Những điều cần biết khi làm thẻ căn cước từ ngày 1-7

Những thay đổi về thẻ căn cước sẽ mang lại tiện ích cho người dân và thuận tiện trong việc quản lý của Nhà nước.

Từ ngày 1-7, cơ quan công an sẽ bắt đầu cấp thẻ căn cước, mẫu CCCD gắn chip sẽ dừng sản xuất.

Theo đó, thẻ căn cước sẽ có một số thay đổi nhất định từ việc thu thập thông tin từ người dân cũng như hình thức và thông tin ghi trên thẻ. Trước thay đổi này, một số bạn đọc cũng nêu một số thắc mắc liên quan đến việc cấp thẻ căn cước.

Thắc mắc về việc thu thập thông tin để làm thẻ căn cước

Bạn đọc Ngọc Hân (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết trước đây, khi vừa đổi sang CCCD gắn chip, mọi người cùng đi đổi thẻ dẫn đến tình trạng chờ đợi, ùn tắc ở một số nơi. Liệu rằng lần đổi thẻ này có xảy ra tình trạng tương tự hay không?

“Trước đây, khi đi làm CCCD gắn chip, tôi phải mất tận hai ngày, chưa kể đang đi làm phải xin nghỉ để về quê đổi thẻ. Dù biết CMND vẫn còn hạn sử dụng nhưng việc đổi CCCD gắn chip sẽ mang lại nhiều lợi ích nên phải đổi. Lần này, khi nhiều thông tin cho rằng CCCD gắn chip vẫn còn giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ. Tuy nhiên, thẻ căn cước mới lại có khá nhiều điểm mới, vậy khi đến thời hạn đổi sang thẻ căn cước, người dân có bắt buộc phải đổi không?” - bạn đọc Ngọc Hân thắc mắc.

Kể từ ngày 1-7, thẻ căn cước bắt đầu được cấp, CCCD gắn chip sẽ ngừng sản xuất. Ảnh: HUỲNH THƠ

Kể từ ngày 1-7, thẻ căn cước bắt đầu được cấp, CCCD gắn chip sẽ ngừng sản xuất. Ảnh: HUỲNH THƠ

Bạn đọc Lâm Như Ngọc (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng chia sẻ thời gian qua, bản thân liên tục cập nhật, theo dõi tin tức về Luật Căn cước. Thế nhưng vẫn còn nhiều điểm chị Ngọc chưa hiểu rõ, chẳng hạn như quy trình làm thẻ căn cước sẽ thay đổi như thế nào, bởi theo quy định sẽ lược bỏ vân tay, thay vào đó là thu nhận mống mắt.

“Ngoài thu nhận mống mắt, tôi còn thấy thông tin sẽ thu nhận ADN, giọng nói… của người dân khi làm thẻ căn cước. Vậy việc thu nhận này sẽ được thực hiện như thế nào và có bắt buộc đối với tất cả mọi người không? Bởi theo tôi nghĩ, việc thu nhận những thông tin này không phải dễ và sẽ mất nhiều thời gian” - bạn đọc Như Ngọc nêu ý kiến.

Cũng theo một số bạn đọc, trước việc thay đổi về thông tin thu nhận từ người dân, quy trình làm thẻ căn cước thì thông tin trên thẻ sẽ có sự khác biệt nào so với CCCD gắn chip...?

Thay đổi về đối tượng, quy trình, thời gian…

Trao đổi với PV, luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết so với Luật CCCD 2014 thì Luật Căn cước hiện nay có nhiều thay đổi. Chẳng hạn như trước đây CCCD chỉ được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi nhưng nay công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Đồng thời, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cũng sẽ được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Về quy trình cấp thẻ căn cước cũng được thay đổi, trong đó điểm đáng chú ý là thay vì chỉ cần chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục thì nay sẽ thu nhận thông tin nhân dạng, thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước.

“Bên cạnh những thay đổi trên thì thời hạn cấp thẻ cũng được rút ngắn hơn. Trước đây, tại TP, thị xã, việc cấp mới và đổi không quá bảy ngày làm việc, cấp lại không quá 15 ngày làm việc… Hiện nay, thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không quá bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Tóm lại, những thay đổi, bổ sung về quy định đều mang lại sự thuận tiện và lợi ích cho người dân” - luật sư Trịnh Công Minh nói.

Luật sư cũng cho biết thêm về thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói sẽ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp. Hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ. Trong đó có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào cơ sở dữ liệu căn cước.

“Về việc xảy ra tình trạng đổ xô, xếp hàng để làm thẻ giống như đợt làm CCCD gắn chip sẽ rất khó xảy ra đối với thẻ căn cước lần này. Bởi lẽ về bản chất, thẻ căn cước chỉ thay đổi tên gọi và một số thông tin in trên thẻ. Hơn nữa, CCCD cũ vẫn có thể sử dụng đến khi hết thời hạn in trên thẻ” - luật sư Trịnh Công Minh chia sẻ.

Những thông tin được thể hiện trên mẫu thẻ căn cước mới

Vừa qua, Bộ Công an vừa đề xuất mẫu thẻ căn cước mới. Theo đó, về hình dáng và kích thước của thẻ căn cước cơ bản vẫn giống như CCCD hiện nay. Tuy nhiên, nhiều thông tin thể hiện trên mặt CCCD sẽ có những thay đổi theo quy định của Luật Căn cước.

Trên nền mặt trước của mẫu, chữ CCCD sẽ chuyển thành căn cước; số sẽ chuyển thành số định danh cá nhân.

Quê quán chuyển thành nơi đăng ký khai sinh; nơi thường trú chuyển thành nơi cư trú. Hai mục này sẽ nằm ở mặt sau của thẻ căn cước thay vì mặt trước như hiện nay.

Mã QR cũng chuyển về mặt sau của thẻ căn cước. Thông tin trong mã QR gồm: Họ, chữ đệm và tên; số định danh cá nhân của chủ hộ, cha, mẹ, vợ, chồng, con; số CMND 9 số của người được cấp thẻ (nếu có); số định danh cá nhân đã hủy (nếu có).

Chữ ký của cơ quan cấp thẻ cũng đổi từ cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thành Bộ Công an.

Các thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay của ngón trỏ trái và phải cũng không còn thể hiện trên thẻ căn cước…

Bộ phận lưu trữ thông tin là mã QR và chip điện tử được gắn ở mặt sau thẻ căn cước. Các thông tin lưu trữ trong chip điện tử của thẻ căn cước được mã hóa bằng phương pháp sử dụng thuật toán và tham số mật mã.

NGỌC MAI ghi

Nguồn: [Link nguồn]

Theo quy định tại Luật Căn cước, kể từ ngày 1-7, sẽ có một số trường hợp bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo HUỲNH THƠ ([Tên nguồn])
Thẻ căn cước công dân gắn chip Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN