Ngành điện đang lỗ ngập đầu

Không chỉ lỗ nặng, thất thu, hàng loạt dự án điện còn không thể khởi công theo kế hoạch hay hoàn thành đúng tiến độ.

Trong báo cáo mới đây gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã chỉ ra nhiều bất cập trong phát triển các ngành năng lượng và đề xuất những giải pháp tháo gỡ.

Lỗ hàng ngàn tỉ đồng

Theo khảo sát của VEA, nhiều nhà máy điện đang lỗ cả ngàn tỉ đồng. Cụ thể, Nhà máy Nhiệt điện Na Dương, Cao Ngạn của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chỉ bán được điện với giá 800 đồng/KWh nên tính cả trượt giá về ngoại tệ và than bán dưới giá thành thì lỗ tới hàng ngàn tỉ đồng.

Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I hiện đang hoạt động tổ máy 1 có công nghệ tuabin ngưng hơi truyền thống. Do chưa có nguồn khí, nhà máy này phải chạy dầu FO để cung cấp điện cho khu vực Cần Thơ và miền Tây Nam Bộ với giá thành 3.500 đồng - 4.500 đồng/KWh trong khi giá bán chỉ chưa bằng 1/3, không thể tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.

Ngành điện đang lỗ ngập đầu - 1

Công nhân lắp đặt lưới điện tại quận 2 - TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh

Ngoài ra, một số nhà máy điện chu trình hỗn hợp tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Mỹ, Nhơn Trạch của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng phải chạy dầu DO khi không có khí nên phải chịu lỗ tới hàng chục ngàn tỉ đồng.

Một yếu tố khác khiến EVN thất thu hàng chục ngàn tỉ đồng là nền kinh tế suy thoái, điện bán cho khối doanh nghiệp (chiếm 70% sản lượng điện thương phẩm của EVN) bị hạn chế.

Những bất cập trong vận hành thị trường điện cạnh tranh từ ngày 1/7 cũng là nguyên nhân làm nhiều nhà máy giảm doanh thu. Kết quả khảo sát của VEA cho thấy nguồn điện chạy than được huy động qua thị trường phát điện cạnh tranh với giá thấp hơn giá thành sản xuất, lại không được huy động hết công suất. Đặc biệt, các nhà máy nhiệt điện thuộc TKV chỉ huy động được khoảng 30% công suất, nhiều tổ máy phải dừng hoạt động. Việc ngừng máy và khởi động máy diễn ra liên tục, mỗi lần tốn kém 3-4 tỉ đồng. Khá nhiều nhà máy điện bị lỗ, lãng phí nguồn phát và doanh thu thấp, không đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên.

Bệnh kinh niên: Chậm tiến độ


Theo Quy hoạch điện VII, giai đoạn từ nay đến năm 2015 sẽ phải hoàn thành gần 110 công trình nguồn điện, hơn 300 công trình lưới và các trạm biến áp. Nhưng đến nay, nhiều dự án đều chậm tiến độ, có nguy cơ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện từ năm 2013. Trong Quy hoạch điện VII, khối lượng công việc chủ yếu vẫn thuộc về EVN.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Nhà nước về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia cho thấy dự kiến năm nay, chỉ có 2/15 dự án đưa vào vận hành đạt tiến độ đúng kế hoạch. Trong năm 2013, 3/8 dự án sẽ không thể khởi công đúng kế hoạch. Các dự án còn lại đều bị chậm tiến độ từ 3 tháng đến một năm.

Đáng lưu ý là các dự án chậm tiến độ năm sau đều là dự án trọng điểm cung cấp điện cho miền Nam và miền Trung nên nguy cơ thiếu điện ở khu vực này từ mùa khô năm 2013 là rất cao. Nguyên nhân chính gây chậm tiến độ của các dự án điện là thiếu vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng và năng lực nhà thầu hạn chế.

Theo dự thảo quy định cơ chế quản lý, thực hiện các dự án điện, EVN phải đầu tư lưới truyền tải đồng bộ với nguồn, ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư các dự án nguồn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tô Hà (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN