Ô nhiễm không khí trầm trọng, nhiều quận ở Hà Nội đồng loạt đề nghị được rửa đường sau 3 năm

Trước tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao, lãnh đạo một số quận ở Hà Nội trong cuộc họp ngày 18-12 đã đề nghị được rửa đường trở lại để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí.

Chiều 18-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp đôn đốc công tác, công việc TP triển khai trong thời gian qua về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.

Nhiều ngày trong thời gian qua, không khí ở Hà Nội ô nhiễm lên đến mức cao nhất

Nhiều ngày trong thời gian qua, không khí ở Hà Nội ô nhiễm lên đến mức cao nhất

Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội, cho biết theo thống kê dữ liệu từ hệ thống 11 trạm quan trắc không khí do Sở TN-MT quản lý, vận hành, từ 1-1-2019 đến 15-12-2019, số ngày chất lượng không khí đạt mức tốt dao động từ 0,8-19,7%, mức trung bình từ 53,3-71,1%, mức kém từ 16,4-37,8%, mức xấu từ 0,8-3,9%, mức rất xấu từ 0,3-0,6%.

Số ngày chất lượng không khí tốt đang có xu hướng giảm qua các năm 2017-2019, số ngày chất lượng không khí chạm mức kém, xấu, rất xấu có xu hướng tăng. Ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao nhất từ 5 giờ đến 12 giờ, sau đó giảm nhẹ vào trưa chiều và tăng lên vào ban đêm.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã xuất hiện 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài trung bình từ 5-10 ngày, chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu, trong đó đợt ô nhiễm cao điểm nhất là đầu tháng 12, từ ngày 8-12 đến 14-12, chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu.

Sở TN-MT Hà Nội cũng đề xuất nhiều giải pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm không khí, trong đó đề xuất Bộ TN-MT kiểm soát các tác động ô nhiễm không khí xuyên biên giới; rà soát các loại hình sản xuất công nghiệp phát sinh khí thải; Bộ Giao thông Vận tải sớm ban hành quy chuẩn khí thải với ôtô, xe máy; đặc biệt các tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra xử lý các khu, cụm công nghiệp, làng nghề gây ô nhiễm môi trường…

Còn theo bà Nguyễn Thị Nắng Mai, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, rất khó kiểm soát hoạt động khai thác cát, hoạt động của xe chở cát, đặc biệt là việc yêu cầu rửa xe khi ra khỏi vùng khai thác, thi công. Trên địa bàn quận, hiện cũng có nhiều công trình lớn như đường sắt trên cao, đường vành đai 3 phát sinh nhiều bụi. Vì vậy, bà Mai kiến nghị được tưới nước rửa đường trên 15 tuyến đường chính. Hiện, Sở Xây dựng đã thống nhất ý kiến để kiến nghị lên TP.

Ngoài ra, lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai, quận Đống Đa cũng đề nghị được rửa đường các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn quận.

Còn ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Hà Nội, đề xuất TP cho phép Chi cục khuyến cáo người dân trong những ngày chỉ số bụi cao hơn 300, có thông báo đến Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh nghỉ học bởi mức này nguy hại tới sức khỏe.

Trước đó, từ năm 2016, TP Hà Nội cho nhập hơn 100 xe hút bụi, quét rác. Cùng với đó, TP Hà Nội cũng dừng hạng mục tưới nước rửa đường. Tại thời điểm đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết mỗi chiếc xe quét rác, hút bụi bằng 12 công nhân làm việc. Qua việc cơ giới hóa như vậy, mỗi năm TP tiết kiệm khoảng 70 tỉ đồng tưới nước, rửa đường.

Theo ông Mai Trọng Thái, từ cuộc họp giao ban tháng 3-2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cho phép công ty môi trường rửa đường trở lại. Với thời tiết hanh khô, nhiệt độ cao gây ra bụi thì TP cho phép rửa đường bằng xe chuyên dụng.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo B.H.Thanh ([Tên nguồn])
Ô nhiễm nghiêm trọng ở Hà Nội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN