Nhật Bản: Hai năm sau thảm họa động đất

Đúng ngày này hai năm trước, ngày 11/3/2011, thảm họa động đất và sóng thần đã tàn phá nước Nhật và đặc biệt gây ra tai hoạ hạt nhân ở Nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Fukushima. Hôm nay, cả thế giới nhớ đến ngày đó …

Nhân dịp này, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Thế giới IAEA, ông Yukiya Amano đã chuẩn bị một bản báo cáo quan trọng để trình bày trước Hội đồng Thống đốc gồm 35 thành viên trong phiên họp đầu tiên năm 2013 ở Thủ đô Vienna (nước Áo). Chúng tôi xin giới thiệu những nội dung chủ yếu của bản báo cáo đó sau đây.

Người đứng đầu cơ quan quốc tế IAEA, ông Yukiya Amano đề cập đến ba vấn đề nổi bật liên quan không chỉ hàng trăm triệu người Nhật mà cả nhiều dân tộc, hàng tỷ người đang sống trên hành tinh chúng ta.

Nhật Bản: Hai năm sau thảm họa động đất - 1

Tổng Giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano. Nguồn www.iaea.org

Khắc phục hậu quả Fukushima

Liên Hiệp Quốc vẫn đang tiến hành những công việc khó khăn để giúp Nhật Bản đối phó với những hậu quả do sự tan chảy nhiên liệu trong lò phản ứng xảy ra ở Nhà máy ĐHN Fukusshima vào tháng ba năm 2011.

Ông nói: "Hai năm qua là thời gian đầy thử thách đặc biệt không chí đối với người dân và Chính phủ Nhật Bản, mà còn cả với Cơ quan IAEA. Tuy nhiên, những yếu tố tồi tệ nhất của thảm họa đã lùi về phía sau, và giờ đây chúng ta đang trong giai đoạn hậu tai nạn…”.

“… Thứ hai này (11/3/2013) là ngày kỷ niệm lần thứ hai của thảm họa Fukushima, nhà máy bị hư hại nghiêm trọng bởi trận động đất và sóng thần tấn công vào Nhật Bản. Sự việc đã được đáng giá là tai nạn hạt nhân tệ hại nhất kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986…”.

"… IAEA vẫn tiếp tục hoạt động tích cực để giúp Nhật Bản đối phó với những hậu quả còn lại của thảm họa. Các quốc gia thành viên cũng đang có những nỗ lực nghiêm túc để thực hiện các bài học rút ra từ đó và các tai nạn trước đó nữa".

Ông cũng cho biết: “Tại Hội nghị các bộ trưởng ở Fukushima về an toàn hạt nhân trong tháng 12 vừa qua, IAEA đã ký một Biên bản ghi nhớ với Thống đốc tỉnh Fukushima về việc sẽ cộng tác với nhau trong các dự án khảo sát bức xạ, sức khỏe con người và xây dựng năng lực trong việc chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp”. Đồng thời, “đã bắt đầu xây dựng một báo cáo toàn diện của IAEA về sự cố Fukushima Daiichi, hy vọng sẽ hoàn tất vào năm 2014”.

Nhật Bản: Hai năm sau thảm họa động đất - 2

Toàn cảnh Nhà máy ĐHN Fukushima bên bờ biển phía đông bắc nước Nhật.    Nguồn: telegraph.co.uk

Xu hướng phát triển ĐHN hậu Fukushima

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết: Công suất điện hạt nhân toàn cầu tăng trở lại trong năm 2012, mặc dù giảm vào năm 2011 ngay sau thảm họa Fukushima Nhật Bản. Năm 2012 khởi động xây dựng mới 7 lò phản ứng hạt nhân, tăng so với 4 lò trong năm 2011. Ông Amano đưa ra con số mới nhất: số lò đang xây dựng trên thế giới đang đứng ở con số 66.

Hiện nay, trên toàn thế giới có tổng cọng 437 lò phản ứng ĐHN đang hoạt động với tổng công suất phát điện 372,5 gigawatt, tăng khoảng một phần trăm so với năm 2011.

Nhưng Tổng giám đốc IAEA cũng thừa nhận: Nạn tan chảy nhiên liệu ở nhà máy Fukushima làm rung chuyển ngành công nghiệp hạt nhân và đặt ra câu hỏi về tính an toàn của năng lượng nguyên tử. Vì thế, các nước Đức, Thụy Sĩ và Bỉ đã quyết định rút dần sự phụ thuộc điện hạt nhân và tăng sự phụ thuộc vào năng lượng tái tạo.

Tuy vậy, IAEA dự kiến: việc sử dụng năng lượng hạt nhân trên toàn thế giới sẽ mở rộng đáng kể trong khoảng từ 23 đến 100% vào năm 2030.

Mối lo ngại về vấn đề Iran và Triều Tiên

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng bày tỏ sự lo ngại về các vấn đề liên quan Iran và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Ông Amano cho biết, trong chương trình kỳ họp lần này của Hội đồng Thống đốc 35 quốc gia thành viên có nội dung thảo luận công việc của IAEA về việc làm sáng tỏ thông tin liên quan an toàn, an ninh hạt nhân và việc sử dụng công nghệ hạt nhân một cách hòa bình.

“IAEA tiếp tục xác minh việc không phát tán vật liệu hạt nhân theo Hiệp định an ninh hạt nhân như Iran đã tuyên bố”. Ông bổ sung thêm: "Tuy nhiên, Iran đã không tuân thủ sự hợp tác cần thiết để chúng ta có thể tin chắc rằng không xảy ra sự phát tán vật liệu hạt nhân và các hoạt động không được khai báo. IAEA, do đó, không thể kết luận rằng tất cả các vật liệu hạt nhân ở Iran chỉ nhằm vào các hoạt động hòa bình”.

IAEA và Iran đã có ba vòng đàm phán kể từ tháng 11 năm 2012, tuy nhiên, chưa đạt được thỏa thuận nào.

Ông Amano cho biết thêm: việc truy cập đến các trang web Parchin nhằm phục vụ cho điều tra xác minh cũng chưa được phía Iran cấp phép. Và, một lần nữa, ông Tổng Giám đốc IAEA yêu cầu Iran tạo điều kiện để có thể truy cập vào các trang web Parchin mà không làm chậm trễ thêm nữa. Theo ông, làm như vậy sẽ là "một bước đi tích cực" có thể giúp chứng minh sự sẵn sàng của Iran tham gia với IAEA về các vấn đề đang quan ngại.

Cuối cùng là vấn đề Triều Tiên. Ông Yukiya Amano cũng bày tỏ rất lấy làm tiếc trước bản thông báo của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên về vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ ba vào ngày 12 tháng Hai năm 2013, bất chấp sự thuyết phục của cộng đồng quốc tế.

Ông nhấn mạnh: “Tôi nhắc lại lời kêu gọi của tôi với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên về trách nhiệm thực hiện đầy đủ Hiệp định không lan truyền vũ khí hạt nhân NPT và hợp tác kịp thời, đầy đủ với IAEA. IAEA vẫn sẵn sàng đóng góp vào một giải pháp hòa bình vấn đề này…”

Khai thác năng lượng nguyên tử một cách an toàn nhất phục vụ cuộc sống hòa bình của nhân loại. Ngăn chặn sản xuất mới, giảm dần và tiến đến loại bỏ hoàn toàn trong tương các loại vũ khí hủy diệt hạt nhân trên Trái đất.

Đó không chỉ là trách nhiệm cao quý của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA. Đó cũng là nguyện vọng tha thiết và đòi hỏi chính đáng của tất cả các dân tộc trên thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Trần (Vietnamnet)
Động đất, sóng thần tàn phá Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN