Phận làm phu treo đời trên vách đá
Sống trên đá, chết vùi trong đá… Hàng loạt vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại các mỏ đá nhưng vì kế mưu sinh, nhiều người vẫn bất chấp.
“Ầm… ầm… ầm…”. Thôn Pháp Cổ, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng rung chuyển vì tiếng mìn khai thác đá dồn dập. Tại hàng loạt mỏ đá thuộc khu vực Thung Doãn, núi Hàn, núi Vang, núi Trượt…, đâu đâu chúng tôi cũng nghe tiếng ầm ào của các loại máy khoan, xúc, đào, xay đá.
Đánh đu với số phận
Sau tiếng mìn nổ, mỏ đá chìm khuất trong làn khói bụi dày đặc. Khi bụi khói lắng dần, căng mắt nhìn, chúng tôi vẫn thấy nhiều phu đá treo mình vắt vẻo trên sợi dây, đu đưa trên vách núi dựng đứng cao hơn 100 m để khoan chỗ đặt mìn. Giữa lưng chừng núi, người thợ đeo chiếc máy khoan và khoảng 20 kg thuốc nổ trên lưng hì hục làm việc. Khoan vào lòng núi đá vài mét, họ nhồi thuốc nổ, sau đó kích nổ.
Chị Trần Thị Phương, người bán quán bên đường tại thôn Pháp Cổ, cho biết ở xã Lại Xuân, ngoài khai thác đá và đốt lò vôi, người dân không còn biết làm gì ra tiền. “Dù mỗi năm đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn do khai thác đá, nhiều khi chết người nhưng vì mưu sinh, họ phải liều mình đánh đu với số phận” - chị Phương trăn trở.
Ngồi uống nước trong quán chị Phương, phu đá Phạm Văn Nghị người lấm lem bụi đất, tư lự nhìn ra mấy ngọn núi, thở dài: “Mình học ít nên phải theo cái nghề nguy hiểm này”. Chỉ vết sẹo dài trên chân, Nghị cho biết đó là dấu tích vụ tai nạn đầu tiên của anh. “Hôm ấy, một hòn đá khổng lồ trên đỉnh núi bất ngờ lao ầm xuống, kéo theo hàng mớ đất đá. Dù đã cắm cổ chạy nhưng tôi vẫn bị một hòn đá lớn rơi trúng làm gãy chân. Vậy đã là may mắn, 3 người nữa cùng làm thì một người bị đè chết, 2 người trọng thương” - anh Nghị kể.
Phu đá khoan núi, đặt mìn khai thác tại một mỏ đá ở huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng. Ảnh: Mai Phương
Ông Nguyễn Văn Dĩnh, ở thôn Pháp Cổ, cho biết cũng có lần suýt chết vì đá. “Sau khi khoan núi đặt mìn, tôi nấp vào một hốc đá trên đỉnh rồi kích điện cho nổ. Không ngờ, sức công phá của mìn quá lớn, làm sạt cả đỉnh núi nơi tôi đang đứng. Lăn lông lốc từ đỉnh xuống chân núi cùng hàng chục tảng đá, vậy mà tôi không chết, chỉ bị gãy 2 xương sườn, vỡ xương hông... Tưởng đã cạch đến già nhưng sau một năm điều trị, lành vết thương, vì không còn nghề gì mưu sinh, tôi lại phải tiếp tục treo mình trên vách núi” - ông kể. Vợ ông ngồi cạnh lo lắng: “Nghề này bạc lắm, chiều về mới biết người còn”.
Theo ông Phạm Huy Phán, trưởng thôn Pháp Cổ, vì có nhiều phu đá thiệt mạng nên nơi đây còn được gọi là “làng góa phụ”. “Nhà chị T. kìa, mới cưới được 2 năm thì chồng chết. Cách đó 4 căn là nơi mẹ con chị V. sống, chồng chị ấy mới chết cách đây 1 năm. Kế bên là nhà bà H., cả chồng và con trai đều thiệt mạng…” - ông Phán rầu rĩ. Ông Đồng Xuân Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Xuân, cho biết theo thống kê sơ bộ, Pháp Cổ có hơn 100 góa phụ, đa số do chồng chết trong quá trình khai thác đá.
Tại Nghệ An, từ cuối năm 2007 đến nay, nhiều vụ tai nạn thương tâm ở các mỏ đá đã liên tiếp xảy ra. Ngày 15/12/2007, vụ sập núi đá tại Bản Vẽ, huyện Tương Dương làm 18 người thiệt mạng. Ngày 12/1/2008, mỏ đá Lèn Nậy, huyện Quỳnh Lưu sập làm chết 3 người và bị thương 7 người. Ngày 1/4/2011, vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, huyện Yên Thành làm 18 người chết, 6 người bị thương… Mới đây, ngày 22/3/2012, mỏ đá của Công ty CP Khai thác Đồng Giao ở huyện Quỳnh Lưu sập làm một người tử vong tại chỗ.
Nhiều gia đình phu đá rơi vào cảnh vợ mất chồng, con thơ mất bố mẹ nhưng doanh nghiệp và người dân vẫn bất chấp những quy định về an toàn trong khai thác đá. Cảnh phu đá treo mình lơ lửng suốt ngày trên vách núi để khoan, cắt đá, đặt mìn mà không hề có thiết bị bảo hộ vẫn diễn ra phổ biến tại các mỏ đá. “Ngày nào cũng làm việc dưới những khối đá lớn, chúng tôi không biết sẽ bị đè chết lúc nào. Biết nguy hiểm nhưng vì mưu sinh nên người dân ở đây đành nhắm mắt làm liều” - chị Diên, một người may mắn thoát chết sau vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, giờ vẫn tiếp tục mưu sinh tại các mỏ đá, tâm sự.
Làm ngược quy trình
Ở Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên có 10 công ty chuyên khai thác đá. Tình trạng mua đi, bán lại các mỏ đá khiến cơ quan chức năng địa phương đau đầu. Hiện tượng đầu cơ mỏ cũng đã xuất hiện. Nhiều doanh nghiệp dù không đủ năng lực song vẫn xin cấp giấy phép khai thác đá. Khi có giấy phép, họ bán lại cho người khác kiếm lời. “Khai thác đá mang lại lợi nhuận cao, trong khi chi phí đầu tư không quá lớn.
Dù địa phương đã tăng cường quản lý nhưng vì siêu lợi nhuận nên khó tránh được việc các doanh nghiệp tìm mọi cách để sở hữu và đầu cơ mỏ đá” - một lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên lo ngại.
Việc khai thác đá tràn lan khiến núi Hồng Lĩnh tan hoang. Ảnh: Hải Vũ
Sau 2 vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong ngày 21/5 làm 9 người thiệt mạng ở xã Lại Xuân, UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu rà soát thực trạng khai thác đá tại Thủy Nguyên; xem xét quy trình kỹ thuật có được đáp ứng hay không. Theo quy trình kỹ thuật, việc khai thác đá phải theo kiểu cắt tầng, phân lớp, nghĩa là làm từ trên đỉnh xuống dần chân núi.
Làm theo quy trình này sẽ bảo đảm an toàn nhưng chi phí đầu tư cao. Vì lợi nhuận, các mỏ thường chọn cách khai thác ngược quy trình, tức từ dưới chân núi lên đỉnh. Họ thuê lao động thủ công thời vụ khoan núi, đặt mìn, kích nổ, tạo ra các hàm ếch... Cách khai thác này khiến phu đá luôn đối mặt nguy hiểm.
Tại Nghệ An, cơ quan chức năng cấp phép khai thác đá tràn lan nhưng lại thiếu quản lý. Chỉ tính riêng ở huyện Quỳ Hợp, có thời điểm bình quân mỗi xã tới 8-10 mỏ đá. Hệ quả của việc khai thác đá ồ ạt là tài nguyên bị thất thoát, hệ sinh thái, môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Quỳ Hợp, trên địa bàn huyện còn có nhiều cơ sở khai thác trái phép. “Chúng tôi cũng đã kiểm tra và xử phạt nhưng không xử lý triệt để được vì thiếu người, thiếu phương tiện” - ông Tùng phân trần.
Bà Hoàng Thị Hường, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An, cho rằng doanh nghiệp chỉ chăm chăm thu lợi nhuận, không trang bị dụng cụ bảo hộ cho người làm đá; còn phu đá chủ yếu là lao động nông nhàn làm thời vụ nên thiếu ý thức bảo vệ mình. “Tai nạn luôn chực chờ các phu đá. Năm 2011, chúng tôi kiểm tra 12 đơn vị và đều phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, khi bị phát hiện sai phạm, doanh nghiệp nộp phạt nhưng lại không khắc phục. Cho nên, việc kiểm tra, xử phạt không hiệu quả” - bà Hường thừa nhận.
“Xẻ thịt” núi thiêng xứ Nghệ Cùng với sông Lam, núi Hồng Lĩnh (nằm giữa địa phận thị xã Hồng Lĩnh và hai huyện Nghi Xuân, Can Lộc - Hà Tĩnh) được xem là biểu tượng hồn thiêng sông núi của xứ Nghệ, là một trong số ít địa danh được khắc vào “Bách khoa thư” Cửu đỉnh đặt tại cố đô Huế. Vậy mà gần đây, ngọn núi thiêng này đã và đang bị “xẻ thịt” công khai trước sự thờ ơ của các cơ quan chức năng. Hàng chục mỏ đá đang ngày đêm đua nhau “xẻ thịt” núi Hồng Lĩnh. Từ thung lũng bên dưới nhìn toàn cảnh núi Hồng Lĩnh, chúng tôi không khỏi đau lòng bởi các dãy núi bị đào bới tan hoang, nham nhở. “Ngày nào họ cũng khai thác đá ầm ầm. Khổ nhất là tầm 11 giờ và 17 giờ, mìn nổ đì đùng khắp nơi, nhà cửa rung chuyển” - ông Nguyễn Văn Tiến, ngụ phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, bức xúc. Ông Trần Quốc Sơn, Trạm phó Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cổng Khánh, cho biết: “Đơn vị chúng tôi quản lý rừng khu vực núi Hồng Lĩnh ở phường Đậu Liêu và xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân. Số mỏ trái phép thì chúng tôi không rõ, riêng số được cấp phép ở phường Đậu Liêu là 18, xã Xuân Lĩnh 6”. Tình trạng phá núi Hồng Lĩnh lấy đá còn diễn ra ồ ạt tại hai huyện Nghi Xuân, Can Lộc. “Người dân bức xúc, nhiều lần gửi kiến nghị lên phường, chúng tôi cũng đã phản ánh lên thị xã nhưng vẫn không thấy giải quyết” - ông Phạm Duy Ất, Phó Chủ tịch UBND phường Đậu Liêu, băn khoăn. Trong quần thể núi Hồng Lĩnh hiện có 14 hồ, đập lớn nhỏ cung cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp cho hàng ngàn hộ dân. Ông Hồ Sỹ Quát, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Hồng Lĩnh, lo ngại: “Nhiều mỏ đá hoạt động ở núi Hồng Lĩnh sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nguồn nước ngầm cạn kiệt, hệ thống hồ, đập gặp nguy hiểm”. Việc khai thác đá tràn lan còn uy hiếp trực tiếp nhiều di tích lịch sử - văn hóa nằm dọc dãy núi Hồng Lĩnh. “Trên 10 di tích, trong đó có di tích quốc gia chùa Hương Tích, bị ảnh hưởng bởi việc khai thác đá” - ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, trăn trở. Hải Vũ |