yêu như anh em vậy đó”, anh Út cho biết.

Cuộc trò chuyện với chúng tôi đang dang dở thì bất ngờ một người đàn ông chân thấp chân cao đi vào ngỏ lời với nhóm phu đào để xin làm một chân thợ xây mộ, những chỉ nhận lại những cái lắc đầu nguầy nguậy. Ông Sáu Trung giải thích: “Thỉnh thoảng cũng có người ở nơi khác vào xin gia nhập nhóm phu đào huyệt nhưng mọi người đều từ chối, vì nơi đây là miếng cơm manh áo của chúng tôi. Anh em làm ở đây biết tính cách với nhau cả rồi, nếu người lạ vào nảy sinh ý đồ xấu thì mình không biết ăn nói sao với ban quản lý nghĩa trang”.

Chia tay chúng tôi lúc trời sắp tắt nắng, ông Trung cầm tay chúng tôi nói: “Cuộc sống mưu sinh miếng cơm manh áo của phu đào mộ chỉ gói gọn trong nghĩa trang này. Nghề đã chọn chúng tôi nên bằng lương tâm của mình, chúng tôi cố gắng hơn nữa trong công việc để xóa đi thương hiệu cay đắng mà người đời gọi là “cô hồn sống”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Du Nguyễn (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN