Phó Chủ tịch HN: “Chống sởi không thể chỉ nói mồm”
“Quyết tâm của chúng ta là phải làm bằng được, biến trách nhiệm thành hành động, không thể nói mồm được”, Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh khi nói về tình hình phòng chống dịch sởi.
Chiều ngày 16/4, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp giao ban về tình hình phòng chống dịch sởi.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ tháng 12/2013 đến nay, tại Hà Nội ghi nhận 1.062 trường hợp mắc sởi, trong đó có 14 trường hợp tử vong.
Sở Y tế Hà Nội cho rằng, các trường hợp tử vong hầu hết trước đó chưa tiêm vắc xin sởi, thường xuyên mắc các bệnh khác như: viêm phế quản, viên phổi phải điều trị tại bệnh viện, tử vong do đồng nhiễm nhiều loại vi rút khác nhau.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, thời gian qua, các đơn vị liên quan đã triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống bệnh sởi. “Nhưng rõ ràng, diễn biến bệnh sởi như hiện nay cho thấy các biện pháp trên hiệu quả chưa cao”, bà Ngọc nhận xét.
Bà Ngọc dẫn chứng, 3 tháng đầu năm phát sinh hơn 1.000 ca sởi, tăng đột biến 150% so với cùng kỳ. Cả nước có 25 ca tử vong vì sởi, riêng Hà Nội chiếm 14 ca. Bệnh sởi phát triển ở cả 30 quận huyện của Hà Nội, không trừ một quận huyện nào.
Điều đáng lưu ý, trong số các các trẻ nhiễm sởi, có đến hơn 88% xuất phát từ nguyên nhân trẻ chưa tiêm vắc xin sởi. Theo bà, đây là điều “cần phải trăn trở”.
Phó Chủ tịch cho biết, Hà Nội đặt ra mục tiêu ngăn chặn và khống chế, không thể để dịch phát triển thêm, phát triển mới. Hạn chế mức thấp nhất nạn nhân tử vong.
Hà Nội họp giao ban về tình hình phòng chống dịch sởi chiều 16/4
Nói về giải pháp, bà Ngọc nhắc lại con số 88% trẻ nhiễm sởi do chưa tiêm vắc xin. Theo bà, một trong những nguyên nhân là người dân chưa nhận thức đầy đủ về bệnh nên chưa đi tiêm chủng. Bà Ngọc nhận định: “Chắc là do chúng ta tuyên truyền chưa đầy đủ nên người ta thấy bình thường”.
“Các đồng chí làm tiêm chủng chưa hết trách nhiệm, đoàn thể chưa vào cuộc nên mới có chuyện, cán bộ đến mời đi tiêm nhưng người dân trốn”.
Do vậy, công tác tuyên truyền tiêm vắc xin phải phải đặt lên hàng đầu. Nếu người dân còn băn khoăn lo lắng sau những “sự cố vắc xin” trước đây, cần phải giải thích để dân hiểu. Phó Chủ tịch đề nghị Sở Y tế thông qua hệ thống phát thanh phường xã để tuyên truyền đến người dân.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề nghị ngành y tế cử người trực 24/24, nắm bắt từng đối tượng khi có biểu hiện bệnh, người dân được hướng dẫn đưa đi đâu, được điều trị như thế nào... Ngành y tế cũng phải bảo đảm, người bệnh được điều trị tốt ngay từ đầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Bà Ngọc dẫn lại lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói khi đi kiểm tra ở Bệnh viện Nhi Trung ương, (ngày 15/4): “Chưa đủ điều kiện công bố dịch nhưng phải sử dụng các biện pháp, kể cả kinh phí như khi phòng chống dịch”.
Phó Chủ tịch Hà Nội đề nghị ngành tài chính, kế hoạch đầu tư đề xuất giải pháp về kinh phí chống dịch. Theo Phó Chủ tịch, công bố dịch phải theo điều kiện cho phép, theo luật chứ không phải thích là được. Nếu chỉ vì tiền mà công bố dịch cũng không được, gây hoang mang trong nhân dân.
“Tôi nghĩ rằng, công bố hay không công bố không quá quan trọng, quan trọng nhất là có giải pháp thực hiện hiệu quả”.
Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tổng hợp báo cáo tình hình phòng chống bệnh đến UBND Thành phố theo tuần.
“Quyết tâm của chúng ta phải làm bằng được, biến trách nhiệm thành hành động, không thể nói mồm được”, Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Chiều 15/4, trước tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh sởi, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam có buổi làm việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 108 trường hợp tử vong do sởi, các bệnh biến chứng sau sởi và các ca mắc sởi kèm theo bệnh lý khác. Trong đó có 103 ca tại Bệnh viện Nhi Trung ương, 4 ca tại Bệnh viện Bạch Mai và 1 ca tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. |