Những công trình làm thay đổi diện mạo TPHCM

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Cải tạo kênh Nước Đen (quận Bình Tân), nâng cấp công viên bến Bạch Đằng, xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (quận 1) là một trong những công trình làm thay đổi bộ mặt đô thị TPHCM theo hướng văn minh, hiện đại trong thời gian qua.

“Hồi sinh” kênh Nước Đen

Kênh Nước Đen chảy qua khu vực phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) đến khu vực cầu Tham Lương (quận 12, TPHCM) từ nhiều năm qua vốn là “điểm đen” báo động về ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sức khỏe và đời sống người dân cũng như làm mất mỹ quan đô thị TPHCM.

Cầu Thủ Thiêm 2 góp phần thay đổi diện mạo đôi bờ sông Sài Gòn Ảnh: PHẠM NGUYỄN

Cầu Thủ Thiêm 2 góp phần thay đổi diện mạo đôi bờ sông Sài Gòn Ảnh: PHẠM NGUYỄN

Dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (đoạn từ cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương) được khởi công vào quý I/2020 với tổng vốn đầu tư 629 tỷ đồng. Công trình thực hiện trên chiều dài 1,4 km, rộng 40 m tính cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh. Dự án chính thức “cán đích” trong năm nay tạo điều kiện cho việc đi lại của người dân được thông thoáng hơn và cải thiện môi trường cho khu vực.

Sau khi cải tạo, lòng kênh được nạo vét bùn và rác, không còn cảnh người dân khổ sở vì rác thải, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ con kênh như trước đây. Thay vào đó, người dân thoải mái câu cá, đi dạo hai bên bờ kênh đã được kè lại chắc chắn, lắp lan can cao hơn 1,5 m và làm vỉa hè rộng gần 1 m cho người đi bộ. Lòng đường hai bờ kênh thông thoáng hơn sau khi mở rộng, thảm nhựa cho 2 làn xe chạy và lắp hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh, lát vỉa hè...

Nâng cấp công viên bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh khiến diện mạo khu vực thay đổi hoàn toàn Ảnh: HỮU HUY

Nâng cấp công viên bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh khiến diện mạo khu vực thay đổi hoàn toàn Ảnh: HỮU HUY

Ông Võ Thái (ngụ phường Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân) cho biết, trước đây mỗi khi mưa xuống hay trời nắng gắt, mùi hôi thối từ rác thải, bùn bẩn ở lòng kênh bốc lên nồng nặc, người dân khổ sở nhiều năm. “Sau khi được cải tạo lại, kênh sạch và đẹp hơn nhiều. Đường ven kênh thông thoáng, không còn rác thải. Người dân đi lại, tập thể dục thuận tiện”- ông Thái cho hay.

Ngoài việc cải tạo dọc đôi bờ kênh sạch sẽ, thông thoáng, Ban Quản lý dự án còn chỉnh trang lại công viên ven kênh, tạo cảnh quan xanh, lắp các tiện ích để người dân tập thể dục, thưởng ngoạn… Sự thay đổi rõ rệt của con kênh từng một thời là nỗi ám ảnh đã khiến người dân vô cùng phấn khởi. Bà Nguyễn Ngọc Kiều Lan (ngụ quận Bình Tân) nói: “Nhà tôi nằm cạnh kênh, trước kia hai bờ nhiều đoạn là đường đất, lan can chưa có. Nước đen ngòm ngập trong rác thải hôi thối. Bây giờ dòng kênh đã thông thoáng, sạch sẽ hơn trước rất nhiều”.

Bờ sông Sài Gòn khoác áo mới

Diện mạo đôi bờ kênh Nước Đen đã thay đổi hoàn toàn Ảnh: PHẠM NGUYỄN

Diện mạo đôi bờ kênh Nước Đen đã thay đổi hoàn toàn Ảnh: PHẠM NGUYỄN

Đầu năm nay, công viên bến Bạch Đằng trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đã mở cửa cho người dân tham quan sau hơn nửa năm thi công. Trước đó vào tháng 4/2021, TPHCM quyết định chỉnh trang toàn bộ công viên từ cột cờ Thủ Ngữ đến dự án khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son với tổng diện tích hơn 18.600 m2. Dự án chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ cột cờ Thủ Ngữ đến cầu tàu số 2) rộng hơn 8.700 m2, kinh phí đầu tư 35 tỷ đồng đã thực hiện xong, trong đó đoạn từ cột cờ Thủ Ngữ đến cầu tàu số 1 hoàn thành sớm nhất. Toàn bộ công viên được lát lại đá, trồng thảm cỏ tạo lối đi, lắp lan can ở các cầu tàu và bờ sông.

Giai đoạn 2 (từ cầu tàu số 2 đến khu vực súng thần công) rộng khoảng 7.300 m2 có kinh phí đầu tư 30 tỷ đồng được khởi công từ tháng 9/2021 và hiện nay đang được rào chắn để thi công. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trong năm nay. Sau khi cải tạo, công viên sẽ chia thành 3 khu chức năng: Khu tưởng niệm lịch sử (khoảng 4.000 m2); khu xúc tiến du lịch (5.150 m2) và công viên cộng đồng (2.750 m2). Hiện nay, đoạn công viên song song với tuyến đường Tôn Đức Thắng rộng khoảng 5.000 m2 đã thông thoáng hơn sau khi thành phố di dời một số công trình và xây thêm lối đi, trồng thêm mảng xanh... Một số cây ở khu vực này được di dời để tạo không gian thoáng đãng, tầm nhìn rộng về phía sông Sài Gòn.

“Công viên được nâng cấp rất thoáng mát, sạch sẽ. Cảm giác được chạy bộ ngay bên bờ sông rất thích thú. Nhiều cặp đôi đến đây chụp ảnh cưới vì vẻ đẹp hiện đại và rất mới mẻ. Cảnh quan công viên ven bờ sông Sài Gòn đã thay đổi rõ rệt so với trước”- anh Ngọc Quý (30 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) chia sẻ.

Nằm cạnh công viên bến Bạch Đằng là cầu Thủ Thiêm 2 được khánh thành vào dịp lễ 30/4 năm nay. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết cầu Thủ Thiêm 2 là công trình hạ tầng giao thông đặc biệt quan trọng, góp phần tiếp thêm động lực phát triển cho khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố và cũng là điểm nhấn kiến trúc trong tổng thể cảnh quan sông Sài Gòn.

Với định hướng phát triển TPHCM theo hướng đa trung tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành hiện hữu, Thành phố đã đề ra mục tiêu xây dựng khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm thành trung tâm đô thị văn minh, hiện đại, trung tâm tài chính, dịch vụ, thương mại cao cấp, không chỉ của thành phố mà còn của khu vực theo cơ chế, tổ chức quản lý mới nhằm tạo bước đột phá, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng dịch vụ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của TPHCM trong giai đoạn mới.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, cầu Thủ Thiêm 2 cũng là biểu tượng của sự quyết tâm tiếp tục đầu tư phát triển, sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với TPHCM, khu vực Đông Nam Bộ trong tình hình khó khăn kéo dài và phải chống chọi, thích ứng với đại dịch COVID-19. “Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển các tuyến đường vành đai, cao tốc mà Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch, như: Tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM; tuyến cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đặc biệt là cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Theo ông Phan Văn Mãi, được sự quan tâm và chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành trung ương và sự tham gia của cả hệ thống chính trị của thành phố, KĐT mới Thủ Thiêm dần hình thành và tạo nên một diện mạo mới của một khu đô thị hiện đại. TPHCM đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Thủ Thiêm 1, hầm vượt sông Sài Gòn để kết nối với KĐT mới Thủ Thiêm.

“Cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục chính, tăng cường kết nối khu trung tâm thành phố với KĐT mới Thủ Thiêm. Thành phố sẽ tăng cường thu hút đầu tư, tạo sức hút để đảm bảo mục tiêu hoàn thành KĐT mới Thủ Thiêm trước năm 2030. Ngoài ra, với kiến trúc thiết kế đặc thù dạng đầu rồng, ngoài ra hệ thống chiếu sáng mỹ thuật đang được nghiên cứu, trong thời gian tới thành phố sẽ làm cho công trình trở thành biểu tượng kiến trúc mới trên sông Sài Gòn, góp phần tạo nên vẻ đẹp kiến trúc và mỹ quan đô thị của khu vực trung tâm TPHCM”, ông Mãi cho hay.

Nguồn: [Link nguồn]

Hồi sinh 1 số công trình, thay đổi diện mạo TP.HCM năm 2022

Năm 2022, TP.HCM có nhiều công trình huyết mạch, các tuyến đường kết nối, dự án hạ tầng...được hoàn thành, góp phần thay đổi diện mạo TP.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Huy ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN