Nát bét tuyến đường tránh Biên Hòa

Tuyến đường tránh TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) từng được xây dựng để trở thành con đường kiểu mẫu nhưng nay ai đi trên đường này cũng đều ngao ngán.

Tuyến tránh TP Biên Hòa do Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Tuyến đường dài hơn 12 km, được đưa vào sử dụng năm 2014. Tổng vốn xây dựng tuyến này cùng với đoạn cải tạo 10 km Quốc lộ (QL) 1 là 1.500 tỉ đồng.

Từ kiểu mẫu đến… te tua!

Khi đưa vào sử dụng, tuyến đường này được kỳ vọng là con đường kiểu mẫu rộng đẹp, rợp bóng cây xanh. Đường này có công năng chính là gánh trọng trách của QL 1 nối Bắc - Nam, giúp giảm tải cho TP Biên Hòa.

Thế nhưng, hiện nay, hơn nửa đường dường như chỉ phục vụ xe vào ra từ các… mỏ đá. Các xe ben chở đá từ khu mỏ Tân Cang ngày đêm đua tốc độ, phá nát mặt đường. Đoạn đường tránh từ phía huyện Trảng Bom về TP Biên Hòa dài khoảng 6 km khá rộng rãi, riêng nửa đường còn lại ngập trong khói bụi và đất đá văng ra từ các xe chở đá.

Người dân lưu thông qua đây phải đeo kín khẩu trang, thỉnh thoảng lại tấp sang bên đường để… lánh nạn. Dọc 2 bên đường, nhà cửa, tiệm kinh doanh đóng kín cửa nhưng các vật dụng trong nhà vẫn bị bụi phủ một lớp.

Nát bét tuyến đường tránh Biên Hòa - 1

Đường tránh TP Biên Hòa mịt mù bụi do xe tải chạy ra từ các mỏ đá

"Từ khi có con đường này, chúng tôi chưa kịp mừng thì phải đối mặt với khói bụi, mất an toàn giao thông do xe ben chở đá chạy qua. Kiểu mẫu đâu chưa thấy, chỉ làm chúng tôi thêm khổ!" - một người dân bán quán tạp hóa bên đường nói.

Theo ông Lê Huy Triển - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ IV.2 (Tổng cục Đường bộ), đơn vị quản lý khu vực - cho biết đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục tình trạng này nhưng một phần kinh phí duy tu hạn hẹp, phần khác hệ lụy do tình trạng xe ben từ mỏ đá của các doanh nghiệp gây ra nên chưa thể khắc phục được triệt để.

Ngày 20-8, trên đường Đinh Quang Ân (xã Phước Tân, TP Biên Hòa) tiếp nối với tuyến tránh Biên Hòa, người dân lại một lần nữa chặn đường ngăn không cho xe qua do chịu không nổi các xe vào ra từ mỏ đá. Cung đường này, những năm qua liên tục xảy ra tai nạn giao thông chết người do xe chở đá tung hoành.

Từ mỏ đá ở các khu vực này có con đường chuyên dụng được thực hiện từ nhiều năm nhưng hiện chưa đưa vào sử dụng. Đường này do doanh nghiệp mà chồng của bà Phan Thị Mỹ Thanh - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - làm quản lý thực hiện. Bà Thanh vừa bị trung ương kỷ luật vì các sai phạm, con đường này cũng trong diện liên quan.

Tranh cãi về đối tượng miễn giảm phí

Trong khi đó, trạm thu phí BOT tuyến tránh TP Biên Hòa lại được đặt trên QL 1 khiến người dân phản ứng vì đặt trạm sai chỗ. Sau đó, Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) cùng chủ đầu tư lên kế hoạch giảm, miễn phí cho 108 phương tiện của các hộ dân chủ yếu ở xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom - vị trí đặt trạm.

Thông tin này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều về việc vì sao chỉ giảm cho một số người dân quanh trạm, căn cứ nào để đưa ra miễn giảm...

"Tôi ở TP Biên Hòa, ngày nào cũng đi làm ở Trảng Bom, phải mua vé qua trạm thu phí, sao không giảm cho tôi? Nhiều người dân đi từ Bình Dương, từ huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Cẩm Mỹ, thị xã Long Khánh, từ Tây Nguyên xuống, từ miền Bắc vào không sử dụng đường tránh cũng phải nộp phí vô lý à?" - anh Nguyễn Văn Thắng (ngụ TP Biên Hòa) thắc mắc.

Một doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở huyện Cẩm Mỹ cũng cho rằng nhà đầu tư bỏ quên đối tượng doanh nghiệp như ông vì họ không đi qua đường tránh nhưng vẫn phải đóng phí. Trong khi đó, giám đốc một đơn vị tại huyện Thống Nhất nhưng có nhà ở TP Biên Hòa hằng ngày vẫn đi làm qua trạm thu phí dù không đi qua đường tránh. "Tôi hằng tháng phải đóng phí cả triệu đồng, phải trích một phần tiền lương, sao không giảm cho tôi. Cách nhà đầu tư chỉ miễn giảm cho các hộ dân quanh trạm liệu có ổn?" - vị giám đốc này nói.

Đại diện Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận cũng thừa nhận cách làm này chưa thật sự căn cơ. "Thật sự cũng khó có tiêu chí để thực hiện miễn giảm một cách thuyết phục. Làm sao xác định cụ thể khoảng cách các hộ dân có phương tiện được miễn giảm cách khu vực trạm bao xa là hợp lý? Ở xã này được miễn giảm còn ở các xã khác cũng tương tự thì sao…?" - đại diện chủ đầu tư giãi bày.

Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết vẫn đang phối hợp với Bộ GT VT để xử lý các vướng mắc. 

Từng định đặt trạm Cai Lậy trên tuyến đường tránh

Liên quan đến trạm thu phí BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) vừa thu phí đã bị tài xế, doanh nghiệp phản ứng, nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết báo cáo thuyết minh cuối cùng (ngày 10-10-2013) do Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình 625 báo cáo tóm tắt từng có phương án lắp trạm thu phí trên đường tránh.

Theo đó, nếu chọn phương án khổ đường tránh là 12 m, dài 12 km và không tăng cường mặt QL 1 thì tổng kinh phí dự án là 1.370 tỉ đồng. Với phương án này, trạm thu phí được đặt trên tuyến đường tránh. Còn phương án làm đường tránh 12 km và có thêm tiểu dự án tăng cường mặt QL 1 thì tổng kinh phí là 1.534 tỉ đồng (riêng kinh phí tăng cường mặt QL 1 là 79,4 tỉ đồng). Nếu chọn phương án này, trạm thu phí sẽ đặt trên QL 1. Ngoài ra, còn phương án khác là khổ đường tránh rộng 16,5 m, dài 12 km. Phương án này có 2 phương án nhỏ: Thứ nhất, trạm thu phí đặt trên đường tránh và không tăng cường mặt QL 1 thì tổng kinh phí là 1.803 tỉ đồng. Thứ hai, nếu thêm tiểu dự án tăng cường mặt đường thì tổng kinh phí là 1.967 tỉ đồng. Theo phương án này thì trạm thu phí sẽ đặt trên QL 1.

TH.AN - L.PHONG

Nhìn lại những phát ngôn về trạm thu phí Cai Lậy

Mời bạn đọc cùng nhìn lại những phát ngôn liên quan đến trạm thu phí Cai Lậy thời gian qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Hoàng (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN