Nhìn từ mưa lũ lịch sử tại Trung Quốc: Thời tiết Việt Nam từ nay đến cuối năm 2020 diễn biến thế nào?

Sự kiện: Tin nóng

Nửa đầu năm 2020, nhiều hiện tượng thời tiết bất thường đã xảy ra tại nước ta, do đó, nửa cuối năm, dự báo thời tiết sẽ càng diễn biến khó lường hơn.

Trung Quốc đang hứng chịu đợt mưa lũ lớn nhất trong vòng 70 năm trở lại đây. Đợt mưa lớn kéo dài liên tiếp từ đầu tháng 6 đến nay đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho 26 tỉnh thành của Trung Quốc, đặc biệt là khu vực miền Nam với hơn 13 triệu người bị ảnh hưởng. Thiệt hại ước tính hàng chục tỉ nhân dân tệ.

Ở Việt Nam, từ đầu năm đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường đã xảy ra như mưa to, mưa đá, lốc xoáy, nắng nóng… Mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc vào các thời điểm rất hiếm khi xảy ra, thậm chí chưa từng xảy ra (đêm giao thừa Tết Canh Tý). Hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra nghiêm trọng ở Nam Bộ, Trung Bộ.

Để người dân có cái nhìn tổng quát hơn về tình hình thời tiết 6 tháng cuối năm 2020, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã đưa ra bản tin dự báo mùa.

 Mùa bão năm 2020 tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam vào những tháng cuối năm 2020. Ảnh minh họa.

 Mùa bão năm 2020 tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam vào những tháng cuối năm 2020. Ảnh minh họa.

Mưa bão bắt đầu gia tăng từ mùa Thu

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 6 tháng cuối năm 2020 (từ tháng 7-12), nhiệt độ mặt nước biển có xu hướng giảm dần, nhưng vẫn có khả năng duy trì ở trạng thái trung tính (ENSO) và nghiêng về pha lạnh (La Nina) trong những tháng cuối năm. Do tác động của pha lạnh nên thời tiết, khí hậu có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, mưa, bão có khả năng gia tăng hơn từ mùa Thu năm nay (khoảng từ tháng 9-12).

Dự báo, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN). Theo đó, khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, trong thời gian này, các khu vực trên phạm vi toàn quốc vẫn cần đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá. Vùng biển phía Nam Biển Đông thời kỳ tháng 7-8/2020 cần đề phòng gió mạnh và mưa tác động của gió mùa Tây Nam. Trên vùng biển phía Bắc và Trung Bộ sóng lớn chủ yếu sẽ do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới.

Về nắng nóng, nhiệt độ trung bình từ tháng 7-9 trên cả nước phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0 độ C. Tháng 10-12, nhiệt độ ở Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ khoảng từ 0,5-1,0 độ C. Riêng Tây Nguyên và Nam Bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 7 ở Bắc Bộ và tháng 7-8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.

Triều cường có khả năng trạm mốc kỷ lục gây ngập lụt cho các tỉnh ven biển phía Nam. Ảnh minh họa.

Triều cường có khả năng trạm mốc kỷ lục gây ngập lụt cho các tỉnh ven biển phía Nam. Ảnh minh họa.

Triều cường phía Nam có thể chạm mốc kỷ lục

Từ nay đến cuối năm, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường cao vào các ngày 18-21/9, 15-19/10, 14-18/11 và 13-17/12. Thậm chí, độ cao triều cường có thể trạm mốc kỷ lục vào ngày 18/10/2020 trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió chướng, điều này sẽ gây ngập lụt cho khu vực ven biển phía Nam. 

Đỉnh lũ lớn nhất trên các sông suối ở Bắc Bộ từ tháng 7-10/2020 phổ biến ở mức báo động (BĐ) 1 đến BĐ2, riêng trên sông Thao, sông Hoàng Long và các sông suối nhỏ từ BĐ2-BĐ3. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình ở mức dưới BĐ1. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc.

Từ tháng 7 đến tháng 8/2020, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ vừa và nhỏ, đỉnh lũ có khả năng ở mức BĐ1-BĐ2, trên một số sông suối nhỏ có khả năng lên trên BĐ2; mực nước các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm.

Trong thời gian này tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ ở mức tương đương mùa khô năm 2019, đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận.

Đỉnh lũ năm 2020, trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có khả năng ở mức cao hơn năm 2019. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Tại Nam Bộ, đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức BĐ1-BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2-0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm nay vào nửa cuối tháng 9.

Nguồn: [Link nguồn]

Dải mây gây mưa lũ lịch sử tại Trung Quốc liệu có tác động tới Việt Nam?

Dải mây front Mei-yu là một hiện tượng rất nổi tiếng trong hoàn lưu gió mùa hè Đông Á được đánh giá có khả năng gây...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN