Ly kỳ: Bà lão sống sót sau 10 ngày rơi giếng cạn, sâu 20m
Trong lúc cúi đầu xuống ngó nghiêng xem bên trong giếng có gì không, bà H’Văn chẳng may ngã xuống giếng. 10 ngày sau, bà cụ gần 60 tuổi mới được cứu sống.
Vào cuối buổi chiều, như thường lệ thì bà H’Văn sẽ trở về nhà sau một ngày lao động vất vả trên rẫy. Nhưng hôm ấy, không biết bà H’Văn suy nghĩ chuyện gì mà bất ngờ đổi hướng đi về phía chiếc giếng cạn ở giữa rẫy cà phê của em gái. Trong lúc cúi đầu xuống ngó nghiêng xem bên trong giếng có gì không, bà H’Văn chẳng may ngã xuống giếng. 10 ngày sau, bà cụ gần 60 tuổi mới được cứu sống. Nhưng điều dư luận quan tâm hơn, chính là làm sao, bà lão sống sót được qua 10 ngày không thức ăn, dưới không gian ẩm ướt, giá lạnh.
Ám ảnh kinh hoàng
Giếng cạn nơi bà H’Văn mắc kẹt
Mấy ngày hôm nay, dư luận xôn xao bàn tán thông tin bà H’Văn (60 tuổi, ngụ buôn Krưm, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) được tìm thấy sau 10 rơi xuống đáy giếng cạn trong rẫy cà phê. Rất nhiều người hoài nghi không tin vào câu chuyện hy hữu mình vừa nghe. Một số người thậm chí không tiếc công sức, vượt hàng chục km đường đến tận phòng bệnh, nơi bà H’Văn nằm tĩnh dưỡng kiểm chứng. Đến khi tận mắt chứng kiến H’Văn bằng xương bằng thịt đang khỏe mạnh, tận tai nghe bà kể chuyện, ai nấy chỉ biết ồ lên kinh ngạc.
Tối ngày 22/6, lẫn trong dòng người hiếu kỳ, chúng tôi tìm đến thăm bà H’Văn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Thời điểm chúng tôi đến, trời đã muộn nên người thân của bà H’Văn đã về hết. Phòng bệnh lúc ấy chỉ còn lại mình bà H’Loan (em gái bà H’Văn – PV) ở lại để chăm sóc cho chị gái ban đêm. Bà H’Loan giải thích: “Sức khỏe của chị ấy mấy hôm nay cũng khá hơn rồi, nên chỉ cần mình tôi ở lại là đây trông. Tôi nói mấy đứa con tôi với cả mấy đứa cháu tranh thủ về sớm nghỉ ngơi, mai còn đi rẫy sớm nữa”.
Vừa nghe H’Loan, chúng tôi chợt nhìn sang phía giường bệnh thì thấy bà H’Văn trở mình tỉnh dậy vì nghe tiếng em gái kể chuyện. Thấy chị gái thức giấc, bà H’Loan ân cần hỏi chuyện. Thấy chị gái lắc đầu ra vẻ không cần gì, bà H’Loan mới quay lại tiếp tục câu chuyện đang dang dở với chúng tôi. Khi được hỏi về chuyện chị gái sống sót trở về sau gần chục ngày rơi xuống giếng cạn sâu gần 20m, bà H’Loan thật thà: “Tối ngày 6/6, sau khi dùng cơm tối xong tôi có sang nhà chị H’Văn nói chị ấy ngày mai chạy qua rẫy cà phê của gia đình tôi đi làm cỏ cho xong. Do còn ít nên tôi để cho chị ấy làm một mình, còn vợ chồng tôi sang đám rẫy khác của gia đình ở xa nhà hơn để làm cỏ. Do rẫy xa nên vợ sau khi chuẩn bị xong cơm trưa vợ chồng tôi đi trước, để chị ấy ở nhà cơm sáng rồi lên rẫy sau cũng chưa muộn. Trước khi đi, tôi có dặn dò kỹ chị ấy nhớ mang theo cơm trưa, trong lúc làm cỏ phải cẩn thận kẻo bị rắn cắn hay rơi xuống giếng rồi mới đi”.
Đến buổi chiều cùng ngày, sau khi làm xong đám cỏ trên rẫy cà phê của em gái bà H’Văn thu dọn đồ đạc để về nhà. Trên đường đi ra khỏi rẫy cà phê, bà H’Văn đi ngang qua một chiếc giếng cạn được đào cách đó mấy năm được dùng để lấy nước tưới cho rẫy cà phê. Thấy miệng chiếc giếng có nhiều rậm rạp cỏ nên bà H’Văn tò mò dừng lại xem giếng còn nước hay cạn. Trong lúc ngó nghiêng xem đáy giếng con nước hay không, do trụ không vững nên bà H’Văn bất ngờ mất thăng bằng ngã xuống đáy giếng. Nhớ lại khoảng khắc kinh hoàng đó, bà H’Văn run run kể lại: “Tôi đang cúi đầu xuống xem dưới đáy giếng còn nước hay không thì bất ngờ đám đất dưới chân bị trượt cả mảng lớn, kéo theo cả tôi lẫn cây cỏ xuống giếng. Lập tức, tôi bị rơi thẳng xuống phía dưới. Lúc ấy do quá bất ngờ, tôi chẳng kịp nghĩ ngợi gì, cứ giơ tay ra bám đại vào bất cứ thứ gì ở hai bên thành giếng theo phản xạ tự nhiên”. Những rễ cây hay cây dây leo trong đáy giếng không trụ được lâu do sức nặng cơ thể khiến bà H’Văn tụt dần xuống đáy giếng.
10 ngày vật lộn nơi đáy giếng
Lúc rơi xuống đáy giếng, bà H’Văn cứ nghĩ cuộc đời mình thế hết, vì chẳng mấy người ngã xuống giếng mà còn sống được. Hiếm hoi lắm mới có người thoát chết nhờ được. Ban đầu vì sợ hãi và chấn động, bà H’Văn ngất xỉu. Mãi đến tối cùng ngày, bà mới bị đánh thức bởi cái lạnh buốt đến tận tủy do đôi chân bị ngâm lâu dưới nước ở đáy giếng. Đến khi thấy mình còn sống, bà H’Văn mới tạm hoàn hồn. “Cái lạnh của nước giếng làm tôi tỉnh hẳn người. Tôi vội sờ soạng kiểm tra chân tay của mình xem có bị sao không. May mà chân tay không bị gãy, trên người chỉ có mấy vết trầy xước ngoài da thôi. Từ dưới đó ngước lên tôi chỉ thấy miệng giếng nhỏ xíu như cái vung nồi vậy, sợ lắm!”, bà H’Văn kể lại.
Thế nhưng lúc này, bà phải đối mặt với một nỗi sợ hãi khác mang tên “thần chết”. Trời thì tối dần, “cái vung nồi” ánh sáng trên cao tít kia cứ mờ dần, mờ dần rồi mất hẳn. Bà lại sợ bóng tối, nhất là ở một nơi bòm bõm nước, không có ánh sáng, chung quanh chật chội và ngột ngạt đến ghê người như thế. Không những thế, bà còn sợ rắn rết, sợ côn trùng dưới đáy giếng này tấn công mình. Rất may cho bà lúc ấy chẳng có con rắn, chẳng có con rết hay chuột bọ gì. Mà nếu có thì cũng chẳng còn cách nào khác cho bà là “chung sống” với chúng trong thời điểm ấy.
Ngồi một lúc khá lâu, sau khi đã bình tâm trở lại, bà H’Văn tìm cách thoát ra khỏi đáy giếng. Nhưng lúc ấy, trên người bà không có điện thoại hay bất kỳ dụng cụ nào để đu bám lên phía trên. Trong đầu lúc ấy, bà tính hét lên, biết đâu có ai ở trên nghe được sẽ đến cứu. Thế nhưng giữa khu vực rẫy ít người qua lại này, chẳng ai nghe thấy tiếng gọi của bà. Bà gọi mãi, gọi đến khản cổ mà cũng chẳng thấy ai đáp lời. Nỗi sợ hãi bắt đầu xâm chiếm, không khí cũng bắt đầu ngột ngạt hơn bởi độ sâu của giếng. Trong nỗi sợ hãi bắt đầu lớn dần, bà dò dẫm tìm cách trèo lên. Bà lần sờ trong bóng tối những bậc thang bước chân của thợ đào giếng để lại, rồi gắng sức leo lên từng bậc, thật cẩn trọng. Thế nhưng do sức yếu nên chỉ được vài bước thì bà chẳng còn sức mà leo lên nữa, nên đành tụt lại xuống dưới đáy giếng nghỉ lấy sức và tiếp tục kêu cứu.
Trời thì tối, lạnh, lại lất phất mưa nên nỗi hoảng sợ càng lớn hơn. Nỗi sợ hãi khiến bà quên cả cơn đói đang cồn cào trong bụng. Nhưng càng gào, bà lại thấy càng bất lực vì chẳng ai nghe được. Ngồi ngâm mình dưới đáy giếng, mưa bắt đầu lớn hơn, bà thấy nước dâng lên chầm chậm nên nỗi sợ hãi càng ngày càng lớn hơn. Bà bắt đầu cảm giác như cái chết đã đến rất gần, rằng chẳng bao giờ mình còn được nhìn thấy mặt trời nữa. Trong cơn tuyệt vọng, bà cố gắng gào thét tên tất cả tên những người quen mà mình nhớ bằng tất cả sức lực. Chỉ đến khi cổ họng đau rát, chân tay bải hoải không còn cử động được nữa, bà H’Văn mới chịu ngồi bệt xuống, mặc cho nước giếng ngập qua đầu gối, ướt nhẹp quần áo. Để duy trì sự sống, bà H’Văn với tay, vốc chút nước giếng uống cầm hơi. “Cái cảm giác một mình ở nơi đáy giếng tối tăm ban đêm, ngột ngạt và đầy sợ hãi như thế thật kinh hoàng. Nó vẫn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Tôi không nghĩ mình có thể được cứu”, bà H’Văn rùng mình nhớ lại.
Kể thêm về 10 ngày sinh tồn nơi đáy giếng, bà H’Văn nói: “Dưới giếng cạn nước vẫn còn sâm sấp quá đầu gối. Có lẽ nhờ lực nước cản lại, tôi mới không mất mạng hay gãy chân, tay. Những ngày ở đây, chẳng biết giờ giấc thế nào, bụng lúc nào cũng đói cồn cào. Tôi gắng uống nước cầm hơi, cạo rêu bám ở thành giếng ăn cho qua cơn đói. Nhưng sau vài ngày, rêu xung quanh thành giếng cũng hết sạch, tôi chỉ còn uống nước. Nhiều tiếng trước khi được cứu, tôi hầu như đã hôn mê vì đói lả, chẳng còn sức gào thét nữa. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu sao mình sống được hàng chục ngày chỉ với nước lã và rêu xanh”.
Hành trình tìm kiếm lắm bi hài
Bà H’Văn đang được các bác sỹ kiểm tra sức khỏe
Trong lúc đó, do trên địa bàn thị xã Buôn Hồ có mưa vào buổi chiều ngày 7/6, vợ chồng bà H’Loan nghỉ làm về nhà sớm hơn so với mọi ngày. Về đến nhà, bà H’Loan có chạy sang nhà xem chị gái về chưa thì không thấy người đâu. Ban đầu, bà H’Loan cứ nghĩ chị gái mình đang trú mưa ở đâu đó ngoài rẫy nên chưa về nhà. Thế nhưng mãi đến chiều tối, thấy bà H’Văn vẫn chưa về nhà, mọi người trong gia đình, nhất là bà H’Loan, bắt đầu lo lắng. “Chị gái tôi vốn không được nhanh nhẹn như người khác. Thi thoảng, chị ấy còn hay quên nữa nên thường hay đi lạc. Hôm đó, mãi tối khuya thấy chị gái vẫn chưa về nên tôi hết sức lo lắng, trong lòng như có lửa đốt”, bà H’Loan kể lại.
Bà H’Loan với nói với chồng và các con chia nhau ra đi tìm chị gái. Trong lúc vợ chồng người em gái đưa nhau lên rẫy thì các con của bà H’Loan đến những nơi bà H’Văn thường hay lui đến. Thế nhưng, dù đã tìm hết ngõ ngách trong buôn, bà H’Loan và mọi người trong gia đình vẫn không thể nào tìm được chị gái.
Trong quá trình tìm kiếm chị gái, ngoài việc huy động người thân tỏa đi tìm kiếm khắp các địa điểm, gia đình bà H’Loan còn nhờ đến sự giúp sức của hệ thống loa truyền thanh xã, rồi Thị xã Buôn Hồ. Suốt nhiều ngày sau đó, toàn bộ người thân trong dòng tộc gia đình bà H’Loan dừng mọi công việc đồng loạt tổ chức tìm kiếm bằng được người mất tích. Song song với đó, thông tin về việc bà H’Văn cũng được thông báo rộng rãi trên hệ thống loa phát thanh thị xã Buôn Hồ trong các chương trình phát thanh trong ngày. Thế nhưng một ngày, hai ngày rồi ba ngày, bà H’Văn vẫn không có bất cứ thông tin gì về tung tích của bà H’Văn. Cả gia đình như ngồi trên đống lửa.
Sau gần một tuần tìm kiếm nhưng vẫn không thấy bất cứ manh mối gì, bà H’Loan lo sợ chị gái gặp chuyện dữ. “Gia đình tôi đã thử tất cả mọi cách, từ dán thông báo tìm người thân đi lạc, dán ảnh của chị ấy ở khắp nơi đến nhờ truyền thanh xã, rồi truyền thanh thị xã thông báo tìm kiếm nhưng gần một tuần chẳng thấy tin tức gì của chị ấy. Đến lúc này, mọi nỗ lực đều trở nên vô vọng. Tất cả các thành viên trong gia đình đều nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy đến. Nhưng lúc đó, trong lòng tôi vẫn bám víu chút hi vọng chị ấy đang sống ở đâu đó, chứ nếu chết thì phải thấy xác”.
Song song với việc trình báo thông tin sự việc lên chính quyền địa phương, gia đình bà H’Loan cũng nhiều lần “nhờ” đến sự giúp đỡ của các thầy mo trong vùng để tìm bằng được bà H’Văn. “Cứ nghe ai mách trong vùng có thầy mo nào cao tay, gia đình tôi lại tìm đến cậy nhờ giúp đỡ. Thầy nào cũng bảo chị tôi chết rồi, rồi chỉ chỗ cho gia đình chúng tôi đến tìm xác mang về. Dù hết sức đau buồn, gia đình tôi cũng nén đau thương tìm đến địa điểm đó với hi vọng tìm được xác chị tôi về để tổ chức mai táng. Lần nào cũng vậy, dù tìm kiếm rất kỹ tại các địa điểm các thầy mo chỉ dẫn, gia đình vẫn không phát hiện được, dù chỉ là một chiếc dép của chị tôi”, bà H’Loan. Sau nhiều lần như vậy, gia đình bà H’Loan mới nhận ra, các thầy mo chỉ “phán bậy” chứ thực chất không hề biết tung tích bà H’Văn.
Sống sót kỳ diệu
Sự sống sót của người đàn bà bất hạnh khiến nhiều người ngả mũ khâm phục
Giữa lúc mọi hi vọng tắt lịm thì ngày 16/6, sau 10 ngày bà H’Văn gia đình bà H’Loan nhận được tin báo từ hàng xóm thông báo phát hiện có người mắc kẹt dưới giếng cạn trong rẫy cà phê của gia đình nhà mình. “Lúc nghe hàng xóm thông báo có người mắc kẹt trong rẫy cà phê của gia đình mình, trong lòng tôi nghĩ chắc chắn là chị H’Văn. Nhưng lúc ấy, thú thật là tôi vẫn thấp thỏm. Chị H’Văn mất tích đã 10 ngày. Nếu rơi xuống giếng thì làm sao sống sót được”, bà H’Loan tường thuật. Dù thế, vợ chồng bà H’Loan cùng mọi người trong gia đình vội vã lên rẫy xem sự việc ra sao.
Vừa lên đến rẫy, bà H’Loan bất chấp nguy hiểm tiến lại gần miệng giếng cạn để xem người đang mắc kẹt dưới giếng có phải là chị gái mình hay không. Vừa pha chiếc đèn pin xuống đáy giếng, người em gái vừa cất tiếng gọi. Phải gần 5 phút sau, bà H’Loan mới nghe tiếng trả lời từ đáy giếng dội ngược lên. “Lúc đó, sau khi cất tiếng hỏi nhưng không nghe thấy tiếng trả lời, tôi cứ sợ mắc kẹt dưới đáy giếng không phải người. Còn nếu là người mắc kẹt dưới đáy giếng thì không biết họ có mệnh hệ gì mà sao không thấy tiếng trả lời. 5 phút sau, tôi mới nghe thấy tiếng nói phát ra từ đáy giếng. Tiếng còn, tiếng mất. Lúc này, tôi nhận ra đó là tiếng nói của chị gái mình”, bà H’Loan mừng rỡ kể lại khoảnh khắc tìm được chị gái mắc kẹt dưới đáy giếng.
Hàng chục người sau đó được huy động tới để tổ chức ứng cứu, đưa bà H’Văn từ đáy giếng cạn lên mặt đất. Thấy sức khỏe của bà H’Văn quá yếu, mọi người quyết định làm ròng rọc. Sau đó, đội ứng cứu nhất trí phương án đưa người xuống dưới đáy giếng, thả giỏ cho bà H’Văn ngồi vào rồi kéo lên. Sau gần hai tiếng chuẩn bị, lần lượt hai người đàn ông cùng một chiếc giỏ cỡ lớn lần lượt được thả xuống đáy giếng.
Hơn 15 phút sau khi hai người đàn ông tiếp nước an toàn, bà H’Văn được đưa lên khỏi đáy giếng trong sự vỡ òa sung sướng của mọi người trong gia đình. “Lúc chị ấy được đưa lên khỏi mặt đất, do nhịn ăn lâu ngày nên sức khỏe rất yếu, chỉ còn thở thoi thóp. Toàn thân chỉ còn da bọc xương. Nếu chậm một hai hôm nữa, chắc tôi chẳng còn được gặp chị gái”, bà H’Loan bồi hồi kể lại cảm xúc của mình lúc gặp lại chị gái.
Cũng theo bà H’Loan: “Chị gái tôi vốn chịu nhiều thiệt thòi so với anh chị em trong gia đình. Bản thân chị ấy không được nhanh nhẹn, minh mẫn như những người bình thường khác, lại không có gia đình riêng. Bình thường, sinh hoạt của chị phụ thuộc vào đồng tiền làm công ít ỏi và sự chu cấp của các em. Chuyện chị không may rơi xuống giếng và sống sót kỳ diệu, tôi nghĩ là sự bù đắp của ông trời. Từ bây giờ, tôi cũng không dám để chị ấy đi một mình nữa. Chỉ sợ nếu lỡ xảy ra chuyện không may thì tôi sẽ là người hối hận nhất”.
Chiều 23/6, trao đổi với người viết, bác sĩ Y Bliu Arul, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk cho biết: “Chiều ngày 17/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận cấp cứu trường hợp bà H’Văn (60 tuổi), trong tình trạng đa chân thương, gãy khung sường bên trái và sức khỏe bị suy kiệt, hôn mê sâu. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sỹ đã tiến hành các biện pháp cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhân. Hai ngày đầu, bà H’Văn không thể ăn uống, phải truyền đạm, nước liên tục. Đến ngày thứ 3, bệnh nhân bắt đầu uống sữa, ăn cháo loãng, đến nay thì có thể ăn được bánh mỳ, cơm. Sức khỏe của bà H’Văn đã tạm ổn, chụp CT không thấy bị tổn thương tại vùng đầu. Hiện bà H’Văn đang được tiếp tục điều trị tại Khoa Nội và sức khỏe đã tạm ổn định” Cũng theo bác sỹ Y Bliu Arul thì đây là lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân bị té xuống đáy giếng phải nhịn ăn đến chín ngày. Do phải nhịn ăn lâu ngày dẫn đến sức khỏe suy kiệt nên đầu óc bà H’Văn không được tỉnh táo minh mẫn. |