Nhiều ý kiến trái chiều về quy định đổi màu biển số xe

Sự kiện: Tin nóng

Theo quy định của Bộ Công an, các xe kinh doanh vận tải phải đổi biển số sang màu vàng, tuy nhiên nhiều ý kiến còn băn khoăn với quy định này.

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 58/2020 quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, tại điểm đ khoản 6 Điều 25 của thông tư quy định ô tô kinh doanh vận tải (KDVT) bao gồm xe taxi, xe công nghệ, xe khách, xe tải… phải có biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen.

Không phải nhiệm vụ của công an

“Trong thời buổi hiện nay, quản lý bằng công nghệ 4.0 sao lại tìm cách quản lý xe bằng màu sắc biển số” - ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, đặt câu hỏi như vậy trước quy định biển số xe KDVT phải đổi sang màu vàng.

Theo ông Liên, trước tiên việc kiểm tra xe KDVT không phải là chức năng của ngành công an. Nên quy định này vượt thẩm quyền của công an, nói đúng hơn ngành công an đang lấn sân của ngành khác trong việc kiểm tra hoạt động kinh doanh của xe vận tải. “Nhiệm vụ của công an là đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chứ không phải đề ra các quy định để quản lý xe KDVT” - ông Liên nói.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, người dân, doanh nghiệp khi đăng ký KDVT phải chịu nhiều điều kiện, giờ thêm việc đổi màu biển số này sẽ tạo nên gánh nặng. Ông Liên cho rằng việc này không khác gì một dạng giấy phép con, đi ngược với chủ trương của Chính phủ là tập trung cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Cạnh đó, việc 1,6 triệu phương tiện phải đổi màu biển số sẽ làm mất hơn 2 triệu ngày công của người dân và tốn hàng trăm tỉ đồng. Quy định này không đưa lại hiệu quả cho nền kinh tế, mà chỉ tăng quyền kiểm soát của ngành công an.

Hơn nữa, hiện nay Bộ GTVT, Bộ Công an và các địa phương đã liên thông giữ liệu để quản lý các phương tiện này nên không cần thêm quy định. “Đó là chưa kể công an sẽ khó kiểm soát được xe nào là kinh doanh hay không KDVT. Ví dụ, xe bệnh viện, xe của các trường mua để đưa đón học sinh, xe công trình… thì làm sao?” - ông Liên đặt câu hỏi.

Phó chủ tịch Hiệp hội Ô tô Hà Nội cho rằng nhiệm vụ công an là đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không phải đi xem xe nào KDVT: “Tóm lại, quy định này không phù hợp, gây ảnh hưởng phát triển kinh tế, đời sống của người dân nên tôi không thể đồng tình, cần phải rút ngay…” - ông Liên nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Văn Hưng, tài xế xe công nghệ, băn khoăn: “Xe tôi đang chạy Grab, giờ phải đổi sang biển màu vàng. khi không chạy nữa lại phải tiếp tục đổi sang màu trắng, hoặc trường hợp muốn bán thì làm sao?”.

Theo anh Hưng, hiện nay xe KDVT ngoài phải đăng ký để được cấp phù hiệu và các giấy tờ khác, xe cũng niêm yết chữ “Xe hợp đồng”. Cạnh đó, xe phải lắp thiết bị giám sát hành trình nên cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể quản lý được hoạt động của các xe này. “Còn khi lưu thông trên đường, xe nào vi phạm luật giao thông đều bị xử phạt như nhau…” - anh Hưng nói.

Theo quy định của Bộ Công an, các xe kinh doanh vận tải phải đổi biển số sang màu vàng. Ảnh: Hoàng Giang

Theo quy định của Bộ Công an, các xe kinh doanh vận tải phải đổi biển số sang màu vàng. Ảnh: Hoàng Giang

Các hiệp hội taxi tự đề xuất

 Trong khi đó, ông Dương Tiến Thự, Chủ nhiệm HTX Taxi 27/7, cho biết đề xuất thay đổi màu của biển số là do các hiệp hội taxi tại TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội đề xuất lên Bộ Công an.

Theo ông Thự, mục đích của việc này là nhằm tránh tình trạng xe dù, trốn thuế. Đặc biệt là để quản lý xe trên đường. Trước đây, các loại xe đều có biển số màu trắng nên khó phân biệt xe KDVT, xe du lịch hay xe gia đình. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra giao thông mỏng, không kiểm soát hết các loại xe trá hình, nay CSGT hoặc ngay cả công an phường cũng xử lý được. Với quy định mới sẽ dễ dàng phân biệt, đồng thời khi đó các loại xe taxi sẽ được vào những nơi mà taxi được phép.

Còn theo đại diện một trung tâm đăng kiểm, việc đổi màu biển số hỗ trợ rất nhiều trong việc đăng kiểm. Đăng kiểm viên không còn phải kiểm tra giấy tờ mà chỉ nhìn biển số là có thể phân định ngay. “Xe kinh doanh đòi hỏi quy trình đăng kiểm cao hơn, vì nó hoạt động liên tục nên chu kỳ kiểm định phải khác” - vị này nói.

Vị này nói thêm, ở nước ngoài chỉ có xe du lịch và xe thương mại. Xe thương mại có màu sắc riêng, dễ dàng phân biệt. Còn ở Việt Nam, xe taxi chạy lụi quá nhiều nên dù là tốn kém nhưng nếu có sự nhận diện là tốt nhất.

Đại diện Công ty cổ phần Be Group, đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng công nghệ gọi xe be, cho biết đây là quy định của Nhà nước nhằm mục đích điều hành vận tải nên ủng hộ. Việc đổi màu biển số xe là trách nhiệm của tài xế, do vậy các tài xế đang hoạt động phải chuyển đổi màu biển số phù hợp mới được hoạt động kinh doanh.

1,6 triệu xe chịu tác động

Trao đổi với PV, Thượng tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Đăng ký xe (Cục CSGT, Bộ Công an), cho biết việc phân định màu biển số xe là thực hiện Nghị quyết 12 của Chính phủ về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu phân định màu sắc biển số đối với xe KDVT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động các xe này.

“Hiện nay, xe KDVT và không KDVT rất khó phân biệt, gây khó khăn cho công tác quản lý. Ví dụ, những đường cấm hay khu vực hạn chế xe rất khó phân biệt xe KDVT và xe cá nhân. Khi chuyển đổi biển số sang màu vàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng tổ chức giao thông trên đường cũng như sự công bằng, bình đẳng với nhau, tránh các trường hợp trốn thuế…” - ông Công nói.

Với ý kiến cho rằng quy định trên làm tăng chi phí, thời gian cho người dân, ông Công khẳng định thủ tục cấp lại biển số xe rất đơn giản, chỉ cần đến cơ quan khai báo đổi biển. Việc đổi biển số mất một ít kinh phí nhưng hiệu quả của việc này rất lớn trong công tác quản lý. “Theo thống kê của chúng tôi, khi quy định này có hiệu lực sẽ có khoảng 1,5-1,6 triệu ô tô KDVT, bao gồm cả xe khách và xe tải các loại phải thực hiện đổi biển số…” - ông Công cho hay.

Vị trưởng phòng đăng ký xe cũng khẳng định trước khi thông tư ra đời đã xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương cũng như đăng tải trên website của Bộ Công an. Theo đó, tất cả ý kiến đều đồng ý với đề xuất này.

Khi PV đặt câu hỏi: Các nước áp dụng màu biển số xe từ lâu để phục vụ công tác quản lý khi công nghệ chưa phát triển, hiện nay việc áp dụng công nghệ trong quản lý phương tiện đã phổ biến, tại sao chúng ta lại không áp dụng, chẳng hạn như sử dụng tem đăng kiểm để nhận diện?

Thượng tá Công cho rằng nhận diện bằng tem đăng kiểm cũng là một cách thức: “Tuy nhiên, tem này nhỏ, nằm ở vị trí khó nhận diện bằng mắt thường, còn nhận diện bằng công nghệ thì trong nước chưa làm được…” - ông Công lý giải. 

Về quy định màu biển số xe làm mất đi sự linh hoạt trong sử dụng phương tiện KDVT và phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình, ông Công khẳng định nếu đảm bảo được yêu cầu trên thì không mất sự công bằng đối với các phương tiện khác. “Thực tế, các trường hợp xe không còn KDVT sau đó xin chuyển sang màu trắng (xe cá nhân) không nhiều. Hơn nữa, như tôi nói thủ tục chuyển đổi màu biển số không phức tạp” - ông Công lý giải. 

Nguồn: [Link nguồn]

Từ ngày 1/8, loại xe nào sẽ được cấp, đổi biển số màu vàng?

Việc phân định màu sắc phương tiện cũng là để thực hiện Nghị quyết 12 của Chính phủ về đăng kí hệ biển màu biển...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viết Long- Thy Nhung ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN