Tăng giá điện để bù lỗ 26.000 tỷ cho EVN

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 4 năm từ nay đến 2015, lỗ chênh lệch tỷ giá được phân bổ vào giá điện bình quân là 6.600 tỷ đồng/năm. Mức tăng cụ thể sẽ tùy thuộc vào tình hình kinh tế từng thời điểm.

Chiều 20/7, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN đã chủ trì cuộc họp báo về vấn đề giá điện.

Quyết định 24 cho phép khi 3 thông số đầu vào tăng thì giá điện mới tăng. Tuy nhiên, vừa qua, chỉ giá than tăng, còn lại, giá dầu giảm, tỷ giá ổn định, thủy điện dồi dào là nguồn giá rẻ. Hiệp hội năng lượng cho rằng đáng lẽ phải giảm giá điện thay vì tăng giá. Vậy phải chăng việc tăng giá điện từ 1/7 là chỉ nhằm bù lỗ cho EVN?

- Nhìn bề ngoài thì thấy nhiều yếu tố thuận lợi như nước về nhiều nên thủy điện có ưu thế, phụ tải tăng chậm, trời mát hơn nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng thấp. Tuy nhiên, nếu cho rằng vì thế mà phải giảm giá điện, nhìn đơn lẻ như vậy thì sẽ không thể xử lý bài toán giá điện hiện nay.

Vì ngoài các yếu tố đó, chúng tôi có khoản treo chênh lệch tỷ giá 26.000 tỷ, rồi lỗ kinh doanh điện 11.000 tỷ đồng, đó là một gánh nặng, không xử lý thì sau này sẽ rất khó.

Ngành than cũng đang khó khăn trong khi 30-40% sản lượng điện là từ nhiệt điện than. Nếu không hỗ trợ ngành than thì rồi đến lúc không có than cho điện. Chính phủ cũng chỉ đạo đến năm 2013, giá than sẽ theo thị trường. Vừa rồi, chúng tôi đề nghị cho phép tăng giá than 10-11%, sẽ giúp tăng 400 tỷ đồng cho than. Doanh thu từ tăng 5% giá điện từ 1/7 dự kiến tăng thêm 3.700 tỷ, như vậy, chúng tôi còn lại 3.300 tỷ sẽ bù trừ vào chênh lệch tỷ giá.

Tăng giá điện để bù lỗ 26.000 tỷ cho EVN - 1

Ông Đinh Quang Tri

Nếu theo quy định, 3 tháng một lần EVN được tăng. Nếu chỉ tăng 5%, hai bộ Tài Chính- Công Thương đồng ý thì được tăng. Từ đầu năm đến tháng 7, EVN không hề tăng giá điện, vì các Bộ yêu cầu EVN phải giữ giá do kinh tế khó khăn. Đến tháng 7, các bộ đồng ý thì chúng tôi mới tăng giá.

Tất cả các doanh nghiệp phải chịu thiệt hại vì chênh lệch tỷ giá, vì sao chỉ mình EVN được bù lỗ này vào giá điện?

- Lỗ chênh lệch tỷ giá là yếu tố rất khách quan. Trong khi các DNNN khác như PetroVietnam, Vinaconex, Lilama không thấy được bù chênh lệch tỷ giá thì EVN lại được bù, nghe có vẻ không công bằng. Biện luận này có lý.

Tuy nhiên, cái gốc ở đây là giá điện. Tất cả các giá của DNNN khác là giá thị trường. Ví dụ Petrovietnam nếu giá mua vào 100 USD, sẽ bán giá 100 USD. EVN thì khác, không bán điện theo giá thị trường. Vì có lúc, Chính phủ bảo kinh tế khó khăn, không được tăng giá điện, chênh lệch tỷ giá phải để lại hết thì EVN phải chịu, không tăng giá. Nói cách khác, 26.000 tỷ đồng lỗ tỷ giá còn treo lại là do chính sách nên Chính phủ phải có cơ chế bù cho EVN.

Số dư vay của EVN hiện là 7,4 tỷ USD, rất lớn. Các khoản này đều do Chính phủ bảo lãnh cho EVN vay lại. Nếu không bù tỷ giá này thì Chính phủ lấy đâu ra tiền để trả cho nước ngoài.

Tại các nước, tất cả các DN điện đều phải bù chênh lệch tỷ giá vào giá điện và người tiêu dùng phải chịu.

Thủ tướng cho phép phân bổ các khoản lỗ còn treo lại từ năm 2011 trở về trước vào giá điện, đến năm 2013 giá điện theo thị trường. Vậy, xin ông cho biết kế hoạch cụ thể từ nay tới 2015, sẽ phân bổ ra các khoản lỗ ra sao vào giá điện?

- Chúng tôi đã nghiên cứu để trình các bộ ngành kế hoạch này. Năm 2010, lỗ kinh doanh điện là là 8.000 tỷ, năm 2011, chúng tôi tiếp tục lỗ kinh doanh điện 3.000 tỷ đồng. Riêng khoản chênh lệch tỷ giá của năm 2010 đã là 15.000 tỷ đồng và tính đến 31/12/2011, tổng số chênh lệch tỷ giá đã qua kiểm toán là 26.000 tỷ đồng.

Như vậy, trong 4 năm từ nay đến 2015, đối với chênh lệch tỷ giá, mỗi năm EVN phải phân bổ 6.600 tỷ đồng vào giá điện thì mới hết.

Năm 2012, chúng tôi hi vọng tỷ giá tương đối ổn định, cuối năm không tăng thì sẽ không làm phát sinh chênh lệch tỷ giá nữa. Việc phân bổ lỗ tỷ giá cụ thể ra sao, mức độ như thế nào, chúng tôi sẽ cân đối, căn cứ vào tình hình kinh tế trong nước, tài chính của EVN thì sẽ tính cụ thể tăng bao nhiêu là vừa phải.

Nếu bình quân cần tăng thêm 6.600 tỷ đồng vào giá điện trong 12 tháng thì tỷ lệ tăng chỉ là 5%. Như vừa rồi, tăng giá 5% trong 6 tháng, chúng tôi thu được thêm 3.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với riêng khoản lỗ kinh doanh điện trong hai năm 2010-2011 lên 11.000 tỷ đồng, chúng tôi sẽ không phân bổ vào giá điện. EVN sẽ tự điều tiết khoản này trong cân đối phần lợi nhuận doanh thu của mình khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tăng giá vẫn chưa đủ tiền đầu tư


Vậy, tăng giá điện có giải quyết được hết các vấn đề tài chính của EVN, vấn đề huy động nguồn vốn cần tới hơn 500.000 tỷ đồng trong 4 năm tới?

- Giải quyết vấn đề tài chính cho EVN không phải mỗi tăng giá điện, mà còn đồng bộ cả việc thu xếp vốn. Tỷ lệ nợ ngân hàng hiện nay của EVN đã trên 3 lần. Ở nhiều dự án điện, vốn đối ứng của EVN là không có. Nhưng không thể vì thế mà để xảy ra tình trạng đất nước thiếu điện. Chính phủ vẫn phải giao cho EVN lo đảm nhiệm nguồn cung ứng điện.

Hiện nay, nhiều dự án 100% vốn đều là đi vay cả như nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 3. Trong đó, 85% vay nước ngoài, 15% vay ngân hàng thương mại trong nước. Tất cả các khoản vay đều do Chính phủ bảo lãnh, chỉ đạo ngân hàng trong nước cho vay. Một mình EVN không thể đảm đương nổi.

Kiểm toán Nhà nước kết luận, năm 2010, EVN chưa hạch toán đầy đủ các chi phí liên quan sản xuất kinh doanh điện vào giá thành như chi phí cho thuê cột điện… Nếu tính đủ, giá thành điện có thể giảm 34 đồng/kWh, giảm sức ép tăng giá điện? Ông lý giải điều này như thế nào?

- Theo chế độ kiểm toán hiện hành ở Việt Nam, đối với khoản thu được từ việc thuê cột điện, chúng tôi đang hạch toán vào các khoản kinh doanh khác.

EVN không thể trốn thuế hàng tỷ đồng vì khi ký hợp đồng cho thuê cột điện với Tập đoàn VNPT, EVN cũng phải xuất hóa đơn và hạch toán vào doanh thu. Cái lý của Kiểm toán Nhà nước có nêu là, cột điện được xây dựng ra là để phục vụ cho hệ thống truyền tải lưới điện nên khi cho thuê thì khoản thu cho thuê đó phải hạch toán vào kinh doanh điện. Nhưng theo quy định, doanh nghiệp có thể dùng hạ tầng cơ sở để gia tăng doanh thu. Chúng tôi vẫn hạch toán đầy đủ vào doanh thu khác và kết quả chung vẫn là đưa vào hạch toán trong sản xuất kinh doanh chung, không mất đi đâu cả.

Các khoản lãi tiền gửi cũng vậy. Trước đây, chế độ kế toán cho phép khoản lãi tiền gửi hàng tháng phát sinh được hạch toán ngay, thì có thể giảm giá thành chung. Nhưng theo cơ chế hiện nay là không làm thế, khoản lãi tiền gửi này hạch toán vào hoạt động tài chính và kết quả vẫn là hạch toán vào doanh thu chung. Bộ Tài chính hướng dẫn thế nào thì chúng tôi thực hiện theo như vậy.

KTNN không bảo chúng tôi làm sai, mà chỉ kiến nghị xem xét nghiên cứu thêm cách hạch toán giá thành điện. Kết luận chung của cơ quan này là EVN làm đúng chế độ kế toán, tài chính của Việt Nam hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Huyền (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN