Loạn mở đường, xây nhà trái phép ăn theo cao tốc

Tại 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) tình trạng tự mở đường, phân lô, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp diễn ra công khai...

Lập biên bản, vi phạm vẫn ngang nhiên

Thời gian qua, giá bất động sản khu vực 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai nóng lên từng ngày. Kéo theo đó là tình trạng tự mở đường, phân lô, xây nhà trên đất nông nghiệp ăn theo các dự án giao thông khiến chính quyền đau đầu.

Trên những tuyến đường nhỏ dọc theo cao tốc Long Thành - Dầu Giây (thuộc địa bàn xã Long An, huyện Long Thành) là những rừng keo, rừng cao su phủ kín.

Căn nhà ông Quân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại ấp Bưng Môn, xã Long An, huyện Long Thành

Căn nhà ông Quân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại ấp Bưng Môn, xã Long An, huyện Long Thành

Thế nhưng, len lỏi ở bên trong những cánh rừng đó là những căn nhà cấp bốn được xây dựng kiên cố.

Tại một con đường nhỏ ngay hầm chui ở ấp Bưng Môn dưới đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, người dân chia sẻ câu chuyện xây “lụi” nhà trên đất của người khác cũng diễn ra như… đùa.

Chỉ tay vào thửa đất số 194, tờ bản đồ số 37, có diện tích hơn 1.300m2 ở xã Long An, ông Thái Xuân Thống - một cư dân ở đây nói: “Khu đất này chỉ cách khu sân bay Long Thành tầm 800m. Đất này trước đây tôi đứng tên trên giấy tờ rồi bán lại cho bà Phạm Khánh Tâm. Tuy nhiên, hiện nay trên đất bà Tâm lại xuất hiện căn nhà do ông Dương Văn Quân xây dựng”.

Bà Phạm Khánh Tâm, chủ khu đất trên cho hay tháng 12/2021 khi đi kiểm tra đất, bà phát hiện có căn nhà trên đất của mình như từ… trên trời rơi xuống nên đã làm đơn tố cáo gửi Công an huyện Long Thành về việc ông Quân ngang nhiên chiếm đất của mình.

UBND xã Long An cho biết, đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Quân vì đã sử dụng đất sai mục đích, phạt ông Quân 4 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước vi phạm. Tuy nhiên, cho đến nay, căn nhà trên vẫn đang tồn tại.

Đó không phải là trường hợp cá biệt. Ở khu vực này, tình trạng tranh chấp (hoặc có trường hợp không có tranh chấp) diễn ra khá nhiều và việc những người liên quan tự ý mở đường, xây nhà trái phép (cả trên đất người khác) là một vấn nạn rất phức tạp.

Tại xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), bên các con hẻm đường đất dọc đường Trường Chinh (ấp 5) đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những tấm bảng màu đỏ, chữ vàng còn mới toanh: “Khu vực cấm các hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tự ý mở đường giao thông, phân lô, bán nền, xây dựng trên đất nông nghiệp”.

Tuy biển cấm sừng sững vậy nhưng khu vực xung quanh bảng cấm, cả chục nhà xưởng có diện tích vài trăm mét vuông và nhiều nhà dân được xây dựng bằng gạch ngang nhiên mọc lên. Nhiều tuyến đường đã rải đá dăm, một số căn nhà đang được xây dựng mới.

Theo tài liệu của PV, việc xây dựng không phép tại khu đất này đã được chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn tồn tại.

PV đã phản ánh vụ việc vi phạm này đến UBND xã Long Thọ. Tuy nhiên, hơn 2 tuần trôi qua, lãnh đạo xã vẫn chưa có phản hồi.

Bôi xóa bảng cấm để làm bừa

Chính quyền dựng bảng cảnh báo nhiều nơi nhưng người dân bôi đen cả bảng cảnh báo

Chính quyền dựng bảng cảnh báo nhiều nơi nhưng người dân bôi đen cả bảng cảnh báo

Ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), nơi có tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua và dự án cảng biển Phước An đang triển khai xây dựng, tình trạng mở đường giao thông, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp diễn ra khá nhức nhối, bất chấp lệnh cấm của chính quyền địa phương.

Đơn cử tại thửa đất số 419, tờ bản đồ 18; thửa đất số 54, tờ bản đồ 89; thửa đất số 495, tờ bản đồ số 96… đều có tình trạng nói trên.

Từ đường Hùng Vương, men theo hẻm 1285 đến khu vực tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành hay men theo các nhánh đường đất đến khu vực đang xây dựng cảng Phước An, nhiều căn nhà cấp 4 được người dân xây dựng chưa kịp trát bên ngoài.

Dọc theo các con đường đất là các tấm bảng thông báo: “Khu vực đất quy hoạch, đất phát triển dự án, nghiêm cấm các hành vi san lấp mặt bằng, tự ý mở đường, phân lô, bán nền trái phép, xây dựng các công trình nhà ở không phép, trái phép trên đất nông nghiệp”.

Các tấm bảng này còn ghi rõ: “Mọi hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị xử lý nghiêm”. Đặc biệt, chính quyền địa phương còn lưu ý: “Bảng do cơ quan Nhà nước lắp đặt, mọi hành vi phá hoại sẽ bị xử lý theo quy định”. Tuy nhiên, một số bảng này đã bị người dân dùng sơn đen bôi xóa hết các dòng chữ.

Cũng tại xã Phước An, chúng tôi còn chứng kiến tình trạng người dân xây dựng nhà, quán cà phê ngay dưới chân cột điện cao thế.

Ông Võ Hồng Tư, Phó chủ tịch UBND xã Phước An xác nhận, có tình trạng nhiều hộ dân đã tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp và đất thuộc diện quy hoạch cảng Phước An. Xã đã lập biên bản vi phạm hành chính và tham mưu để UBND huyện ra quyết định xử phạt các trường hợp trên.

“Có khi họ xây dựng cả ban đêm. Đi kiểm tra thì họ dừng, nhưng rút về thì họ lại xây. Lực lượng chức năng của xã ít, địa bàn rộng nên phát hiện không xuể”, ông Tư phân trần.

Chúng tôi liên hệ với đại diện Công ty BĐS Th.V. tại xã Phước An (công ty có liên quan đến các thửa đất nông nghiệp trên), người này thừa nhận: “Tôi có bán đất nông nghiệp cho dân, do diện tích lớn nên nhiều người cùng hùn tiền lại mua rồi họ xây nhà. Tôi chỉ bán đất chứ không liên quan gì đến xây nhà”.

Phân lô, bán nền trái phép bị phạt tới 1 tỷ đồng

Trước việc người dân tràn lan mở đường, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, luật sư Trương Hồng Điền, Trưởng Văn phòng luật sư Xuân Phú (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhân định, hiện nay, người dân được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp mà mình là chủ sử dụng (theo Luật Đất đai). Tuy nhiên, việc tách thửa trên phải đáp ứng được các điều kiện tách thửa đất được UBND cấp tỉnh nơi có đất đề ra. Thông thường, diện tích đất nông nghiệp tối thiểu để được phép tách thửa là 500m2.

“Người dân tách thửa đất nông nghiệp để chuyển nhượng đất như đất thổ cư là không được vì trái mục đích sử dụng đất. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp nếu không trực tiếp sản xuất nông nghiệp”, luật sư Điền nói.

Theo Luật Đất đai, người dân không được xây nhà trên đất nông nghiệp. Muốn xây nhà cần phải chuyển mục đích sử dụng đất và phải được cấp phép xây dựng. Nếu người dân xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp có thể bị xử phạt tiền với mức phạt tối đa 250 triệu đồng. Ngoài ra, buộc phải tháo dỡ nhà, hoàn trả lại tình trạng ban đầu cho đất.

Cũng theo luật sư Điền, các cá nhân, tổ chức sử dụng đất nông nghiệp tự lập dự án, phân lô, bán nền khi chưa được cấp phép dự án là trái quy định pháp luật. Việc phân lô, bán nền khi chưa đủ điều kiện để mở bán tùy vào diện tích đất đã chuyển nhượng có thể bị xử phạt lên tới 1 tỷ đồng.

Về phía những người tách thửa đất nông nghiệp, nếu cố tình che giấu nguồn gốc đất, rồi quảng cáo đất nền để bán nhằm mục đích lừa dối chiếm đoạt tài sản, thu lợi bất chính là có dấu hiệu của việc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có thể bị xử lý hình sự.

Nguồn: [Link nguồn]

Thường vụ Quốc hội xem xét việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất liên quan cao tốc Bắc - Nam

Dự kiến sáng mai (11-7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa liên quan cao tốc Bắc Nam…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Phương ([Tên nguồn])
Dự án cao tốc Bắc - Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN