Người chữa bệnh bằng hát: Xin "nghiên cứu" tôi

Bà Phan Thị Tranh ở Tam Dương-Vĩnh Phúc- người được cho là có khả năng chữa bệnh bằng cách “nghe hát bắt tay uống lá mát”, đã bày tỏ nguyện vọng được các nhà khoa học nghiên cứu để có kết luận.

"Hồi tôi mười tuổi, một hôm con lợn nái của gia đình bỏ cám, vì nghèo đói, con lợn đó như là gia sản của gia đình khiến mọi người đều lo lắng, nhưng tự thâm tâm tôi thì chẳng thấy gì là ghê gớm nên nói mọi người không phải lo, nó sẽ khỏi ngay thôi.

Nói xong, tôi bốc một nhúm muối, chạy ra ném vào đầu con lợn và ngồi hát, một lúc sau thì con lợn dậy ăn hết cả một máng cám. Sau đó, mỗi lần lợn gà nhà tôi bị ốm đau gì, tôi cứ đi hái lá về quẳng cho chúng ăn, không dám cho bố mẹ tôi biết rõ, vì sợ nhiều người trong làng biết lại tìm đến.

Người chữa bệnh bằng hát: Xin "nghiên cứu" tôi - 1

Bà Phạm Thị Tranh.

Hồi đó cũng không nghĩ mình có khả năng đặc biệt gì đâu, cho đến năm tôi mười ba tuổi, bầm (mẹ) tôi bị một cái mụn ở sau đốt sống cổ, cái nhọt này cực kỳ nguy hiểm, vì nó nằm đúng huyệt đại trùy. Có nhiều trường hợp, bác sĩ cũng không dám đụng dao kéo, vì không khéo bệnh nhân rất dễ bị tử vong hoặc bại liệt vĩnh viễn khi xử lý cái nhọt này.

Bầm tôi khi đó sáu mươi sáu tuổi, bị sốt cao mà không có cách gì hạ được. Lúc đó, tôi hát liền một mạch mấy bài, từ bài này đến bài khác, bầm tôi còn mắng, bảo tôi bị dở, tôi vẫn cố hát tiếng. Cái nhọt xẹp dần rồi tan hẳn, bầm tôi khỏi bệnh hiểm nghèo, bây giờ cụ hơn tám chục tuổi rồi, ở ngay gần đây thôi", bà Tranh cho biết.

- Sau đó bà bắt đầu cứu chữa cho những người khác?

“Bệnh nhân” đầu tiên của tôi là thằng bé hàng xóm (tôi không nhớ tên nó là gì), con nhà cô Tháp trong làng. Thằng bé bị miệng nôn trôn tháo, mẹ nó chạy sang bảo tôi “Bá giúp cho thằng con em với”, tôi bảo mẹ con cô ấy không được nói với ai, chờ tôi hái cho hai miếng lá uống thì sẽ khỏi, sau đó tôi hái miếng lá, nói cô ấy đem về cho thằng bé uống, mai sang lấy miếng nữa.

Hôm sau cứ chờ mãi cô ấy sang lấy lá cho thằng bé để mình còn ra đồng, chẳng thấy đâu, đi ra đầu làng gặp mẹ nó, cô Tháp ấy đã bảo “Nó khỏi rồi, đang chạy nhảy rồi bá ạ”. Thằng bé con ấy giờ đang học đại học, thỉnh thoảng nhắc lại chuyện ấy nó vẫn không tin đó là sự thực.

Dần dần, “tiếng lành đồn xa”, dân trong làng có chuyện gì cũng kéo đến nhờ giúp. Ai có lợn gà bỏ cám, trâu bò bỏ cỏ, rồi người ốm đau bệnh tật… cũng gọi “bá Tranh ơi”.

Gọi là “thuốc” cũng được, mà không phải cũng không sao, vì nó là những loại lá tôi hái quanh vườn nhà, sau đó được tôi truyền năng lượng từ mình để người bệnh nhận được, tùy theo khả năng nhận truyền tần sóng và khả năng, sức đề kháng của cơ thể thì sẽ khỏi nhanh chóng, lâu mau.

- Những lá cây này được bà nhặt hái, thu lượm ở đâu? Và bà không muốn nhiều người biết đến?

Vì nhiều người kéo đến thì tôi sẽ phải “làm” nhiều, cũng vất lắm chứ! Còn lá cây thì lúc đầu là những cây cối trong vườn nhà thôi, sau đó thì tôi đi lên núi. Có lúc là lá rau má, lá mít, hoặc có khi chỉ là cây rau dền. Cứ chỗ nào mình có cảm giác có tần sóng trùng với cơ thể mình thì tôi đến hái lá ở chỗ đó.

Nói không điêu chút nào, chứ hai mươi mốt năm nay, tôi không ngủ đêm nào rồi. Cứ tầm 8h tối, hoặc 9h, 10h (tùy thuộc vào sự cảm nhận mỗi ngày) là tôi đi lên núi Tam Đảo, hoặc đi trên đường, lên Đền Hùng… cứ đi như thế thôi, chỗ nào có cảm giác có nguồn năng lượng thì mình dừng lại, tiếp nhận.

- Không ngủ triền miên thế có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bà không?

Không sao cả, chỉ ngày nào dừng “làm việc” hoặc tự mình thấy “thèm” cơm thèm thịt, mà cố ăn thì trọng lượng cơ thể sẽ tự hao đi mất thôi. Ngày nào mà không hát, không đi thì trong người rất bứt rứt khó chịu, không làm gì được cả.

- Tại sao bà không chọn hình thức tiếp cận khác với bệnh nhân mà lại là hát và bắt tay?

Nói ra đừng cười tôi nhé (cười), là vì tôi rất thích hát. Tôi thuộc rất nhiều bài hát, từ dân ca đến ca dao hò vè, các bài hát ca ngợi đất nước.

Khi tôi hát hoặc bảo người ta đếm “1, 2, 3” có nghĩa là lúc đó tôi đang nghe tiếng để nhận thông tin và tần sóng từ họ để chuyển tần sóng, năng lượng từ mình ngược lại đến người đối diện.

Cũng thông qua việc bắt tay, tôi đã truyền năng lượng cho người bệnh, những loại lá cây rừng này là phương tiện dẫn truyền nguồn năng lượng từ cô đến người bệnh để cùng hỗ trợ quá trình nhận dẫn sau này.

Có những lần có đoàn kiểm tra trên huyện, xã xuống yêu cầu tôi dừng việc “khám bệnh” bằng “hát và bắt tay”, tôi bảo tôi có làm gì sai trái đâu, tôi không khám bệnh cấp thuốc, tôi chỉ hát cho mọi người nghe thôi, còn nếu cấm tôi hát thì cứ cấp cho tôi một tờ giấy, tôi sẽ tuân theo.

Còn hiện nay, tôi chỉ mong các nhà khoa học hãy cùng “nghiên cứu”, “kiểm tra” tôi để có những kết luận cụ thể, tránh việc cho rằng đây là những điều mê tín dị đoan, hoặc lừa bịp.

Trưởng phòng y tế huyện Tam Dương, ông Nguyễn Văn trao đổi cùng cô Phan Thị Tranh và gia đình trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra huyện Tam Dương ngày 29/11/2013: “Thực sự chị Tranh có khả năng thì nên làm đơn để cơ quan Nhà nước cấp phép. Hoặc đẩy nhanh công việc xác nhận của trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người. Chúng tôi làm theo quy định của pháp luật, những ai bốc thuốc không được phép thì bị cấm”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Minh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN