Mưa lũ lịch sử “ngàn năm có một” ở Trung Quốc ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

Sự kiện: Tin ngắn

Trung Quốc đang trải qua đợt mưa lũ lịch sử với trận mưa được đánh giá là “ngàn năm có một”, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Hàng trăm ô tô bị cuốn trôi trong trận mưa lịch sử “ngàn năm có một” ở Trịnh Châu. Ảnh Hoàn Cầu

Hàng trăm ô tô bị cuốn trôi trong trận mưa lịch sử “ngàn năm có một” ở Trịnh Châu. Ảnh Hoàn Cầu

Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho biết, Trịnh Châu - thủ phủ của tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) có lượng mưa trung bình năm là 641mm. Tuy nhiên, chỉ hơn 3 ngày, từ tối 17-20/7, lượng mưa ghi nhận được ở Trịnh Châu đã là 617,1mm. Đến ngày 21/7, tổng lượng mưa ở đây đã vượt mức trung bình của cả năm.

Riêng trong ngày mưa lũ đỉnh điểm 20/7, lượng mưa ở Trịnh Châu trong một giờ lên tới 201,9mm, phá kỷ lục ghi nhận ở thành phố này là 198,5mm vào năm 1975.

Theo SCMP, ước tính 3,34 tỉ m3 nước đã trút xuống Trịnh Châu trong 54 giờ, riêng trong ngày mưa lũ đỉnh điểm 20/7 là 1,5 tỉ m3 nước. Con số này lớn gấp nhiều lần so với trận mưa lũ xảy ra vào ngày 14-15/7 ở Đức khiến hơn 200 người chết (khoảng 193 triệu m3 nước).

Dựa trên dữ liệu tính toán, trận mưa lũ ở Trịnh Châu mà truyền thông địa phương mô tả là “ngàn năm có một”, nghĩa là cực kỳ hiếm có, chưa từng xảy ra ở Trung Quốc. Dữ liệu thống kê ở nước này bắt đầu từ những năm 1950 cũng cho thấy không có trường hợp tương tự.

Thiệt hại do trận mưa lũ “ngàn năm có một” này, ít nhất 63 người đã thiệt mạng; khoảng 7,5 triệu dân chịu ảnh hưởng và hơn 1,5 triệu người phải sơ tán; hàng trăm ô tô và nhà bị cuốn trôi do mưa lũ... Thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu khoảng 65,5 tỷ nhân dân tệ (10 tỷ USD).

Năm 2020, Trung Quốc từng xuất hiện lũ lịch sử, sau đó Việt Nam cũng có mưa lũ khốc liệt, gây thiệt hại lớn ở khu vực miền Trung. Nhiều người đang lo lắng trận lũ lịch sử đang diễn ra ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới Việt Nam, cũng như báo hiệu một năm thiên tai, bão lũ khó lường.

Về vấn đề này, ngày 26/7, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, tỉnh Hà Nam nằm ở miền Trung của Trung Quốc, cách khá xa Việt Nam nên trận mưa lũ lịch sử “ngàn năm có một” tại đây không ảnh hưởng đến Việt Nam.

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia

“Năm 2020, mưa lũ lỷ lục ở Trung Quốc là do Front Meiyu (hệ thống thời tiết gây mưa chính ở Trung Quốc và khu vực Đông Á) duy trì hoạt động kéo dài, cường độ mạnh hơn bình thường. Còn đợt mưa lũ lịch sử năm nay là do một khối không khí biển lấn từ phía Đông vào kết hợp với vùng xoáy thấp, gây mưa lớn trên hệ thống sông Hoàng Hà, thủ phủ Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam của Trung Quốc”, ông Khiêm lý giải.

Đối với việc dự báo mưa lớn, ông Khiêm cho rằng, đây vẫn là một thách thức không chỉ riêng đối với các nhà khí tượng Việt Nam mà cả các nhà khí tượng thế giới.

“Chúng ta mới dự báo tốt về vùng mưa lớn, chưa thể dự báo chính xác lượng mưa tại một vị trí, thời gian cụ thể. Công nghệ dự báo của thế giới hiện nay chưa có khả năng dự báo lượng mưa lên đến vài trăm mm trong vài giờ như vậy”, ông Khiêm nói.

Từ nay đến hết năm 2021, cơ quan khí tượng Việt Nam nhận định, thời tiết vẫn duy trì trạng thái ENSO (pha trung tính) nhưng nghiêng về La Nina (pha lạnh). Dự báo tình hình không khí lạnh năm 2021 có nhiều nét tương đồng năm 2020, cường độ có thể không mạnh bằng. Bắc Bộ năm nay dự báo có mùa Đông khô với nhiều ngày nắng hanh, đêm lạnh.

Về bão, còn khoảng 9-11 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Năm 2021 dự báo bão sẽ tập trung vào tháng 10 và 11, có thể kéo sang tháng 12, nhưng không dồn dập như năm 2020. Bão và mưa lớn ở miền Trung, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ xảy ra nhiều vào tháng 10 và tháng 11, có thể sang cả tháng 12/2021.

Triệu Quang

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mưa lũ lịch sử ở miền Trung là ”trời đổ nước chứ không phải mưa”

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng chúng ta không thể không chuyển đổi mục đích rừng, nhưng việc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN