Những chuyện chưa biết về “hậu trường” Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội

Trước khi Tổng thống Trump - Chủ tịch Kim gặp nhau, phái đoàn hai bên đã có rất nhiều cuộc đàm phán, trong đó có những cuộc kéo dài thâu đêm.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội vừa kết thúc mà hai bên không đạt được thoả thuận chung, nhưng đây vẫn ghi dấu là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tất cả các bên liên quan.

Mỹ muốn chọn Đà Nẵng, Triều Tiên chọn Hà Nội

TS Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Học viện Ngoại giao kể với phóng viên nhiều câu chuyện sâu sắc xuyên suốt quá trình chuẩn bị cũng như diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai.

Những chuyện chưa biết về “hậu trường” Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội - 1

TS Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện chiến lược, Học viện Ngoại giao

Trước hết về việc lựa chọn địa điểm, TS Thái cho biết dù đã lựa chọn Việt Nam nhưng Mỹ muốn làm ở Đà Nẵng - nơi mà Tổng thống Donald Trump đặc biệt ấn tượng và thích thú sau khi dự Hội nghị APEC. Bên cạnh đó, các đoàn an ninh và tiền trạm của Mỹ đã khảo sát rất kỹ Đà Nẵng.

Trong khi đó, phía Triều Tiên lại lựa chọn Hà Nội vì Hà Nội là Thủ đô - cái nôi của cách mạng và là nơi ông nội của Chủ tịch Kim Jong Un từng đến thăm. Vì thế, nếu diễn ra tại đây và ký được tuyên bố kết thúc chiến tranh thì Triều Tiên sẽ cực kỳ thuận lợi trong tuyên truyền nội bộ, xây dựng hình ảnh Chủ tịch Kim Jong Un là người mang lại hoà bình và bước ngoặt lịch sử trên bán đảo Triều Tiên.

Sau quá trình đàm phán về địa điểm tại Bình Nhưỡng, đặc phái viên của Mỹ đã phải gọi điện về báo cáo Tổng thống Trump về việc Triều Tiên chọn Hà Nội chứ không phải Đà Nẵng.

Và người đứng đầu nhà trắng của Mỹ đã đồng ý phương án này, theo đó, phía Mỹ cũng chuyển hướng ra Hà Nội và tổ chức các đoàn tiền trạm tại đây ngày 16/2 do Phó chánh Văn phòng Nhà trắng đích thân kiểm tra hiện trường.

TS Thái cho biết trong sự kiện này, toàn bộ đoàn của Mỹ có khoảng 1.200 người, riêng lực lượng an ninh khoảng 800 người.

Nhiều vòng đàm phán, nhiều nội dung ký kết được chuẩn bị sẵn, nhưng…

Trong đàm phán về nội dung, Viện phó Viện Chiến lược Học viện Ngoại giao cho biết có nhiều vòng đàm phán ở các cấp của hai bên.

Theo đó, vòng đàm phán nội dung đầu tiên ở Thuỵ Điển, vòng đàm phán thứ hai bí mật ở Bang-Kok và vòng thứ ba là ở Bình Nhưỡng. Vòng đàm phán cuối cùng ở Việt Nam diễn ra từ ngày 21/2-26/2, trong 5 ngày ở khách sạn Nikko Hà Nội. Ngày đầu tiên đàm phán trong 3 tiếng, những hôm sau đàm phán 5 tiếng và có hôm đàm phán thâu đêm với kết quả đã dự thảo được 2 văn kiện và 4 điểm then chốt.

Những chuyện chưa biết về “hậu trường” Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội - 2

Hai văn kiện và 4 nội dung mấu chốt được các cấp đàm phán của Mỹ - Triều Tiên soạn thảo sẵn sau nhiều cuộc đàm phán, nhưng kết quả hai bên không ký kết được nội dung nào Ảnh: AFP

Về quan điểm lập trường của mỗi bên, TS Trần Việt Thái cho biết, sau kết quả họp Thượng đỉnh ở Singapore tháng 6/2018, các bên đã chốt 3 nội dung và hướng để thảo luận tại Hà Nội. Nội dung thứ nhất là phi hạt nhân hoá, đi kèm với đó là dỡ lệnh cấm vận. Thứ hai là thiết lập hoà bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên, thứ ba là thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong đàm phán vừa qua tại Hà Nội, TS Thái phân tích do Mỹ muốn “gói” 2 vấn đề là phi hạt nhân hoá và gỡ bỏ lệnh cấm vận làm một, còn Triều Tiên thì muốn tách ra, đó là cái gốc của vấn đề dẫn đến đổ vỡ và hai bên không ký được tuyên bố chung.

Về vấn đề thiết lập hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ sẵn sàng ký một tuyên bố kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên chỉ riêng giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng Triều Tiên muốn phương án khác, muốn ký một hiệp ước hoà bình có tính giá trị pháp lý, tương tự Hiệp định Paris của chúng ta.

Đối với Triều Tiên, việc này rất có ý nghĩa bởi nếu có tuyên bố ấy, Triều Tiên mới có thể chuyển đổi và phát triển. Còn hiện trên bán đảo Triều Tiên chỉ có một hiệp định đình chiến, tức là vẫn đang tình trạng chiến tranh, tất cả lực lượng phải huy động cho quân đội nên không còn nguồn lực tham gia sản xuất hay các lĩnh vực khác.

“Hai bên thực chất đã dự thảo xong tuyên bố kết thúc chiến tranh rất ngắn gọn với khoảng nửa trang thôi. Nhưng rất tiếc bản tuyên bố đó không được ký kết” - TS Thái cho biết.

Vấn đề thứ hai là thiết lập quan hệ ngoại giao, theo TS Thái, Triều Tiên muốn “duy trì liên lạc thường xuyên hơn”, còn Mỹ sẵn sàng đi xa hơn, tức là sẵn sàng thiết lập văn phòng liên lạc, hai bên đã đạt được thoả thuận sẽ lập văn phòng liên lạc ở thủ đô của nhau, người của Triều Tiên đã đưa người xuống khảo sát địa điểm ở Mỹ rồi nhưng rất tiếc cuối cùng không thành công.

6 yêu cầu của Mỹ đối với phi hạt nhân hoá ở Triều Tiên

Về vấn đề phi hạt nhân hoá, TS Thái cho biết Mỹ nêu 6 điểm rất cụ thể.

Một là kiểm kê đầy đủ các cơ sở hạt nhân, số lượng chủng loại đầu đạn, các phương tiện đóng, thực trạng và các địa điểm công khai và bí mật của tất cả các cơ sở hạt nhân tên lửa của Triều Tiên. Nhưng Triều Tiên dứt khoát không chịu điểm này vì cho rằng nếu khai báo hết không khác gì “phơi lưng cho kẻ thù đánh”.

Thứ hai là thanh sát. Mỹ yêu cầu Triều Tiên chấp nhận thanh sát không giới hạn, thanh sát viên quốc tế có thể đi bất kỳ nơi đâu, kiểm tra bất cứ cái gì và được đảm bảo an ninh trong suốt thời gian ở Triều Tiên.

Thứ ba là phá huỷ tại chỗ, cái gì không thể di dời khỏi lãnh thổ được thì Triều Tiên phải phá huỷ tại chỗ, ví dụ như nhà cửa, kho tàng…

Thứ tư là chuyển khỏi Triều Tiên một số những phương tiện, nguyên liệu đặc biệt nhạy cảm như các đầu đạn hạt nhân, các phương tiện phóng, đặc biệt là tên lửa tầm xa…

Tiếp đó là kiểm soát về con người, Mỹ yêu cầu Triều Tiên thống kê có bao nhiêu chuyên gia, học về cái gì, ở đâu, rồi công tác bao nhiêu năm, gia đình thế nào…

Cuối cùng là phải có cơ chế giám sát và đảm bảo thực thi.

“6 điểm đó là phương án cao nhất mà Mỹ mong muốn. Còn phía Triều Tiên chỉ muốn thực thi từng bước và có lộ trình mà Triều Tiên kiểm soát được” - ông Thái nói.

Còn đối với dỡ bỏ lệnh cấm vận, theo TS Thái, Mỹ nói rõ không dỡ bỏ lệnh cấm vận cho đến khi Triều Tiên hoàn thành phi hạt nhân hoá. Nhưng vì khác biệt ở phi hạt nhân hoá và chưa có lộ trình nên về sau này, trong quá trình đàm phán, Mỹ có linh hoạt điều chỉnh một chút và nói sẵn sàng dỡ bỏ một số lệnh cấm vận có tính nhân đạo, nếu Triều Tiên đi một bước có ý nghĩa thì Mỹ cũng sẽ đáp lại một bước có ý nghĩa.

Thành công nhất của Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai là gì?

Hai văn kiện là một tuyên bố chung và tuyên bố về chấm dứt chiến tranh cùng với 4 nội dung then chốt đã được phái đoàn 2 bên đàm phán và soạn sẵn nhưng đều không thể ký kết.

Những chuyện chưa biết về “hậu trường” Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội - 3

Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều và đã làm tốt nhất những gì có thể. Sự chân thành của Việt Nam được hai bên cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao

Bốn nội dung gồm một là kết thúc chiến tranh; hai là Triều Tiên chấp nhận cho Mỹ vào thanh sát và phá huỷ có kiểm chứng cơ sở ở Yongbyon nhưng không nói rõ nội dung và để ngỏ cho hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều quyết định; Ba là Triều Tiên đã chấp nhận thanh sát hạn chế; Bốn là Triều Tiên đồng ý cho phép Mỹ lập văn phòng liên lạc và Mỹ cũng đồng ý cho phép Triều Tiên lập văn phòng liên lạc.

Một điểm nữa là hai bên đã đạt được thoả thuận về cơ chế bảo đảm thực thi trong quá trình này.

“Điểm mấu chốt nhất dẫn đến hai bên không ký được tuyên bố chung là vào phút chót, sau cuộc họp mở rộng, do bất đồng về gói cấm vận và vấn đề hạt nhân hoá, hai bên đã không đạt được mục đích của mình. Một phần khác do cách làm, khi đàm phán ở các cấp không chốt ngay được mà để ngỏ cho cấp cao. Tôi có cảm giác sau khi quyết nhanh như vậy, hai bên ra về ngay mà bên thứ ba không còn cơ hội để làm trung gian, dù chúng ta rất thiện chí nhưng không thể can dự. Đó là điều đáng tiếc” - Viện phó Viện chiến lược Học viện ngoại giao chia sẻ.

Sau sự kiện này, ông cho rằng hai bên Mỹ - Triều cần thời gian lắng lại để định hướng chiến lược, đánh giá lại cuộc chơi và sắp xếp lại.

Tuy không đạt tuyên bố chung, nhưng theo TS Thái, sự kiện này có nhiều ý nghĩa.

Thứ nhất là làm cho hai bên xích lại gần nhau hơn, thứ hai là cho thấy nỗ lực của chủ nhà cũng như của hai bên trong việc tiến tới giải quyết một trong những vấn đề nặng nề nhất của chiến tranh lạnh là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, qua đó góp phần vào hoà bình ổn định.

Ngoài ra, tuy hai bên ra về mà không ký ra được tuyên bố chung nhưng họ vẫn để ngỏ thời gian gặp lại.

Một trong những thành công nhất khi đăng cai tổ chức Hội nghị lần này, theo TS Thái là ta đã thể hiện được thiện chí và sự chân thành của Việt Nam đối với tất cả các bên, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

“Chúng ta là chủ nhà, chúng ta đã hỗ trợ hết sức và làm tốt nhất có thể, sự chân thành của chủ nhà Việt Nam đã được hai bên và cộng đồng quốc tế ghi nhận” - ông nói.

Những hình ảnh ấn tượng 2 ngày thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra vào ngày 27 - 28/2 tại Hà Nội đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Thu ([Tên nguồn])
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN