Loài ruồi nhỏ nhất TG sống trong đầu kiến

Loài ruồi nhỏ nhất thế giới vừa được phát hiện ở Thái Lan với chiều dài cơ thể chỉ 0,4mm – nhỏ hơn 15 lần so với ruồi nhà và 5 lần so với ruồi giấm.

Loài ruồi nhỏ nhất thế giới được đặt tên là Euryplatea nanaknihali, thuộc họ ruồi Phoridae chuyên sống ký sinh trong đầu kiến. Đây cũng là loài ruồi đầu tiên thuộc họ Phoridae được phát hiện ở châu Á. Các loài ruồi thuộc họ này chủ yếu sống ở châu Á.

Một số loài ruồi thuộc họ Phoridae đẻ trứng vào trong cơ thể của kiến. Sau đó trứng phát triển thành ấu trùng và di chuyển lên phần đầu của kiến. Chúng sẽ ăn hết các bộ phận của đầu kiến, trước khi khiến đầu kiến bị cắt khỏi cơ thể.

Mặc dù không quan sát được quá trình đẻ trứng của loài ruồi Euryplatea nanaknihali, nhưng tiến sĩ Brian Brown, thuộc Bảo tàng lịch sử quốc gia Mỹ ở Los Angeles và là người đứng đầu nghiên cứu cho biết, loài ruồi này cũng có quy trình đẻ trứng trên cơ thể kiến giống như các loài ruồi ký sinh thuộc họ Phoridae.

Loài ruồi nhỏ nhất TG sống trong đầu kiến - 1

Loài ruồi Euryplatea nanaknihali

Nạn nhân của loài ruồi Euryplatea nanaknihali được xác định là một trong những loài kiến nhỏ nhất thế giới ở Thái Lan, với đầu của một con trưởng thành có đường kính khoảng 0,5 mm – tương đương với chiều dài của loài ruồi ký sinh.

“Chúng ta luôn nghĩ rằng những loài kiến nhỏ sẽ không bị loài ruồi ký sinh tấn công, bởi vì những loài ruồi có kích thước từ 1 đến 3mm không thể phát triển trong đầu của chúng. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, thậm chí loài kiến nhỏ nhất thế giới cũng không thoát khỏi loài ruồi ký sinh”, tiến sĩ Brian Brown cho biết.

Dựa vào đặc tính ăn bám của họ ruồi Phoridae, một loài thuộc họ ruồi này đã được sử dụng để khống chế, kiểm soát loài kiến lửa ở các bang thuộc miền nam nước Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Phong (Theo Phys.org) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN