Nổ nhà: Xem xét trách nhiệm địa phương

Nếu chính quyền địa phương biết mà vẫn làm ngơ để xảy ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý mức cao nhất.

Thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) đã có cuộc trao đổi với báo chí về vụ nổ nhà tại TP.HCM khiến 11 người thiệt mạng.

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng gia tăng tai nạn cháy nổ trong khu vực lao động vừa và nhỏ, đặc biệt tại các khu dân cư gây thiệt hại nghiêm trọng?

Trước hết phải thừa nhận thực trạng khách quan đi cùng với sự phát triển kinh tế xã hội thì nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ lại càng gia tăng. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do ý thức của người đứng đầu các đơn vị, cơ sở doanh nghiệp chưa nghiêm túc, đầy đủ. Hiện nay cả nước có hơn 11.000 doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực có khả năng gây cháy nổ. Với những doanh nghiệp này, lực lượng chức năng sẽ thực hiện công tác thanh kiểm tra định kỳ theo quy định là 4 lần/1 năm . Qua thanh kiểm tra, cũng phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng, song trong quá trình khắc phục, chủ các cơ sở lại tỏ ra trì trệ, chậm sửa chữa…

Ngược lại, về công tác thanh kiểm tra cũng còn gặp nhiều khó khăn, có nơi làm tốt song cũng có nơi chưa thực hiện nghiêm, không kiểm soát được hết những cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực dễ gây cháy nổ.

Nổ nhà: Xem xét trách nhiệm địa phương - 1

Thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an)

Cụ thể trường hợp gia đình ông Lê Minh Phương có thuộc diện cơ sở kinh doanh vật liệu chất gây nổ được lực lượng chức năng kiểm soát?

Theo quy định tất cả cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực có khả năng gây cháy nổ đều nằm trong danh mục quản lý có kiểm soát. Tuy nhiên, đối với trường hợp hộ gia đình ông Phương, tôi cũng chưa kiểm tra kỹ trường hợp này đã có đăng ký về việc kinh doanh sử dụng vật liệu vũ khí nổ hay chưa. Tôi sẽ cho kiểm tra lại xác minh lại.

Vụ nổ ngày 24/2 vừa qua ở TPHCM, là vụ nghiêm trọng chính là do nhận thức, ý thức của chủ nhà. Không hiểu họ suy nghĩ gì mà lại đem chất đầy vật liệu, vũ khí gây nổ đầy nhà. Trong khi kiểm tra, khám nghiệm hiện trường đã phát hiện hàng trăm đầu đạn, và hàng trăm vỏ đạn đã được lấy thuốc súng ra trước đó.

Từ những vụ nổ nghiêm trọng, dư luận cho rằng rõ ràng khâu quản lý cháy nổ trong khu dân cư có vấn đề. Vậy nguyên nhân là do thiếu lực lượng chức năng kiểm tra giám sát hay do thiếu chế tài?

Quy định pháp lý về quản lý vật dụng chất dễ gây cháy nổ khá đầy đủ, Năm 2010 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành pháp lệnh quản lý vũ khí, trong những năm gần đây, Thủ tướng cũng đã ban hành nhiều nghị định tăng cường công tác phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, nhìn chung mức xử phạt hành chính những hành vi vi phạm về quản lý sử dụng, kinh doanh chất nổ, so với thực tiễn, còn nhẹ chưa đủ sức răn đe.

Công tác quản lý cũng đã có nhiều cố gắng song thực tế vẫn phải thừa nhận nơi nọ nơi kia làm chưa tốt.

Vậy khi xảy ra những vụ cháy nổ nghiêm trọng trong khu dân cư, như vụ nổ ngày 24/2 vừa qua tại TP HCM khiến 10 người chết, về lĩnh vực quản lý nhà nước, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Theo Luật định, chính quyền địa phương, nơi để xảy ra vụ việc sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, mức xử lý tới đâu thì cần phải được xem xét kỹ, căn cứ vào bối cảnh vụ việc. Nếu chính quyền biết rõ trường hợp hộ gia đình ông Lê Minh Phương vi phạm mà vẫn làm ngơ để tái diễn, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, nhất định sẽ phải chịu trách nhiệm ở mức cao nhất.

Xin cảm ơn ông!

Theo thống kê của Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ công An): Trong năm 2012, toàn quốc xảy ra 1.751 vụ cháy tại cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông và 155 vụ cháy rừng làm chết 73 người, 136 người bị thương, thiệt hại về tài sản trị giá hơn 1.100 tỷ đồng và 652 ha rừng. Xảy ra 29 vụ nổ làm chết 11 người, bị thương 50 người, gây thiệt hại về tài sản trị giá 307 tỷ đồng.

So với năm 2011, số vụ cháy trong năm 2012 tăng 5,1%. Cháy lớn xảy ra 32 vụ làm chết 2 người, bị thương 1 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính 901 tỷ đồng. Cháy lớn tuy chiếm 1,03% tổng số vụ cháy (32 vụ/ hơn 1.700 vụ) nhưng thiệt hại tài sản chiếm tới 81% tổng thiệt hại do cháy gây ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Mai (ghi) ([Tên nguồn])
Nổ kinh hoàng lúc nửa đêm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN