Mất tất cả vì bị tù oan

Từ một người có gia đình êm ấm, sau khi bị bắt giam oan, ông gần như trắng tay. Ấy vậy mà sau bảy năm kể từ ngày đình chỉ, cơ quan làm oan vẫn chưa xin lỗi, bồi thường.

Ông là Trương Bá Nhàn, người từng bị khởi tố, tạm giam về hai tội giết người và cướp tài sản từ đầu năm 2002. Ông bị giam oan tổng cộng 1.346 ngày. Sau khi được đình chỉ, ông liên tục yêu cầu VKSND TP.HCM bồi thường oan nhưng cơ quan này vẫn im hơi lặng tiếng dù Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) khẳng định trường hợp của ông phải được bồi thường.

Không thể đổi trắng thay đen


Mọi chuyện bắt đầu từ vụ án mạng mà nạn nhân là vợ của người anh họ ông Nhàn, nhà ở Tân Bình (TP.HCM). Ông Nhàn vốn chơi thân với gia đình này và thường xuyên đến nhà mỗi khi rảnh rỗi. Một tuần trước khi án mạng xảy ra, ông đến chơi, gặp lúc chị vợ đang dọn dẹp đồ đạc, ông được kêu phụ giúp cho nhanh. Vì thế, dấu vân tay của ông để lại nhiều nơi. “Trước đó nữa, trong câu chuyện trà dư tửu hậu, tôi có tâm sự với người anh họ rằng mẹ vợ tôi vừa bán đất và gửi cho vợ tôi cất giữ một số tiền, vàng” - ông Nhàn kể.

Hôm xảy ra án mạng (12/12/2001), đứa con của người anh họ đi học về thì phát hiện mẹ mình đang nằm sấp trên nền nhà, đầu và mặt có nhiều vết máu. Nghe tri hô, người dân kéo đến phát hiện nạn nhân đã chết nên trình báo công an. Hiện trường vụ án ngổn ngang, đồ đạc trong nhà bị lục tung, hai cánh cửa tủ đang mở, hộc tủ bị kéo bung ra. Chồng nạn nhân, tức anh họ ông Nhàn, khai bị mất số tiền, vàng gần trùng khớp với số tiền, vàng mà vợ ông Nhàn đang cất giữ. Sau khi giám định dấu vân tay, ông Nhàn bị khởi tố, bắt giam ngay lập tức. Khám xét chỗ ở ông Nhàn, (đương nhiên) cơ quan điều tra thu được số tiền, vàng như chồng nạn nhân khai bị mất.

Mất tất cả vì bị tù oan - 1

Sau khi bị giam oan, ông Trương Bá Nhàn phải một mình lang bạt lên Bình Phước, Đắk Lắk làm thuê kiếm sống. Ảnh: TB

May sao, có một bằng chứng ngoại phạm quá rõ chứng minh sự vô tội của ông Nhàn. Đó là lời khai về tiền, vàng của ông Nhàn trùng khớp lời khai của mẹ vợ và vợ của ông, kể cả lời khai của người mua đất. Đặc biệt, trên miếng vàng mà cơ quan điều tra thu giữ còn lưu cả chữ viết của người mua đất. Số tiền, vàng này sau đó được trả cho mẹ vợ ông Nhàn. Vụ án từ đó đi vào bế tắc.

Tháng 6/2006, ông Nhàn được đình chỉ với lý do “hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.

Tan tác một gia đình

Sinh năm 1962, ông Nhàn lập gia đình khá muộn. Cưới vợ được hai năm, công việc làm ăn đang đà suôn sẻ thì ông bị vướng vào vòng lao lý. Ngày bị bắt, đứa con trai của ông vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Ra tù, ông vui mừng về nhà với vợ con nhưng ở được hai ngày thì ông phải bỏ nhà ra đi. “Ngày cưới, gia đình tôi cho hai vợ chồng 2,5 mẫu đất ở Đồng Phú (Bình Phước) trồng điều. Khi tôi bị bắt, cha tôi phải bán phần đất ấy được 70 triệu đồng để đưa chị tôi đi thăm nuôi tôi. Có lẽ từ chuyện này mà ngày tôi trở về, vợ tôi tỏ ra lạnh nhạt…”.

Không thể hàn gắn được, ông lặng lẽ bỏ lên Bình Phước làm thuê kiếm sống qua ngày. Lâu lâu về thành phố gửi đơn khiếu nại, ông ghé thăm con nhưng lại bị ngăn cản, xua đuổi. “Lần duy nhất tôi được gần gũi nó nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Từ đó đến nay tôi chưa hề được gặp lại con lần nào nữa” - ông Nhàn kể.

Trong một lần đến trại tạm giam Chí Hòa (TP.HCM) hỏi về vụ án, tiền không có, phương tiện cũng không, ông Nhàn bước đi vô định.

Sau đó, may nhờ sự trợ giúp của luật sư, ông Nhàn gửi đơn yêu cầu VKSND TP.HCM phải bồi thường oan cho ông hơn 700 triệu đồng kèm tổ chức công khai xin lỗi. “Nhưng từ đó đến nay đã gần bảy năm mà tôi chẳng nhận được phản hồi nào từ viện. Đã vậy, không ít lần có người còn dọa sẽ phục hồi điều tra và bắt tôi giam lại” - ông Nhàn kể.

Theo ông Nhàn, trong vụ này cơ quan tố tụng đã có ba cái sai. “Một là họ làm oan cho tôi, hai là họ nợ gia đình nạn nhân câu trả lời ai là hung thủ và ba là họ nợ tôi lời xin lỗi và trách nhiệm bồi thường. Ấy vậy nhưng họ cứ dọa tôi thay vì phải có thiện chí khắc phục hậu quả”.

Gần đây nhất, khi Cục Bồi thường Nhà nước có văn bản trả lời (rằng trường hợp ông Nhàn phải được VKSND TP.HCM bồi thường oan), gọi điện thoại báo tin, ông bảo mình đang làm thuê tận Đắk Lắk. “Tôi rất muốn kiện VKSND TP.HCM ra tòa để buộc họ phải bồi thường. Khổ nỗi giờ một thân một mình phải làm thuê kiếm sống, lấy đâu ra thời gian theo kiện. Tôi đã gần như trắng tay sau khi bị bắt giam oan. VKS là cơ quan nhân danh công lý để làm việc, vậy công lý ở đâu trong vụ việc này?!” - ông Nhàn nói.

Trong văn bản trả lời ông Trương Bá Nhàn, Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết trường hợp của ông thuộc trường hợp được bồi thường oan. Theo Cục, về thời hiệu, ông Nhàn bị khởi tố ngày 1/1/2002, ngày 8/6/2006 có quyết định đình chỉ và ngày 1/9/2009 ông có đơn yêu cầu bồi thường oan, tức là trường hợp này được bồi thường theo Điều 1 Nghị quyết 388. Cục hướng dẫn ông Nhàn cần cung cấp các chứng cứ thể hiện ông đã thực hiện các quy định về thời hiệu như trình bày ở trên. Cụ thể ông phải chứng minh được trong khoảng thời gian từ ngày 8/6/2006 đến 8/6/2008 ông đã có đơn yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường oan nhưng chưa được giải quyết.

Vẫn theo Cục, VKSND TP.HCM là cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường cho ông Nhàn. Do vậy ông cần gửi đơn và các giấy tờ liên quan như trên đến cơ quan này để được giải quyết. Riêng Cục cũng đã có công văn gửi VKSND Tối cao để kiểm tra, xem xét nhằm chỉ đạo giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiểu Nhiên (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN