"Nhiều bộ đang 'thừa' thứ trưởng

“Có thể nói rằng, tuyệt đại đa số các bộ đều có số lượng thứ trưởng nhiều hơn số lượng quy định”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam nói tại buổi họp báo thường kỳ, chiều 29/9.

Tại buổi hợp báo, PV đặt câu hỏi cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam: Nghị định 36 năm 2012 nêu số lượng thứ trưởng mỗi bộ không quá 4 người, với bộ quản lý Nhà nước nhiều ngành phức tạp thì được nhiều hơn 4 do Thủ tướng quyết định. Nhưng hiện tại, bộ nào cũng quá số lượng, phải chăng tất cả đều là bộ quan trọng? Sắp tới, Chính phủ có sắp xếp lại theo đúng Nghị định 36 hay sửa Nghị định cho phù hợp thực tế?

Trả lời câu hỏi trên, người phát ngôn của Chính phủ cho biết: Chính phủ đã yêu cầu tất cả các bộ báo cáo tình hình công việc của bộ mình, kiến nghị số lượng thứ trưởng cần thiết. Bộ Nội vụ đã tổng hợp, đang nghiên cứu để đề xuất phương án, mỗi bộ cần bao nhiêu thứ trưởng.

"Nhiều bộ đang 'thừa' thứ trưởng - 1

Bộ trưởng Vũ Đức Đam trả lời phỏng vấn tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9/2013

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, ý kiến của Bộ Nội vụ đã được chuyển đến các bộ. Hiện nay, các bộ đang trao đổi. Chính phủ sẽ bàn riêng về việc này.

“Còn về số lượng thứ trưởng hiện nay, tôi xin nói rằng, kể cả cấp phó của các bộ, các cục trực thuộc, đúng là có tình trạng trên. Có thể nói rằng, tuyệt đại đa số các bộ đều có số lượng thứ trưởng nhiều hơn số lượng quy định tại Nghị định”.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân do sắp xếp lại các bộ, hoàn thiện các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Thực tế hoạt động, bộ máy chính quyền ở đây không chỉ là hành chính mà trong bộ máy của Đảng, Nhà nước nói chung, có những nét đặc thù.

Đơn cử, tại VPCP, hiện nay có 6 phó chủ nhiệm (tương đương thứ trưởng - PV). Khi Thủ tướng và 4 Phó Thủ tướng đi công tác, bao giờ cũng có văn bản thông báo chỉ đạo điều hành. Vì vậy cần có một thứ trưởng tháp tùng giúp việc, do đó, cần tới 5 người.

Đặc thù như ở VPCP trước đây, vào thời điểm gia nhập WTO, cần xây dựng rất nhiều văn bản pháp luật nên có Ban Xây dựng pháp luật. Sau thời điểm đó, tổ chức lại còn một phó chủ nhiệm chuyên trách phụ trách xây dựng pháp luật.

“Trước đó, chúng ta tập trung sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước nên có một phó chủ nhiệm chuyên trách, làm phó ban thường trực ban chỉ đạo. Như vậy, số lượng phó chủ nhiệm đã nhiều hơn 4. Nhưng thực sự, VPCP hiện nay lúc nào cũng thấy thiếu”, Bộ trưởng nói.

Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo xem xét, rà soát số lượng Thứ trưởng ở các bộ để tùy từng bộ, có số lượng Thứ trưởng tối thiểu cần thiết chứ không thể máy móc chỉ có 3 hay 4. “Tinh thần chung là ở mức tối thiểu. Chính phủ sẽ bàn và kết quả sẽ được thông báo rộng rãi. Chắc chắn đây là một việc Chính phủ phải báo cáo các cơ quan của Đảng, cơ quan có thẩm quyền để có kết luận cuối cùng”, Bộ trưởng Đam khẳng định.

Tại cuộc họp báo, PV có nhắc lại ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 19/9: “Trụ sở là nơi phục vụ nhân dân chứ không phải cung điện, không phải nơi tham quan... Kể cả trụ sở của Đảng ủy nhiều tỉnh cũng phản cảm lắm, xây dựng lộng lẫy, xa hoa”.

PV đề nghị Bộ trưởng cho biết, năm tới khi thắt chặt đầu tư công, những hạng mục như vậy có bị cắt hay không?

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, đầu tư xây dựng cơ bản có rất nhiều yêu cầu. Điều nhân dân đồng thuận nhất là đường giao thông, tiếp đến là bệnh viện, trường học. Còn trụ sở của cơ quan công quyền, Chính phủ có nhiều quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí. Theo tinh thần chung là chỉ làm những việc thật sự cần thiết.

Bộ trưởng chia sẻ về một hiện tượng, giờ đây các cơ quan chức năng đã bắt đầu nói và kiến nghị: Do quy hoạch, do định mức hoặc nhiều lý do thì có hiện tượng cứ xây sau 10, 15 năm lại không dùng được nữa. Trong khi ở các nước tiên tiến khi họ xây dựng một cơ quan công quyền, không chỉ là cơ quan công quyền mà còn là công trình văn hóa, kiến trúc, còn là một di sản vật thể để thưởng lãm.

Các cơ quan Chính phủ sẽ tiếp thu để có phương án để các công trình đều làm một lần nhưng có giá trị lâu dài, đó chính là một biện pháp tiết kiệm. Tuy nhiên trong số tiền có ít,  phải chọn lựa làm những việc thật sự cần thiết mới làm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN