Liberia ban bố tình trạng khẩn cấp vì đại dịch Ebola

Trước số người chết quá lớn và nguy cơ lây lan tăng mạnh, các nước Tây Phi đang quyết liệt đối phó với Ebola.

Ngày 6/8, tổng thống Liberia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi Tổ chức Y tế Thế giới thông báo số người chết vì đại dịch Ebola ở Tây Phi đã tăng lên tới 932 người.

Con số này được đưa ra sau khi Nigeria xác nhận một nữ y tá vừa mới qua đời vì virus Ebola. Đây là nạn nhân thứ hai thiệt mạng vì loại virus tử thần này ở Nigeria, trong khi số ca nhiễm ở thành phố Lagos với 21 triệu dân đang tăng lên chóng mặt.

Nạn nhân đầu tiên ở Nigeria thiệt mạng vì virus Ebola là một người vừa trở về từ Liberia, nơi đại dịch đang hoành hành. Ngay sau khi về nước, ông này bị ốm nặng nhưng không ai nghĩ rằng ông bị nhiễm Ebola nên không cách ly trong suốt 24 giờ đầu tiên.

Liberia ban bố tình trạng khẩn cấp vì đại dịch Ebola - 1

Xác người chết vì Ebola bị vứt ra ngay giữa đường ở Liberia

Còn tại Liberia, Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf vừa mới tuyên bố trình trạng khẩn cấp, và quyết định hạn chế các cuộc tụ họp đông người để ngăn chặn tình trạng lây lan của virus Ebola.

Với tỉ lệ gây tử vong từ 60-96%, Ebola là loại virus có thể xâm nhập vào nhiều bộ phận cơ thể của con người như hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, mạch máu, cơ bắp, hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Nhưng trước khi xâm nhập vào các hệ thống này, virus Ebola lại gây ra các triệu chứng rất giống với bệnh cúm ở người, chẳng hạn như ho, sốt, đau đầu, viêm họng, nhức mỏi cơ khớp.

Liberia ban bố tình trạng khẩn cấp vì đại dịch Ebola - 2

Vì những triệu chứng ban đầu này bình thường đến mức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho hay nhiều trường hợp bệnh nhân đã bị chẩn đoán và điều trị sai.

Một loạt quốc gia như Arập Xê-út, Tây Ban Nha đều cho biết họ đã có những công dân đầu tiên nhiễm virus Ebola sau khi tới các quốc gia Tây Phi trong thời gian bùng nổ đại dịch. Cho tới nay, đã có ít nhất 1.711 người nhiễm virus Ebola, trong khi thế giới chưa có vaccine hay thuốc điều trị căn bệnh này.

Theo số liệu của WHO, đến nay hơn 932 người, nghĩa là hơn một nửa số người nhiễm bệnh, đã thiệt mạng vì Ebola ở Sierra Leone, Guinea, Liberia và Nigeria.

Liberia ban bố tình trạng khẩn cấp vì đại dịch Ebola - 3

Các nhân viên y tế khử trùng xác bệnh nhân chết vì Ebola trước khi chôn cất

Theo WHO, rất nhiều gia đình ở Liberia khi có người thân nhiễm Ebola đã kiên quyết không chịu đưa họ tới các trung tâm cách ly mà để họ ở nhà và khấn cầu thần linh phù hộ, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm Ebola ra cộng đồng.

Ông David Morse, một giáo sư dịch tễ học ở Đại học Columbia (Mỹ) cho rằng nỗi ám ảnh về việc virus Ebola lan truyền nhanh chóng ở Nigeria và các nước Tây Phi là một điều đáng báo động khi có quá nhiều người có nguy cơ bị lây nhiễm như vậy.

Virus Ebola chỉ có thể lan truyền qua việc tiếp xúc trực tiếp với thể dịch của bệnh nhân như máu, tinh dịch, nước bọt, nước tiểu, phân hoặc mồ hôi. Việc hàng triệu người dân châu Phi sống trong điều kiện không có nhà vệ sinh tự hoại ở những thành phố đông đúc khiến nguy cơ bùng nổ đại dịch quy mô lớn là vô cùng lớn.

Chính phủ Nigeria cho biết họ cũng đã quyết định lập một trung tâm ứng phó khẩn cấp ở thành phố Lagos nhằm đối phó với đại dịch Ebola và dựng những khu lều trại đặc biệt để cách ly những người có dấu hiệu nhiễm bệnh. Hiện toàn bộ nhân lực y tế trong thành phố đã được huy động để đối phó với tình hình bùng phát dịch Ebola.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo CBS) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN