Pháo vẫn nổ như chưa hề cấm
Sáng sớm mùng 1 Tết, dạo một lượt dọc theo quốc lộ 5 từ xã Cộng Hoà đến xã Kim Lương (Hải Dương), chúng tôi thấy rất nhiều xác pháo đỏ ven đường trước cửa các hộ dân.
Một vài năm trở lại đây, đã xuất hiện tình trạng người dân ở nhiều xã trên địa bàn huyện Kim Thành đốt pháo của Trung Quốc sản xuất vào dịp Tết. Đặc biệt là vào đêm giao thừa, pháo nổ, phoá trứng, pháo giàn nổ rất nhiều.
Vào lúc 23 giờ 45, chúng tôi có mặt tại trụ sở xã Cộng Hoà. Tìm gặp Trưởng Công an xã nhưng tôi được bảo vệ và Phó Chủ tịch UBND xã cho biết trưởng công an và khoảng 30 công an viên, dân quân cơ động đang đi tuần tra.
Chúng tôi hỏi ông Đào Quang Thảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Hoà: "Gần giao thừa rồi mà pháo chưa nổ mấy anh nhỉ?". "Chắc phải 10 phút nữa thì mới nổ nhiều" - ông Thảnh cho biết. Khi biết chúng tôi là nhà báo, ông Thảnh liền đổi giọng: "Xã tôi bây giờ pháo nổ cũng ít thôi, bởi trước Tết chúng tôi đã phối hợp với các xã lân cận bắt được một vụ buôn bán pháo với 7 bánh pháo nổ có trọng lượng 11 kg. Cùng với đó, chúng tôi đã yêu cầu các hộ dân cam kết không đốt phảo nổ. Nhưng năm nay, xuất hiện khá nhiều pháo do người dân tự làm. Do lực lượng khá mỏng nên chúng tôi không thể kiểm soát hết được".
Một dân chơi khoe quả pháo tự chế trước giao thừa
Mặc dù vậy, dạo qua khu phố Lai Khê, chúng tôi vẫn thấy khá nhiều xác pháo đã nổ, có cả xác pháo màu đỏ, màu trắng. Càng đến sát giao thừa, pháo nổ, pháo trứng bắt đầu nổ nhiều hơn.
Ở xã Cổ Dũng khi chỉ còn khoảng 5 phút nữa là tới thời khắc giao thừa, ven quốc lộ 5 và một số thôn, pháo trứng, pháo giàn được bắn khá nhiều. Pháo bắt đầu nổ liên tục. Nhiều người dân hiếu kỳ đổ ra ven đường xem đốt pháo. Qua ghi nhận của chúng tôi thì hầu như hộ dân ở ven đường nào cũng đốt pháo nổ, còn pháo trứng thì rất nhiều.
Đến khu vực ga Phạm Xá, xã Tuấn Hưng đúng vào thời khắc giao thừa, thì pháo nổ rất nhiều. Pháo trứng, pháo giàn được bắn lên từ các hộ dân ven quốc lộ 5, mùi thuốc pháo khét lẹt toả ra khắp nơi. H., một thanh niên vừa châm một bánh pháo nổ nói với tôi: "Anh là nhà báo, việc anh anh cứ làm. Nhưng em không thể không đốt pháo vào đêm giao thừa được vì nó vui lắm anh ạ". Thực sự nhiều người dân ở khu vực này đã tỏ ra rất thích thú khi được xem đốt pháo trứng, pháo giàn và phảo nổ.
Một quả pháo trứng được đốt ở xã Tuấn Hưng trước giao thừa
Cảnh đốt pháo nổ lúc giao thừa ở khu vực ga Phạm Xá
Để tìm hiểu vì sao đêm giao thừa, pháo ở một số xã trên địa bàn huyện Kim Thành nổ rất nhiều, trong vai người đi mua pháo trong đêm 29 tháng chạp, chúng tôi đã phần nào hiểu được vì sao pháo lại nhiều như vậy. 9 giờ tối, ở một quán nước thôn Phạm Xá 2, khi biết tôi có ý định mua một bánh pháo nổ, một thanh niên tên K. cho biết: "Em vừa mua một bánh pháo tép dài 6m, giá 1,5 triệu đồng. Nếu anh mua trước Tết khoảng 1 tháng thì chắc chưa đến 1 triệu đồng".
"Em còn 2 m pháo tép anh có mua không?" - một thanh niên khác hỏi tôi. "Thế chú em bán giá bao nhiêu?" - tôi hỏi. "Tuỳ anh thôi, giao thừa đến nơi rồi, anh không tìm đâu ra pháo đâu" - thanh niên này bồi thêm. Còn để có pháo trứng đốt giao thừa, nhiều thanh niên đã mua pháo trước vài tháng trời. Anh T, một thanh niên nhiều năm chơi phá trứng cho biết. "Trước Tết khoảng 5 tháng, tôi đã mua được 10 hộp, mỗi hộp 12 quả giá chỉ 150 nghìn đồng, bây giờ thì phải 25 nghìn đồng anh mới mua được 1 quả".
Qua tìm hiểu của chúng tôi, để đốt được loại pháo trứng do Trung Quốc sản xuất, trước Tết những người chơi đã phải chuẩn bị khá công phu. Họ phải chọn một ống sắt có đường kính khoảng 7 cm, chiều cao khoảng 30 - 40 cm, đít phải hàn một đế sắt. Cả ống và đế sắt nặng khoảng 1 kg. Quả pháo trứng thường có kích thước cỡ quả trứng gà nên được gọi là pháo trứng. Khi đốt, người ta cầm ngòi châm lửa rồi thả vào ống. Quả pháo sẽ được đẩy lên cao chừng 20 - 30 m và phát ra tiếng nổ xé tai, tạo ra một vòng sáng rực rỡ như pháo hoa.
Còn pháo nổ chủ yếu là loại pháo tôm, pháo tép. Giá 1m pháo tép có giá khoảng 150 nghìn đồng, pháo tôm thì đắt hơn chút ít. Tuy nhiên, loại pháo này nổ rất nhanh, chỉ trong vòng 10 giây là hết 1 m pháo. Thế nhưng dân chơi không tiếc tiền để mua pháo đốt giao thừa. Ngoài ra, một số người dân còn tự cuộn pháo để đốt.
Đường thôn Cổ Dũng đỏ rực xác pháo. Ảnh chụp lúc 7 giờ sáng mùng 1 Tết
Sáng sớm mùng 1 Tết, dạo một lượt dọc theo quốc lộ 5 từ xã Cộng Hoà đến xã Kim Lương, chúng tôi thấy rất nhiều xác pháo đỏ ven đường trước cửa các hộ dân. Điều đó cho thấy việc cấm buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ đã không được thực hiện nghiêm ở huyện Kim Thành.