Nhói đau “cú đạp” cổng trường

Sự kiện: Tuyển sinh lớp 1

Cú đạp của phụ huynh HS vào cổng Trường Thực nghiệm Hà Nội đang khiến dư luận nhói đau. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu QH khóa XI, XII, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học KHXH & NV Hà Nội ví cảnh tượng này như mua gạo thời bao cấp.

Thưa Giáo sư, là một nhà giáo, ông cảm thấy thế nào khi nhìn thấy hình ảnh cổng Trường Thực nghiệm Hà Nội bị phụ huynh xô đổ?

Tôi rất đau lòng khi nhìn cảnh phụ huynh xếp hàng từ 3, 4 giờ sáng, rồi chen lấn nhau, xô đổ cả cổng trường chỉ cốt mua được một bộ hồ sơ đăng ký cho con vào lớp 1. Đau lòng nhất là việc này diễn ra ở Thủ đô, mà không phải lần đầu, cũng không phải chỉ ở cấp tiểu học.

Có lẽ hiếm nước nào trên thế giới mà xin cho con vào lớp 1, mẫu giáo lại khó khăn đến thế! Trách nhiệm này trước hết thuộc về địa phương. Tại sao lại để tồn tại tình trạng thiếu trường và bất bình đẳng giữa các trường kéo dài như vậy? Có trường thì cơ sở vật chất rất tốt, đội ngũ giáo viên rất mạnh, trong khi có những trường rất nghèo nàn, giáo viên giỏi thường không muốn về hoặc có về cũng nhanh chóng xin đi. Tôi biết ở ngay nội thành Hà Nội có trường mỗi năm chỉ tuyển được một lớp 1 do diện tích hẹp, cơ sở vật chất nghèo nàn, lại nằm giữa khu dân cư đông đúc, không có cả chỗ cho phụ huynh chờ đón con.

Nhói đau “cú đạp” cổng trường - 1

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: "Dù con cái học ở trường nào chăng nữa, ở nhà, cha mẹ cũng nên dành thời gian quan tâm rèn luyện nền nếp học hành, vui chơi của con."

Trong hoàn cảnh đó, tôi thông cảm với mong muốn chính đáng của các bậc phụ huynh cho con vào trường lớp tốt. Nhưng phải nói thực lòng là hành vi chen lấn, xô đẩy rất không đẹp. Cảnh tượng chen chúc không khác gì mua gạo thời bao cấp, làm xấu đi hình ảnh của người Thủ đô. Dân gian có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Rất mong là trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân Thủ đô chúng ta cũng giữ được nếp sống thanh lịch vốn là đặc trưng, là niềm tự hào của mảnh đất ngàn năm văn vật.

“Được học ở trường tốt là thuận lợi ban đầu chứ không phải yếu tố quyết định cả cuộc đời. Các cháu còn cả 12 năm học phổ thông, rồi học nghề hay học đại học và ra trường còn phải cố gắng rất nhiều. Do vậy, theo tôi, phụ huynh không nên chạy trường cho con từ tiểu học bằng mọi cách như thế.”

GS. Nguyễn Minh Thuyết

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, cho con học trường tốt là nhu cầu rất thực tế. Phụ huynh “chạy đua” cho con vào “trường điểm” là điều dễ hiểu, thưa Giáo sư?

Không phải chỉ có Trường Thực nghiệm mà nhiều trường điểm khác ở Hà Nội cũng rơi vào hoàn cảnh “cung” quá thấp so với “cầu” như vậy. Nhưng phải nói thẳng là trong nhiều trường hợp, phụ huynh còn nhìn nhận vấn đề một cách cảm tính. Tôi tin Trường Thực nghiệm là một trường tốt, nhưng phải chăng nhiều phụ huynh tìm mọi cách cho con vào học trường này vì đó là trường mà GS Ngô Bảo Châu đã học thời tiểu học? Chúng ta nên hiểu là để thành tài được như GS Châu, cần rất nhiều yếu tố, trong đó truyền thống gia đình, nỗ lực của bản thân và môi trường học tập, làm việc những năm đi sâu vào “nghề Toán” của Giáo sư đóng vai trò hết sức quan trọng.

Theo tôi, ở cấp tiểu học chỉ cần cho con vào những trường bình thường, có thầy cô tận tuỵ, quan tâm đến học trò và lớp không quá đông học sinh. Và dù con cái học ở trường nào chăng nữa, ở nhà, cha mẹ cũng nên dành thời gian quan tâm rèn luyện nền nếp học hành, vui chơi của con, bởi nền nếp học tập, sinh hoạt và hoạt động tự học của các cháu quyết định rất nhiều đối với sự phát triển năng lực và nhân cách.

Nhưng nhiều phụ huynh nghĩ rằng nếu con khởi đầu tốt thì sẽ có đà tiến cao hơn so với bạn bè…

Được học ở trường tốt là thuận lợi ban đầu chứ không phải yếu tố quyết định cả cuộc đời. Các cháu còn cả 12 năm học phổ thông, rồi học nghề hay học đại học và ra trường còn phải cố gắng rất nhiều. Do vậy, theo tôi, phụ huynh không nên chạy trường cho con từ tiểu học bằng mọi cách như thế. Xô đổ cổng trường, bỏ tiền mua “suất” học lớp 1 cho con… Tôi chắc rằng nhân cách của trẻ sẽ bị tổn hại không nhỏ khi chứng kiến cảnh bố mẹ xô đẩy, chạy chọt.

Giáo sư có thể chia sẻ kinh nghiệm chọn trường cho con thời các con ông học phổ thông?

Cả hai con tôi bước vào tiểu học khi tôi còn công tác ở Thái Nguyên. Các cháu đều học ở trường gần nhà. Về Hà Nội cũng vậy. Chỉ đến khi thi vào THPT, hai con tôi mới chọn Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Bây giờ cả hai đều đã trưởng thành, có thể gọi là thành đạt. Cô con gái đầu của tôi bảo vệ luận án tiến sĩ ở New Zealand, hiện là giảng viên một trường ĐH lớn ở Singapore. Cậu con trai là kiến trúc sư, cũng đã học xong thạc sĩ, hiện đang làm việc ở Hà Nội.

Nhói đau “cú đạp” cổng trường - 2

"Gốc rễ của vấn đề là chúng ta đang thiếu trường tốt"

Vậy, có giải pháp nào để chấm dứt “thảm cảnh” giáo dục trên, thưa Giáo sư?

Gốc rễ của vấn đề là chúng ta đang thiếu trường tốt. Thiếu trường thì xây trường. Thiếu cơ sở vật chất thì bổ sung cơ sở vật chất. Xét về giải pháp tổng thể, Nhà nước cần có chính sách phù hợp với chủ trương “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Cùng với mở rộng trường lớp, chúng ta nên luân chuyển giáo viên để tạo sự đồng đều về chất lượng giữa các trường, các địa phương. Sự luân chuyển này còn tạo cơ hội để giáo viên luôn được tiếp cận với cái mới, khắc phục tình trạng “ở trường nhất chị nhì em”, trì trệ trong môi trường quá quen thuộc.

Có nghịch lý là học sinh lớp 1 phải giành giật, chen lấn, trong khi nhiều trường đại học mở ra không có người học. Nghịch lý này nói lên điều gì, thưa Giáo sư?

Nghịch lý này cho thấy những yếu kém trong quy hoạch và điều hành giáo dục - đào tạo. Nhà nước chủ trương xã hội hóa giáo dục nhưng chính sách điều tiết không tốt nên người ta đổ xô vào đầu tư chỗ “dễ ăn” nhất là đại học: được phân nhiều đất, thu được nhiều học phí, không phải chăm lo nhiều đến người học…

Thậm chí, đào tạo đại học cũng chỉ phát triển ở những đô thị lớn. Và ngay cả trong phân bố ngành nghề cũng có sự chênh lệch. Nhà đầu tư chỉ mở những ngành nghề không cần đầu tư quá nhiều vào cơ sở vật chất như kinh tế, ngân hàng, quản trị… Trong khi đó, các ngành kỹ thuật có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước thì lại không có người đầu tư. Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đặc biệt cho khối ngành kỹ thuật và cho việc mở trường ở các cấp học, các vùng còn thiếu trường thì mới hấp dẫn được nhà đầu tư và giáo dục mới phát triển cân đối, vững vàng được.

Cảm ơn Giáo sư!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Hà ([Tên nguồn])
Tuyển sinh lớp 1 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN