Luật sư nói gì về vụ "Lục Vân Tiên" cứu nữ nhân viên hàng không?

Luật sư cho rằng, việc dùng một hành vi vi phạm pháp luật để “chế ngự” một hành vi vi phạm pháp luật khác cũng là vi phạm. Vì vậy, người được gọi là “Lục Vân Tiên” đánh đối tượng hành hung nữ nhân viên sân bay có thể bị xử phạt.

Luật sư nói gì về vụ "Lục Vân Tiên" cứu nữ nhân viên hàng không? - 1

Trong lúc xảy ra xô xát, một người đàn ông thấy bất bình đã lao vào bênh vực, đạp ngã vị khách hành hung nữ nhân viên sân bay. (Ảnh cắt từ clip)

Cứu người là trách nhiệm của mọi công dân

Liên quan đến vụ xô xát giữ 2 vị khách Trần Dương Tùng và Đào Vịnh Thuấn với chị Nguyễn Lê Quỳnh Anh (Đội phó Đội Dịch vụ hàng không chuyến bay) tại sân bay Nội Bài, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc cho biết, đang xác minh người đàn ông đứng ra bênh vực chị Quỳnh Anh khi thấy chị này bị hành khách (sau này xác định là ông Tùng) tấn công để xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Hình ảnh clip cho thấy, khi thấy ông Tùng đánh chị Quỳnh Anh, một người đàn ông đã lao vào tấn công, đẩy ngã ông Tùng. Sau đó, người đàn ông tiếp tục xảy ra tranh cãi với ông Thuấn và ông Tùng buộc lực lượng an ninh phải can thiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên xử lý người tấn công đối tượng hành hung nữ nhân viên sân bay, thậm chí còn gọi người này là “soái ca” hay “Lục Vân Tiên” vì đã kịp thời giải cứu nữ nhân viên sân bay khỏi việc tiếp tục bị hành khách đánh.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) cho rằng: Khi thấy bất kỳ đối tượng nào có hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người khác một cách trái pháp luật thì mọi công dân đều có trách nhiệm ngăn chặn hành vi đó.

Hành động tấn công, đẩy ngã đối tượng đang hành hung nữ nhân viên sân bay của người đàn ông là nhằm mục đích can ngăn, ngăn chặn đối tượng đang có hành vi phạm tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

Vì vậy, luật sư Thơm cho rằng, người đàn ông đánh đối tượng đang hành hung chị Quỳnh Anh không có dấu hiệu vi phạm gây rối trật tự công cộng và cũng không có căn cứ để xử lý hành chính.

“Soái ca” có thể được giảm mức phạt

Tuy nhiên, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Minh Bạch) lại cho rằng, nếu nhìn góc độ xã hội và tình cảm, hành động của người đàn ông được gọi là “soái ca” có thể coi là hành động nghĩa hiệp vì giúp nữ nhân viên sân bay không bị đánh nữa. Nhưng ở góc độ pháp luật, “soái ca” giải cứu nữ nhân viên sân bay có biểu hiện vi phạm quy định về trật tự nơi công cộng.

Theo luật sư Tuấn Anh, hình ảnh clip cho thấy, đối tượng đánh nữ nhân viên sân bay đã có hành vi xâm phạm đến sức khỏe, thân thể của người khác, vi phạm quy định về trật tự công cộng. Trong trường hợp nữ nhân viên sân bay bị thương tích nặng, đối tượng có thể bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, hành vi lao vào đánh đối tượng hành hung nữ nhân viên sân bay của người đàn ông gọi là “soái ca” cũng có biểu hiện vi vi phạm quy định về trật tự công cộng.

“Dùng một hành vi vi phạm pháp luật để “chế ngự” một hành vi vi phạm pháp luật khác cũng là vi phạm, trừ khi nó được thực hiện trong “tình thế cấp thiết” hoặc trường hợp phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, hành vi của người thanh niên nghĩa hiệp không thuộc các trường hợp nêu trên”, luật sư Tuấn Anh nêu ý kiến.

Luật sư Tuấn Anh cho rằng, thay vì lao vào đánh đối tượng đang hành hung nữ nhân viên sân bay, người đàn ông có thể lựa chọn biện pháp khác như vào để can ngăn, ôm đối tượng đang đánh nữ nhân viên hàng không lại, qua đó giúp cô gái thoát khỏi sự nguy hiểm….

Theo luật sư Tuấn Anh, trong trường hợp người đàn ông được gọi là “soái ca” giải cứu nữ nhân viên sân bay bị xử lý hành chính vì vi phạm quy định về trật tự công cộng, cơ quan chức năng có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ “vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra” để giảm nhẹ mức phạt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đỗ Tuấn ([Tên nguồn])
Hành khách đánh nữ nhân viên hàng không Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN