Phía sau làng "biệt thự Tây" ở vùng quê HN

Cách Hà Nội khoảng 50km về phía Nam có một làng biệt thự ở ven đô, tại đây có rất nhiều ngôi mà mang dáng dấp, kiến trúc châu Âu.

Nhiều người gọi đây là "làng Tây" giữa Hà Nội, bởi hầu hết những ngôi nhà ở đây đều có kiểu kiến trúc lạ so với ngôi nhà thuần Việt là 3 gian. Hầu hết những biệt thự này được xây từ những năm 1930 của thế kỷ trước...

Những nóc nhà Tây ở... quê

Đi theo đường 1A cũ xuôi về phía huyện Thường Tín, Hà Nội, chúng tôi sang địa phận huyện Phú Xuyên. Không khó để hỏi thăm địa chỉ vào làng Cựu, xã Vân Từ - một ngôi làng đặc biệt, có kiến trúc rất "Tây". Ngay từ đường rẽ vào làng, tôi đã thấy nhấp nhô những ngôi nhà có kiến trúc cầu kỳ, có lối lên xuống, mái vòm, cuốn bắt mắt. Chúng tôi được biết, từ những năm đầu thế kỷ XX, người làng Cựu đã có cuộc sống khá giả, chính bởi lý do đó mà họ đã xây dựng những ngôi nhà theo kiến trúc kiểu Pháp?!

Làng Cựu có đường lát đá xanh, cổng mái vòm với trang trí cầu kỳ và hàng chục ngôi biệt thự. Anh Nguyễn Quang Huy, Trưởng thôn Cựu cho biết: "Năm 1920, cả làng xảy ra hỏa hoạn, vì toàn nhà tranh, vách đất lại nằm liền kề nhau nên người dân dập không nổi. Những năm 1930 - 1945, làng Cựu có nghề may đo comple, đồ Tây, nhiều người con của làng ra phố học nghề, hoặc sang châu Âu, sang Pháp… Thế là sau đó, biệt thự kiến trúc châu Âu "mọc lên".

Đến nay, dân làng Cựu vẫn tự hào rằng, làng có nghề may truyền thống và có những người đã nổi tiếng ở Hà Nội như anh em ông Phúc Mỹ, Phúc Hưng, thợ may đệ nhất Hà thành. Chính những tiếp xúc với văn hóa phương Tây ấy nên nhiều người dân làng Cựu đã học được sự xởi lởi, phóng khoáng của người châu Âu và không biết từ bao giờ họ cũng thích những kiến trúc lạ với mái vòm, cửa cuốn của phương Tây...

Phía sau làng "biệt thự Tây" ở vùng quê HN - 1

Những mảng tường xưa cũ, đường lát đá rêu phong là một nét đẹp đạt đến độ chỉn chu nơi làng Cựu

Theo anh Nguyễn Quang Huy, hiện làng có khoảng 30 ngôi biệt thự còn lại từ thời mới xây đến nay. Ngôi nhà của cụ Phó Du xây vào 1929, tức thuộc loại có sớm nhất làng, nổi tiếng với hình con tôm đắp nổi, rất đẹp ở trước cổng. Để làm xong ngôi nhà này, chủ nhân của nó đã phải mất 2 năm cùng ăn ở với thợ xây. Nhà ông Xã Vinh lại nổi tiếng có lối kiến trúc cầu kì với ngõ vào thênh thang lát đá tảng xanh, cổng trang trí kiểu sơn thuỷ hữu tình, trên có hình hoa đào, hoa sói, tôm hùm, lân, phượng, câu đối khắc chữ Nho. Giữa hai tòa nhà, phía trên cao còn có cả một chiếc cầu cong be bé xinh xinh nối liền.

Biệt thự "im ỉm"... cả năm

Nét Bắc bộ đậm nhất ở biệt thự làng Cựu là chiếc cổng làng. Cổng làng cũng là điểm nhấn kiến trúc của làng. Cổng xây cao 3 tòa tháp, trên có nậm rượu, nụ hoa, bên cạnh có điếm canh để bảo vệ an ninh cho dân làng... Cổng làng chính là "cái hồn" của những làng quê miền Bắc thì ở làng Cựu nó cũng tôn lên sự bề thế đậm nét văn hóa. Sự giao thoa giữa kiến trúc kim và cổ khiến cho làng Cựu vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, nhưng biết chắt lọc để tiếp thu cái mới. Chính nét lịch sử văn hóa ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn nhiều người con làng Cựu, dù có đi xa vẫn nhớ về quê hương.

Hầu hết những biệt thự ở làng Cựu đều tạo cảm giác thân thuộc với những con đường lát gạch nghiêng, hai bên là hai hàng đá xanh. Đi khoảng mấy trăm mét là những chiếc cột đèn nhỏ kiểu Pháp gắn với chi tiết sắt cuốn. Khi nào làng có "sự kiện" hay Trung thu là những chiếc đèn đường ấy được thắp sáng khiến cả làng lung linh như có hội.

Ông Trần Minh - một cao niên trong làng tiết lộ: "Làng Cựu xưa kia nổi tiếng với nghề may và giờ đây nhiều ngôi nhà vẫn giữ được những nét kiến trúc châu Âu. Trước cửa nhà thường đắp nổi bức cuốn thư có hình thanh kiếm và ngọn bút lông ở hai bên, biểu tượng cho trọng sự hiếu học. Điều thú vị là dường như phong cách kiến trúc và lối bài trí ở các ngôi biệt thự còn thể hiện cả nét tính cách riêng của từng gia đình hoặc dòng họ. Nhiều biệt thự làng Cựu được xây dựng trong thời gian từ 1930 đến 1945 với kiểu kiến trúc vòm cuốn, mái chảy, gỗ lim, ngói mũi. Phụ gia xây dựng là mật ong trộn muối. Các chi tiết nhỏ trong mỗi biệt thự đều được chạm trổ cầu kỳâ, hình hoa lá, hạc, phượng...

Không chỉ trang trí cầu kỳ bên trong mà các gia đình giàu có ngày ấy cũng để ý đến việc bài trí phía ngoài. Thềm lát đá xanh, các bể nước vẽ nhiều họa tiết, cổng hình các con vật như tôm, dơi, nghê, hươu, nai... Có những ngôi biệt thự, riêng phần cửa, thợ giỏi phương xa đã phải thay nhau chạm trổ cả năm trời mới xong".

Anh Trần Quang Huy khẳng định, thời điểm này, hầu hết chủ nhân những biệt thự cổ này đều... không có ở làng. Họ là những doanh nhân, người buôn bán thành đạt ở những phố lớn như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Trống… (Hà Nội); một số khác thì đã ở nước ngoài vì đặc thù của nghề may đồ Tây là ở các thành phố lớn. Biệt thự ở làng Cựu chỉ là chốn đi về những ngày giỗ, tết của chủ nhân. Có ngôi biệt thự, đóng cửa im ỉm cả năm trời mới có hơi người mà chưa chắc đã là chủ nhân. Bởi, chủ nhân ở nước ngoài, họ nhờ người thân đến dọn dẹp và thắp hương ngày lễ, tết.

Đi một vòng quanh làng, chúng tôi thấy, nhiều ngôi biệt thự làng Cựu nhà khóa cửa bên ngoài thật. Anh Huy bảo rằng, phần lớn những ngôi nhà này, xưa kia chủ nhân giàu có, giờ con cháu họ cũng làm ăn phát đạt hoặc học hành thành đạt ở nơi xa, thỉnh thoảng mới về thăm nhà là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, nét cổ kính, sang trọng vẫn còn ẩn hiện sau những mái ngói âm dương, màu đỏ kết hợp với những chạm trổ, cửa vòm tinh xảo. Thời gian làm cho một số ngôi nhà đã bị xuống cấp nhưng chủ nhân của nó thì thừa ý thức và đủ vật lực để bảo tồn những ngôi biệt thự cổ này. Bằng chứng là nhiều người tự nguyện đóng góp được hơn 700 triệu đồng để tu bổ một ngôi biệt thự, nơi trước đây học sinh của trường Huỳnh Thúc Kháng dùng.

Nhiều biệt thự đã xuống cấp cần tôn tạo

Ông Trần Đức Tiến, bí thư Chi bộ thôn Cựu, xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội cho biết: "Sau năm 1945, chủ nhân của những ngôi biệt thự này ly tán khắp nơi, người ở Hà Nội, người phát triển nghề may vào tận Sài Gòn - Chợ Lớn, cũng có người sang Mỹ, Pháp làm ăn. Hiện ở làng chỉ có hơn 100 hộ, với hơn 600 nhân khẩu, sinh sống bằng nghề nông nên không có tiền đầu tư chống lại sự xuống cấp của những ngôi nhà là niềm tự hào của người dân.

Hơn thế, 1/3 trong số gần 100 ngôi biệt thự cổ của làng hiện bị bỏ không, thỉnh thoảng mới có người đến quét dọn, nhưng cũng có nhà mấy hộ cùng sở hữu, bán đi bán lại nhiều lần, mạnh ai người ấy làm, cải tạo theo ý riêng khiến cảnh quan, không gian kiến trúc cổ ít nhiều bị biến dạng hoặc mất đi. Vì thế, địa phương rất cần sự chỉ đạo của cấp trên để trùng tu và giữ gìn một ngôi làng đặc biệt của Hà Nội".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lạc Thành (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN