Những F0 đầu tiên trên công trường giao thông, chuyện giờ mới kể
Đến giờ vẫn ít người tin tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có thể chạy đua, vượt qua “bão” Covid-19 để về đích trước Tết.
Trong khu cách ly, những người thợ cầu đường vừa tập trung lo sức khỏe của bản thân, nhưng cũng đau đáu nỗi lo về tiến độ dự án đang bị ảnh hưởng khi “bão” Covid-19 tràn qua.
Đường cất/hạ cánh 25R/07L đã vượt “bão” Covid-19 thành công để hoàn thành, kịp phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách dịp Tết
Rối bời trong khu cách ly
Ngày 9/5, hai nhân viên làm việc tại văn phòng điều hành dự án Trung Lương - Mỹ Thuận phát hiện ho, sốt nhẹ, đau họng, mệt mỏi…
Và điều không ai muốn nhất cũng đến. Kết quả xét nghiệm sau đó là dương tính với SARS-CoV-2. Đây là những ca F0 đầu tiên phát hiện ở công trường dự án giao thông.
Tất cả mọi người ở công trường dự án đều trong tâm trạng âu lo, rối bời. Việc thi công bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không dừng lại ở đó, những ngày tiếp theo, dự án phát hiện thêm 18 ca F0 đều là cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc trên công trình. Gần 700 người tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp đã phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Nhiều gói thầu đã phải tạm dừng thi công, việc cung ứng vật liệu cho dự án cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Anh Cao Văn Hòa, Phó giám đốc Ban QLDA Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, đến giờ vẫn không thể quên những ngày “bó gối” trong khu cách ly tập trung. Nói là cách ly tập trung nhưng anh em phải đưa hồ sơ vào để làm việc. Lúc đó, chưa ai được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Lúc đó ai cũng lo mình bị nhiễm bệnh, lo cho sức khỏe người thân, nhất là số ca lây nhiễm và số người tử vong ở khu vực phía Nam rất nóng.
“Nhưng nói thật, lúc đó chúng tôi lo bệnh thì ít, mà lo tiến độ dự án nhiều hơn. Chúng tôi đã đặt quyết tâm là cuối năm thông xe để người dân về quê đón Tết thuận tiện, giờ nằm “bó gối” chúng tôi đều rất cuồng chân”, anh Hòa chia sẻ.
Theo anh Hòa, tháng 6 hàng năm thường là khoảng thời gian thuận lợi nhất để làm nền đường, vì cuối mùa khô. Vậy mà phải ngồi một chỗ, công trường thì vắng bóng nên ai cũng sốt ruột.
“Công trường dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo cũng bị “bão” Covid-19 tấn công. Nhưng vượt lên tất cả, chúng tôi đã đồng lòng vượt qua các khó khăn và hạn chế ảnh hưởng nhất đến tiến độ dự án. Sau khi dự án Tân Sơn Nhất gần xong, tôi lại ra chỉ huy gói thầu tại cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Những kinh nghiệm trong tổ chức vừa thi công vừa chống dịch giúp tôi có thêm bản lĩnh khi ra điểm nóng cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Ông Nguyễn Phương Vinh, |
“Ở trong khu cách ly mà ruột gan anh em ai cũng như thiêu đốt”, anh Hòa nhớ lại và cho biết, những đêm không ngủ, anh đã viết ra mấy câu thơ như giãi bày tâm trạng: “…Cùng lo dịch bệnh lây lan/Chung lo dự án dở dang bộn bề/Đêm trường chợt tỉnh cơn mê/Quanh phòng lộng gió bốn bề lạ tênh”.
Trong khi đó, tại Dự án nâng cấp đường cất/hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất, dù được kiểm soát nghiêm ngặt nhưng cũng bị dịch Covid-19 tấn công.
Từ ngày 5 - 13/8, dự án này phát hiện tới 27 ca F0 trong công trường. Cùng đó, có thêm 76 người F1 liên quan phải đi cách ly tập trung. Tâm trạng mọi người đều rối bời, lo lắng vì lúc đó chưa ai được tiêm vaccine.
Ông Nguyễn Phương Vinh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CIENCO4 vẫn còn nhớ như in những ngày đó khó khăn thế nào.
Những người nhiễm bệnh đi cách ly đã đành, hàng trăm công nhân đang làm cũng lo lắng, không dám ra công trường làm việc. Công trường phải đình hoãn 20 ngày để xử lý dịch bệnh.
Những người bị nhiễm Covid-19 sau khi trở về vẫn tâm trạng lo lắng, sợ hãi. Một số người bày tỏ rất nhớ nhà và muốn trở về với người thân. Những người còn lại dù chưa nhiễm cũng phải nghỉ làm vì công trường tạm dừng nên không ít người tự ý bỏ về.
“Tôi phải trực tiếp nói với anh em là mình cũng chưa tiêm vaccine và vẫn đang bám trụ công trường, quyết không lùi bước”, ông Vinh kể và cho biết, sau đó công nhân đã ổn định tinh thần, các nhà thầu cũng chia sẻ nhau trong quá trình thi công để dự án đảm bảo tiến độ.
Vỡ òa khi dự án sắp hoàn thành
Đường cất/hạ cánh 25R/07L Tân Sơn Nhất
Trước thời điểm tháng 5/2021, các dự án trọng điểm ngành giao thông vẫn giữ “sạch lưới” trước Covid-19. Nhưng sau đó lại là câu chuyện khác khi rất nhiều dự án, công trình bị dịch Covid-19 xâm nhập. Tuy nhiên, với quyết tâm không để công trường ngơi nghỉ, các dự án giao thông trọng điểm vẫn có những cách làm mới, sáng tạo để ứng phó đại dịch.
Điển hình là phương án “3 xuyên” gồm: “Xuyên đêm, xuyên Tết, xuyên dịch”, vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nguyên liệu khan hiếm… hơn 1.500 cán bộ, kỹ sư, công nhân trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thay ca nhau bám sát công trường. Những gói thầu nào không bị dịch tấn công vẫn thắp đèn làm đêm, gói nào có công nhân đi cách ly thì bổ sung thêm nhân sự.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đến giờ vẫn không tin tuyến cao tốc quan trọng này có thể chạy đua, vượt qua “bão” Covid-19 để về đích trước Tết. Lúc đó là cao điểm khi dịch bùng phát mạnh ở miền Nam, cả địa phương phải lao vào chống dịch. Dù vậy, cá nhân ông cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, bởi dự án bị trình trệ thì Tết khó mà xong.
“Khi được cấp vaccine, địa phương lập tức ưu tiên tiêm cho công nhân trên công trường ngay để sẵn sàng thi công trở lại. Giờ đường đã thông, dân miền Tây mừng vô kể”, ông Vĩnh chia sẻ.
Ở dự án nâng cấp, mở rộng đường băng Tân Sơn Nhất, những ngày phát hiện các ca F0 thực sự “nóng”. Tiến độ dự án đang vào giai đoạn cuối, nếu bị kéo dài sẽ không hoàn thành lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu cho đường cất/hạ cánh 25R/07L.
Cũng có nghĩa sân bay Tân Sơn Nhất đứng trước nguy cơ chỉ khai thác được một đường băng dịp Tết. Lúc đó, chưa biết chuyện gì xảy ra bởi tần suất bay dịp Tết sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Ông Phan Duy Lai, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận những ngày đó phải chạy như con thoi. Ban QLDA Mỹ Thuận có Tổ hiện trường gồm 6 người nằm “3 tại chỗ” ở công trường, khi xảy ra dịch vẫn bám trong hiện trường, còn lãnh đạo Ban hàng ngày vào họp và triển khai công việc trong công trường để các lực lượng thấy được sự quyết tâm của Ban.
“Nói thì vậy, nhưng một lúc có cả chục cán bộ, công nhân bị dương tính phải đi cách ly, lãnh đạo ở nhà cũng hồi hộp, lo lắng. Liệu các ca F0 có trở nặng, có tử vong không? F1 có thành F0 hay không, nên rất hồi hộp”, ông Lai kể.
Mặt khác, tại thời điểm muốn đi đường phải được cấp giấy có mã QR nên nhà thầu không chuyển vật liệu, máy móc thiết bị, nhân sự đến công trường được.
Có người đã tính đến chuyện tạm dừng công trường. Nhưng đây là dự án được thực hiện theo lệnh khẩn cấp của Chính phủ. Đơn vị đã chốt ngày bay hiệu chỉnh với đối tác nước ngoài, chậm thi công trở lại ngày nào thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ ngày đó.
Ông Lai cho biết, tại thời điểm đó, lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận trực tại cơ quan để xử lý việc chấp thuận cho thi công trở lại, nộp hồ sơ, gọi điện thoại các đầu mối để nhờ hỗ trợ xem sớm hồ sơ.
Từ việc bám sát lãnh đạo quận Tân Bình, đến Sở GTVT và UBND TP.HCM để có những chỉ đạo sớm nhất. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đã gọi điện thoại và có những văn bản gửi lãnh đạo TP.HCM đề nghị phối hợp hỗ trợ.
“Mấy ngày đó nói thật không chợp mắt được, chạy tới lui chạy từ sáng đến tối”, ông Lai chia sẻ và cho biết, sau 20 ngày cật lực giải quyết các công việc, dịch bệnh tại công trường đã được kiểm soát và được thành phố cấp phép cho thi công trở lại.
“Đến ngày 10/9, Cục Hàng không VN cấp phép đưa vào khai thác nút S7, S8 và ngày 30/11 đưa vào khai thác đường băng 25R/07L sau khi đã lắp đặt xong hệ thống đèn tín hiệu thì chúng tôi vỡ òa niềm vui và hạnh phúc, quên đi bao khó khăn đã vượt qua”, ông Lai chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Gói thầu 1a tuyến metro số 1 TP.HCM bao gồm nhà ga Bến Thành đã hoàn thành 95% khối lượng công việc. Những ngày cuối năm,...