Nóng trong tuần: Cảnh tượng hãi hùng sau khi xe khách đang đổ đèo thì mất phanh

 Cảnh tượng hãi hùng sau khi xe khách đang đổ đèo thì mất phanh; Đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Chung và 3 bị can khác... là những tin nóng nhất tuần qua.

Cảnh tượng hãi hùng sau khi xe khách đang đổ đèo thì mất phanh

Khoảng 1h20 ngày 22/11, xe ô tô khách giường nằm mang BKS 20B-009.11 do anh Nguyễn Đức Phụng (SN 1974, Hưng Hà, Thái Bình) điều khiển, chạy hướng Sơn La – Hà Nội, khi đi đến km 118+500 QL6 thuộc xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình thì đâm vào hệ thống lan can phòng hộ bằng tôn lượn sóng bên trái, sau đó xe tiếp tục đâm vào miệng rãnh thoát nước bên phải đường rồi lật nghiêng.

Toàn cảnh hiện trường vụ TNGT

Toàn cảnh hiện trường vụ TNGT

Vụ tai nạn khiến anh Lường Văn Mai (SN 1968, ở Mộc Châu, Sơn La) và anh Hoàng Văn Phọng (SN 1991, trú tại Sông Mã, Sơn La) tử vong, 10 hành khách khác ngồi trên xe bị thương. Tại hiện trường, ô tô khách bị móp méo hư hỏng nặng, hành lý của hành khách bị vương vãi khắp nơi.

 Vị trí xảy ra tai nạn là một khúc cua gấp có độ dốc lớn, phía bên đường tập trung nhiều hàng quán.

Chiếc xe gặp nạn nằm lật nghiêng về phía ta luy dương, chiếm nửa phần đường, khiến giao thông trên QL6 gặp khó khăn. Đến khoảng 10h cùng ngày, chiếc xe gặp nạn đã được cẩu gọn về một bên đường để đảm bảo giao thông trên tuyến.

Công an xác định nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng này là do xe mất phanh khi đổ đèo.

Đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Chung và 3 bị can khác

Ngày 21/11, Bộ Công an cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra bản kết luận điều tra vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" xảy ra tại Hà Nội và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 4 bị can.

Các bị can bị đề nghị truy tố gồm ông Nguyễn Đức Chung (SN 1967, trú quận Đống Đa, TP.Hà Nội) - nguyên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; Phạm Quang Dũng (SN 1983, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội) - nguyên cán bộ công an; Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) - Chuyên viên Phòng thư ký biên tập; Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP.Hà Nội) - nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập, UBND TP.Hà Nội.

Bộ Công an đã chuyển hồ sơ truy tố ông Nguyễn Đức Chung sang VKSNDTC

Bộ Công an đã chuyển hồ sơ truy tố ông Nguyễn Đức Chung sang VKSNDTC

Trước đó, chiều 4/9, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, ngày 28/8 cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng với ông Chung để điều tra hành vi "Chiếm đoạt tài liệu Bí mật Nhà nước".

Theo thiếu tướng Xô, về vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật, cơ quan điều tra đã chứng minh có hành vi chiếm đoạt, trong đó có chiếm đoạt tài liệu bí mật vụ Nhật Cường.

Nguyên Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM cùng 11 người bị khởi tố

Ngày 21/11, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM) và ông Lê Hoàng Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Ngoài hai người này, Công an TP HCM còn khởi tố thêm 11 người khác cũng với hành vi tương tự. Tất cả 13 bị can này được xác định có liên quan đến hành vi của ông Tề Trí Dũng (SN 1981, nguyên Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).

Ông Phạm Văn Thông (bên trái) cũng từng bị kỷ luật khi còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Saigonbank.

Ông Phạm Văn Thông (bên trái) cũng từng bị kỷ luật khi còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Saigonbank.

Theo điều tra, ông Phạm Văn Thông - nguyên Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM được cho là đã chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp của Đảng bộ TP.HCM. Ông Thông đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, vi phạm quy chế làm việc, quy định của Thành ủy về quản lý và sử dụng tài sản doanh nghiệp thuộc sở hữu của Đảng bộ TP.HCM.

Nguyên Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM còn vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, kinh doanh bất động sản, quản lý doanh nghiệp trong việc tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận (IPC) thực hiện hợp tác kinh doanh chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án KDC Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

321/414 ĐBQH không tán thành để Bộ Công an cấp giấy phép lái xe

Sáng 17/11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về vấn đề có nên tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) thành hai luật và chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang cho Bộ Công an hay không.

Kết quả, 321 ĐBQH (chiếm 66,74%) không tán thành để Bộ Công an quản lý, đào tạo và sát hạch GPLX và chỉ có 86 đại biểu đồng ý. 

66,74% ĐBQH không tán thành để Bộ Công an quản lý, đào tạo và sát hạch GPLX

66,74% ĐBQH không tán thành để Bộ Công an quản lý, đào tạo và sát hạch GPLX

Trước đó, ngày 16/11, qua thảo luận, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã góp ý về đề xuất này.

Theo ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), thực tiễn công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX do Bộ GTVT đang thực hiện khá tốt, được nhân dân ủng hộ, quốc tế công nhận. Vì hiện nay Việt Nam đã ký hiệp ước với 85 quốc gia, nếu thay đổi sẽ tốn kém kinh phí cho Nhà nước và nhân dân khi phải hiệp thương lại với các nước đã ký kết, thay đổi GPLX.

ĐB Trương Trọng Nghĩa thì cho rằng Luật GTĐB có hai đối tượng điều chỉnh chính là người dân tham gia giao thông và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, GTĐB. Qua tham khảo ý kiến người dân, doanh nghiệp, ĐB Nghĩa cho biết các ý kiến đều đề nghị không nên tách luật. Và chỉ để một luật điều chỉnh sẽ vừa tiện lợi cho người dân chấp hành, vừa thuận lợi cho các cơ quan nhà nước quản lý.

Bộ Y tế thông tin về trường hợp nam sinh tái dương tính với SARS-CoV-2 rồi lại âm tính

Trưa 16/11, Bộ Y tế đã thông tin chi tiết về trường hợp bệnh nhân P.N.M, 21 tuổi, sau gần 2 tháng được chữa khỏi COVID-19, P. lại có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, sốt 39 độ C. 

Nam sinh là sinh viên (du học tại Nga), nhập cảnh từ Nga về Việt Nam ngày 10/8/2020, được cách ly tập trung tại Hải Dương. Xét nghiệm lần 2 ngày 25/08/2020 cho kết quả dương tính, BN đã được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cơ sở 2 từ 25/8 đến 17/9/2020.

Bệnh nhân được lấy mẫu làm xét nghiệm 7 lần, trong đó có 1 lần cho kết quả dương tính vào ngày 26/08, tức ngay sau khi nhập viện; 6 lần còn lại thực hiện vào các ngày từ 30/8 đến 15/9 đều cho kết quả âm tính.

Sau khi xuất viện, bệnh nhân tự cách ly ở nhà 2 tuần. Ngày 7/11, bệnh nhân vào khám tại bệnh viện Giao thông vận tải Hà Nội được chẩn đoán sốt virus và được cho về điều trị tại nhà.

Ngày 14/11, bệnh nhân xuất hiện sốt 39 độ, người mệt mỏi. Kết quả xét nghiệm ngày 15/11 dương tính SARS-CoV-2. Ngày 16/11, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT PCR tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là âm tính.

BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, có thể bệnh nhân tái dương tính (điều này ít có khả năng vì bệnh nhân đã khỏi từ lâu). Hoặc có thể bệnh nhân dương tính giả do dương tính chéo với 1 chủng Coronavirus khác, hoặc tạp nhiễm chứng dương trong phòng xét nghiệm. 

Ngày 17/11, 50 trường hợp tiếp xúc với nam sinh đều đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu mật như thế nào?

Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung được xác định có vai trò cầm đầu trong việc chiếm đoạt tài liệu mật...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hòa ([Tên nguồn])
Sự kiện nổi bật 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN