Nạn chuột ở TPHCM: Nhìn lại quá khứ!

Nhiều ngày qua, bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM đã phát hiện trường hợp đầu tiên bị nhiễm virus Hanta - một loại virus ở chuột có khả năng gây suy gan, suy thận cấp. Nhưng ở nước ta, các bệnh nguy hiểm lây từ chuột không phải bây giờ mới có.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM (Trung tâm) đã có văn bản cho Trung tâm Y tế dự phòng các quận huyện lên danh sách những điểm diệt chuột, lượng hóa chất, cách tổ chức...

Kế hoạch diệt chuột toàn thành phố lần này do mới đây ba người dân sinh sống tại quận 3 của TP.HCM sau khi bị chuột cắn đã nhiễm virus Hanta.

Việt Nam từng có dịch bệnh do chuột

Khoa động vật, côn trùng y học, Viện Pasteur TP.HCM đã bắt 25 ngẫu nhiên con chuột quanh khu vực nhà các bệnh nhân kể trên để xét nghiệm. Kết quả có ba con chuột mang trong mình virus Hanta.

Ngoài lây virus Hanta, chuột còn là thủ phạm gây ra gần 40 bệnh cho người. Điển hình: dịch hạch và sốt, viêm màng não, bệnh giun xoắn đường ruột, chân voi, gạo sán gan, tiên mao trùng, dại và bệnh sodoku… Nhiều loại bệnh do chuột lây sang người đến nay vẫn chưa có vắc xin tiêm phòng, thuốc đặt trị. Và dịch hạch từ chuột chính là nỗi lo lớn của con người.

Nạn chuột ở TPHCM: Nhìn lại quá khứ! - 1

Nhân viên hành nghề diệt chuột hướng dẫn cách đặt bẫy chuột

Theo TS. BS Trần Tịnh Hiền, nguyên phó giám đốc bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM: tại Việt Nam, trận dịch hạch lớn nhất xảy ra vào năm 1820 khiến nhiều người chết. Gần hơn trong những năm 1960 và 1970, Việt Nam là một trong những nước có nhiều bệnh nhân nhiễm dịch hạch, với khoảng 10 nghìn ca mỗi năm (chủ yếu ở miền Nam).

Sau ngày đất nước thống nhất dịch hạch vẫn còn xuất hiện tại các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực miền Đông Nam bộ, kể cả TP.HCM. Thời điểm này, mỗi năm bệnh viện Chợ Quán (nay là bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM) tiếp nhận khoảng 200 – 300 trường hợp.

Từ 1996 – 2000, chỉ còn khoảng 140 trường hợp cả nước với bảy tử vong. Những năm gần đây hơn, bệnh dịch hạch hầu như không xuất hiện tại các bệnh viện.

Nỗi lo chưa hết

Tuy dịch hạch trong nhiều năm nay đã không còn xuất hiện, nhưng chuột vẫn còn là thủ phạm gây nhiễm virus Hanta, nhiễm độc do chuột cắn còn gọi là bệnh Sokodu…

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM giải thích: người bị nhiễm virus Hanta do tiếp xúc với chất bài tiết, nước bọt của chuột bị nhiễm bệnh với vùng da bị tổn thương, niêm mạc mắt, mũi, miệng. Hoặc bị chuột cắn. Tuy nhiên không phải chuột nào cũng mang virus Hanta và người nào bị chuột căn cũng nhiễm bệnh. Và đến nay chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus Hanta từ người sang người.

Nạn chuột ở TPHCM: Nhìn lại quá khứ! - 2

Một loại “kẹo” cho chuột

Thường sau khi virus Hanta vào cơ thể một đến hai tuần sẽ có triệu chứng nhức đầu, đau lưng, đau bụng, sốt, lạnh run, nôn ói. Có thể bị mặt ửng đỏ, viêm đỏ kết mạc mắt, phát ban. Sau đó bệnh nhân dễ bị thấp huyết áp, thoát huyết, xuất hiện suy thận cấp. Bệnh nhân tự hồi phục sau vài tuần có khi đến vài tháng.

Thực tế cho đến nay virus Hanta vẫn chưa có thuốc đặc trị. Phương pháp đang áp dụng chủ yếu điều trị hỗ trợ cân bằng thể tích tuần hoàn, cân bằng các chất điện giải, duy trì huyết áp, lọc thận đối với trường hợp suy thận nặng, thở máy hồi sức hô hấp đối với trường hợp tổn thương phổi… Tỷ lệ tử vong người bị nhiễm virus Hanta từ 1 – 15 %.

Ngoài nhiễm virus Hanta, người bị chuột cắn có thể bị nhiễm độc còn gọi là bệnh Sokodu. Bệnh Sokodu thường kéo dài (thời gian ủ bệnh từ 4 ngày đến 4 tuần), không có biểu hiện cấp tính, thi thoảng mới sốt nên nhiều bệnh nhân không đi khám chữa. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời để bệnh kéo dài có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong khoảng 6 – 10%.

Do đó, người dân bị chuột cắn cần đi tiêm phòng uốn ván, theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt. Các biểu hiện sốt cao, đau nhức, nổi mẩn đỏ, vết cắn bị sưng to thì cần đi viện để được chẩn đoán điều trị kịp thời.

Thế giới có khoảng 500 loài chuột, tại Việt Nam có năm loài chuột nhà, chuột cống, chuột đồng, chuột nhắt và chuột lợn gây hại trực tiếp cho con người. Ông Lê Đình Dũng, Phó khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM nói.

Chuột phát triển rất nhanh, chúng nhân đàn theo cấp số nhân. Từ một cặp vợ chồng chuột sau một năm đã cố thể sinh sôi thành 2.000 con. Lây bệnh cho người, nhưng chuột lại thích ứng tốt với con người để ăn những thực phẩm được cất giữ, hoặc bỏ thừa.

Cách đây hai năm, Sở Y tế TP.HCM đã ra quân diệt chuột tại 200 điểm ở thành phố với 2.000 con chuộc bị tiêu diệt. Từ đó đến nay việc diệt chuột chỉ ở mức tự phát ở các quận huyện, hoặc theo phong trào mà chưa được phát động rộng khắp. Kế hoạch diệt chuột của thành phố do virus Hanta vẫn chưa được triển khai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Ngọc ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN