Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ứng xử với người đề nghị ông xin lỗi dân
“Tôi đề nghị Thủ tướng, với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, phải xin lỗi nhân dân vì từ ngày thành lập nước tới nay chưa bao giờ có chuyện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành vi phạm kỷ luật, thậm chí phải ra tòa như khóa này”.
GS Nguyễn Minh Thuyết: Thủ tướng Phan Văn Khải khi nghỉ trở về quê, sống cuộc sống như người dân bình thường và ít có phát biểu, can thiệp vào vấn đề chính trị, xã hội
Đây là chia sẻ của GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với phóng viên Infonet về nhửng kỷ niệm mà ông còn nhớ đối với cố Thủ tướng Phan Văn Khải.
Chèo lái đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực
Với vai trò là ĐBQH- cơ quan giám sát chứng kiến bài phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải kết thúc phiên chất vấn 12 thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 9- QH khóa XI khi ông nói “có thể đây là lần cuối cùng tôi phát biểu trước QH với cương vị là người đứng đầu Chính phủ”, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá: “Theo nhìn nhận của tôi, nguyên Thủ tướng là một người có tính cách đôn hậu và là một nhà lãnh đạo thành công vì có hiểu biết và rất cẩn trọng”.
GS Thuyết chia sẻ thêm với phóng viên Infonet nhiều ấn tượng của mình đối với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Đầu tiên phải kể đến bối cảnh khủng hoảng kinh tế Châu Á đang diễn ra đúng lúc Thủ tướng Phan Văn Khải bắt đầu đảm đương vị trí Thủ tướng. Đây là thách thức lớn đặt ra cho người đứng đầu Chính phủ.
“Thực tế sau này đã chứng minh, ông đã thành công khi không chỉ vượt qua sóng gió mà còn đưa đất nước phát triển. Nhiều người đánh giá, chính nhờ được đào tạo bài bản về kinh tế ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov tại Moskva (Liên Xô cũ), Thủ tướng có chuyên môn chắc chắn và mỗi quyết sách của ông đưa ra đều rất cẩn trọng, giúp kinh tế Việt Nam bình an thoát khỏi khủng hoảng kinh tế Châu Á.
Một vấn đề mà tôi nhớ là việc xây dựng tập đoàn kinh tế Nhà nước thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải được tính toán rất kỹ. Mãi đến đầu nhiệm kỳ 2 của mình, ông mới cho thí điểm 3 tập đoàn, chứ không mở rộng.Điều đó đã giúp tránh được nhiều rủi ro cho nền kinh tế, trước hết là kinh tế nhà nước", GS Thuyết nói.
Một điểm nhấn trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải là lần đầu tiên người đứng đầu bộ máy hành pháp Việt Nam thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ và có cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống Bush lúc đó.
"Đến thời điểm năm 2005, khi Thủ tướng Phan Văn Khải thực hiện chuyến thăm Mỹ thì đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo nước Việt Nam thống nhất đến Mỹ và chuyến thăm đã mở ra một thời kỳ mới cho quan hệ giữa hai quốc gia. Hiện nay, khi nhìn lại, chúng ta vẫn thấy rất rõ ý nghĩa to lớn của chuyến thăm", GS Thuyết nêu.
Khi nghỉ, ông sống cuộc sống như người dân bình thường…
GS Thuyết nhớ lại, trong khóa XI, thời kỳ này có nhiều vụ án tham nhũng được cho là “chấn động” so với thời bấy giờ như vụ án Năm Cam, PMU 18… Với trách nhiệm là người giám sát hoạt động của Chính phủ, có lần “tôi đề nghị Thủ tướng, với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, phải xin lỗi nhân dân vì từ ngày thành lập nước tới nay chưa bao giờ có chuyện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành vi phạm kỷ luật, thậm chí phải ra tòa như khóa này.
Và sau đó, như báo chí đã đưa tin, khi phát biểu trên diễn đàn, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội và nhân dân. Sau hôm đó, có lần, vào giờ nghỉ, khi tôi đang đứng hút thuốc ngoài hành lang thì bất ngờ Thủ tướng cùng một số vị đi ra cùng. Ông bắt tay rồi trò chuyện với tôi rất vui vẻ, cởi mở", GS Thuyết nhớ lại.
GS Thuyết cũng rất ấn tượng với cách ứng xử của nguyên Thủ tướng khi đã “từ quan”. Ông trở về quê sống như những người dân bình thường và có nhiều đóng góp cho địa phương bằng việc xây dựng các công trình, giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn.
“Cũng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thì nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi nghỉ trở về quê hương, sống cuộc sống như người dân bình thường, ít có phát biểu, can thiệp vào vấn đề chính trị, xã hội. Điều đó, cho thấy, các vị không còn lưu luyến những thứ mà người ta gọi là quyền lực, ảnh hưởng", GS Thuyết nói thêm.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại những kỷ niệm sâu sắc của một thời kỳ đối ngoại đầy sôi động.