Người nghèo vật vã trong giá rét

Trong giá rét dưới 10 độ C vào ban đêm, nhiều người nhà đi chăm bệnh nhân vẫn chấp nhận nằm ở hành lang, vỉa hè bệnh viện. Cảnh khổ này kéo dài nhiều năm nay và đến đợt rét này lại thêm vật vã...

Đắp áo mưa đi ngủ

Tối 3/1, khi các nơi vắng vẻ thì vỉa hè của khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) lại tấp nập người nằm, ngồi la liệt. Người nhà bệnh nhân trải chiếu ra vỉa hè, vừa nghỉ, vừa túc trực trông bệnh nhân. Mấy hôm nay nhiệt độ Hà Nội xuống 10 độ C, trời mưa phùn, hơi lạnh thấm vào người như ngàn mũi kim chích. Mái hiên của khoa Cấp cứu không đủ chỗ nên nhiều người gần như phải ngủ ngoài trời, vừa đắp chăn, vừa kèm theo cả áo mưa. Người có chăn dày thì nằm, người có chăn mỏng chỉ dám ngồi, đầu gục xuống hai gối.

Người nghèo vật vã trong giá rét - 1

Người nhà trông nom bệnh nhân với lủng củng đồ đạc, chăn bông tại hành lang Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. H.T

Trong số ấy có 5 người của gia đình Dương Văn Đạo, 24 tuổi (Diễn Châu, Nghệ An). Vợ Đạo bị suy thận đã hơn 1 tháng, cũng là 1 tháng em nằm hành lang bệnh viện chăm vợ. 6 ngày nay, vợ Đạo đau dữ dội, mê man bất tỉnh, phải chuyển xuống khoa cấp cứu. Tối nay, không chỉ có Đạo mà 5 người nhà cùng ra túc trực, bởi vợ Đạo đã quá yếu, không biết có qua khỏi hay không... Mẹ vợ Đạo thất thần: “Gió thông thống lạnh buốt da thịt, nhưng không thể so với nỗi đau con gái tôi đang chịu đựng trong kia, nó còn trẻ quá, mới 20 tuổi đầu...”.

Bệnh viện Nhi T.Ư đang có kế hoạch xây nhà lưu trú cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Hiện bệnh viện đã dành khoảng 200m2 trong khuôn viên bệnh viện nhưng chưa đủ tiền xây .

Bà Nguyễn Thị Lê (54 tuổi, Hòa Bình) cũng cho biết, bà đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trông con trai bị ngộ độc rượu 4 ngày nay, đúng vào đợt lạnh. Ngày đầu tiên chủ quan, không có chăn chiếu, tiền mang theo cũng chỉ đủ lo cho con, bà và mấy đứa cháu phải đứng chịu lạnh suốt đêm. Còn giờ đã kiếm được ít chăn, ngủ tạm ở vỉa hé. Bà rất mệt, rất lạnh nhưng chưa dám ốm vì con trai chưa qua cơn nguy hiểm.

Tại vườn hoa của Viện Tim mạch Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), một nhóm người chui xuống bể nước cạn để quây chăn chiếu, quấn chăn nằm. Chí Hùng (Bắc Ninh) cho biết, bố bị cấp cứu do tai biến nên gia đình 3 người đều phải vào viện túc trực. Mẹ trông bố ở “vòng trong”, còn hai anh em chạy vòng ngoài. Trời lạnh quá, chui xuống bể nước tránh được gió nên ấm hơn. Nhưng tối qua mưa, anh phải chạy vào vỉa hè ngủ đứng.

Muôn nỗi khó nhọc

Bà Lê Thị Bốn (Quảng Bình) ngồi run rẩy ở ghế chờ khám tại Bệnh viện K T.Ư. Những ngón chân không tất của bà tím tái trong gió lạnh. Cái khăn nhỏ trùm đầu không che kín mái đầu trơ sọ vì tóc đã rụng hết. Bà Bốn cho biết, mình ra Hà Nội xạ trị lần này là lần thứ 5. Không ngờ lần này Hà Nội rét quá, bà chỉ có áo mỏng, nên mặc hết 5-6 áo vẫn lạnh.

Bà Trần Hồng Thu (Mỹ Đức, Hà Nội) ngồi hành lang khoa Xạ trị 2 (Bệnh viện K T.Ư) ăn tạm suất cơm từ thiện của nhà chùa. Bà cho biết, chồng đang bị ung thư thực quản, phải nằm viện 2 tháng nay. Bà vẫn thấy mình may mắn khi buổi tối, bệnh viện cho trải chiếu ngoài hành lang phòng bệnh để nằm, không sung sướng gì nhưng cũng không quá lạnh.

Cảnh khổ này diễn ra nhiều năm ở các bệnh viện nhưng chưa thể giải quyết. Một số bệnh viện như Việt Đức, Nhi T.Ư có xây được nhà trọ cho bệnh nhân nhưng quy mô rất nhỏ so với lượng bệnh nhân và người nhà. Chẳng hạn như Bệnh viện Việt Đức chỉ có hơn 100 giường cho người nhà bệnh nhân. Còn tại Bệnh viện Nhi T.Ư, nhà trọ chỉ có khoảng 20 phòng, lúc nào cũng chật cứng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Linh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN