Phạt 20 triệu nếu kết hôn nhằm trục lợi

Lợi dụng việc lấy chồng lấy vợ để kiếm lợi sẽ bị phạt 20 triệu.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 110 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trong đó phần quy định về xử phạt vi phạm hôn nhân gia đình đã đưa ra mức phạt dành cho cả người chồng hoặc vợ đi ngoại tình lẫn người độc thân nhưng ngoại tình với người đã có chồng hoặc vợ.

Nghị định này quy định, phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng việc kết hôn nhằm xuất cảnh, nhập cảnh, nhập quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước khác, hoặc để hưởng chế  độ ưu đãi của nhà nước.

Người nào lợi dụng việc kết hôn để trục lợi cũng bị phạt số tiền trên.

Nghị định nêu rõ, phạt 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với người đang có vợ hoặc chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; người chưa có vợ hoặc chồng mà chung sống như vợ chồng với người mình biết rõ là đang có chồng hoặc vợ;

Một số hành vi cũng bị phạt 1 triệu đến 3 triệu đồng gồm: Người đang có vợ hoặc chồng mà vẫn kết hôn với người khác; Người chưa có vợ hoặc chưa chồng kết hôn với người mình biết rõ là đang có vợ hoặc có chồng; Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

Hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn, sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Còn hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó, sẽ bị phạt 1 triệu đến 3 triệu đồng.

Cũng sẽ xử phạt hành vi dụ dỗ, mua chuộc, ép buộc, đe dọa để có sự đồng ý của người có quyền đồng ý cho trẻ em làm con nuôi với mức 5 triệu đến 10 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng cho hành vi làm dịch vụ môi giới cho hoặc nhận con nuôi trái pháp luật.

Người nào sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục xác định lại dân tộc, giới tính, sẽ bị phạt 1 triệu đến 3 triệu. Cảnh cáo hoặc phạt 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp để làm thủ tục xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính.

Nghị định này còn quy định phạt 5 triệu đến 10 triệu đồng với hành vi đăng ký khai tử cho người đang sống hoặc cố ý không đăng ký khai tử cho người chết để trục lợi.

Thẩm quyền xử phạt các vi phạm trên thuộc về chủ tịch UBND các cấp xã đến tỉnh hoặc các cơ quan tư pháp trung ương đến địa phương. Nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 11/11/2013.

Riêng với hành vi tảo hôn, lâu nay, pháp luật quy định tuổi kết hôn nam giới là 20 tuổi, nữ giới là 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, Dự án Luật Hôn nhân & Gia đình (sửa đổi) mà Bộ Tư pháp đang soạn thảo, đã đề xuất hạ độ tuổi kết hôn cả nam và nữ đều xuống 18 tuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thư Lê ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN