Lên thành phố làm... nông dân
Gần đây, tại vùng ven TP.HCM có khá nhiều người từ các vùng quê lên Sài Gòn để làm... nông dân. Họ dựng chòi, quây bạt sống thành xóm nhỏ nằm gần những cánh đồng lúa, ruộng hoa màu... sát bên những dãy nhà cao tầng.
Từ quốc lộ 22, đoạn xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn náo nhiệt xe cộ rẽ xuống theo đường đất mấp mô chạy dọc kênh An Hạ với đôi bờ rặng tre, rặng phi lao xanh mát là tới một xóm nhỏ. Xóm có hơn chục mái nhà dựng tạm sơ sài bằng thân cây, tre nứa, có cái chỉ được phủ một tấm bạt che nắng mưa là nơi quây quần của hơn chục hộ gia đình từ Long An, Tiền Giang... lên TP mướn đất trồng lúa.
“Xóm Hai Lúa”
Trong xóm người nào cũng “thầu” ít nhất 2-3 mẫu (2-3ha) đất, có người tới 7-8 mẫu ruộng. “Ở quê đất đai vài ba công chẳng đủ trồng, lên TP mướn đất trồng thêm” - chị Nguyễn Thị Hoa Mỹ, một cư dân trong xóm, kể. Theo chị Mỹ, ruộng chủ yếu là những khu đất nằm trong vùng quy hoạch đang để hoang hoặc nhiều khu ruộng nhỏ của dân địa phương vá víu lại. Có chỗ chủ đất chẳng lấy tiền, chỗ lấy thì tiền thuê cũng rất rẻ. Mỗi năm chỉ hơn 1 triệu đồng một mẫu. Nhờ vậy mà làm cũng có dư so với thuê đất sản xuất ở quê cao hơn gấp 3-4 lần.
Ông Chín Phát, người có thâm niên trồng lúa ở Sài Gòn lâu nhất xóm, vừa đi xịt thuốc cỏ ở cánh đồng bên kia kênh An Hạ. Bữa nay căn chòi lá chỉ có mình ông, vợ ông về Long An mấy bữa để thăm nom nhà cửa. Ông tên đầy đủ là Cao Văn Phát, 52 tuổi, đã 10 năm trồng lúa ở Sài Gòn. Ông nói đất TP chẳng tốt bằng ở dưới quê, “dưới đó thu được 14 bao lúa thì trên này chỉ chục bao” nhưng nhờ chủ bỏ đất hoang, cho thuê giá rất rẻ nên 7-8 mẫu ruộng này, mỗi năm trừ hết chi phí vợ chồng ông Chín dành dụm được gần trăm triệu đồng. Vài năm tích cóp, ông mua được cái thuyền để chở phân bón, chở lúa rồi mua máy cày, máy gặt, mua xe cơ giới phục vụ mùa màng, tiết kiệm được một khoản kha khá tiền mướn công. Thấy đất bỏ hoang trong vùng còn nhiều, lần lượt em trai, con trai, con gái, dâu rể... cũng được ông kéo lên, dựng chòi dựng lán sống quây quần với nhau.
Ông Chín Phát xịt thuốc diệt cỏ trên khu ruộng 6-7ha
Lúc ông Chín chân ướt chân ráo lên TP, khu đất ruộng bỏ hoang cỏ mọc lút đầu, đất đai khô cằn. Ông và vợ hì hục phát cỏ khai hoang, đốt cỏ nhọ than nám mặt. Mùa đầu vất vả mà chẳng lãi đồng nào do gặp nước mặn, nhưng đổ ra bao công sức rồi nên vợ chồng ông cố bám đất. Hai người nai lưng làm ba mẫu đất, hết phun thuốc diệt cỏ lại cày xới, dẫn nước vào mất cả mấy tháng trời mới xong. Khó khăn chồng khó khăn, tới lúc thu hoạch lại tất tả đi kiếm nhân công từ Đồng Tháp lên, thuê máy gặt, tìm thương lái đến tận nơi mua hàng. Nhưng mấy chục triệu đồng kiếm được từ vụ mùa sau khiến ông phấn chấn hẳn và quyết tâm bám trụ.
Trong xóm có cả thanh niên trai tráng đã nhiều năm làm công nhân ở Sài Gòn nhưng rồi bỏ làm theo ông Chín trồng lúa. Hai mẹ con anh Võ Văn Hiếu (H.Cai Lậy, Tiền Giang) đã ở xóm hơn bốn năm nay. Trước anh làm thuê làm mướn, làm công nhân xí nghiệp để phụ thêm mẹ và anh trai lo gia đình. “Làm công nhân thì tháng nào cũng có lương nhưng không tiết kiệm được như làm lúa. Làm lúa tuy cực thật nhưng được cái tự do, chẳng ai sai bảo, la mắng” - anh Hiếu cười xòa. Hai người làm ba mẫu đất, mỗi mùa thu được 30-50 triệu đồng. Bà Hai, mẹ anh Hiếu, khoe: “Làm hơn ba mẫu mà chủ cho làm không hai mẫu, còn hơn mẫu họ cho mướn cũng rẻ nên làm có của ăn của để. Nhờ làm lúa mà thằng Hiếu mua được cái xe máy chạy”.
Giấc mơ từ cánh đồng rau
“Ở quê, gia đình chủ yếu làm thêu, đâu biết trồng rau là gì. Vào đây làm công nhân, hôm nào về sớm tôi hay chạy sang vườn rau gần nhà trọ làm lặt vặt rồi thấy thích xin vào làm công. Sau này có ít vốn tự ra ngoài thuê đất trồng” - chị Trần Thị Hằng, 46 tuổi, trồng rau đã hơn mười năm, kể về cái duyên đến với nghề trồng rau.
Ở quê nhà Hưng Yên, cả nhà chị chỉ có mấy sào vườn, làm chẳng đủ ăn lại phải lo cho mấy đứa con đi học. Vợ chồng chị khăn gói vào Sài Gòn làm công nhân nhưng đồng lương công nhân lúc đó chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi tháng, làm bao nhiêu hết bấy nhiêu. “Từ khi chuyển sang trồng rau mới bắt đầu có tiền dành dụm” - chị Hằng bảo.
Vườn rau xanh tốt rộng 3.000m2 trồng đủ loại rau cải, rau dền ở P.Thới An, Q.12 mà chị Hằng cùng chồng đang chăm bón đã thuê được tám năm. Mỗi năm trả cho chủ đất 10 triệu đồng. Mỗi tháng trừ các chi phí, thu nhập của vợ chồng chị xấp xỉ 10 triệu đồng, nhờ vậy mà nuôi được hai người con học đại học. Người con đầu đã ra trường, đi làm ở một trung tâm nghiên cứu, người thứ hai đang học năm cuối Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM.
Căn nhà ở đường Nguyễn Văn Quá (Q.12) mà anh chị mua được sau bao năm dành dụm chủ yếu để hai người con có chốn đi về chứ vợ chồng họ chẳng mấy khi về nhà. Sài Gòn với vợ chồng chị, ngoài những chợ đầu mối nơi bỏ mối rau, còn là vườn rau đã quen từng luống đất.
Làm ăn được, chị Hằng hướng dẫn thêm người thân, xóm giềng vào. Cứ thế, người này dắt người kia, nông dân các tỉnh như Hưng Yên, Nam Định... đổ vào thuê đất trồng rau ngày càng nhiều. Họ thuê những mảnh đất liền nhau, mỗi người 2-3 sào.
Cưới nhau xong rồi sinh con, vợ chồng anh Kiều Văn Trương và chị Nguyễn Thị Là quê ở Nam Định, loanh quanh với hai sào đất ở quê, cả năm cố “nhín” cũng chẳng tiết kiệm được dù chỉ là dăm ba triệu đồng để lo cho con đi học. Ông chú ruột vào Sài Gòn trồng rau liền kéo cả hai đi theo. Ngày nào vợ chồng anh cũng quần quật ngoài vườn rau tại Đông Thạnh, H.Hóc Môn, từ lúc 8g tới tận nửa đêm, có khi là 2-3h sáng hôm sau. “Cố kiếm tí tiền gửi về nuôi con” - chị Là vừa thoăn thoắt nhổ rau vừa nói. Ước mơ của đôi vợ chồng trẻ này là cố dành dụm được ít vốn để quay về quê mở một trại nuôi heo nhưng chẳng biết bao lâu mới thành hiện thực.
Ông Nguyễn Thành Long - chủ tịch Hội Nông dân H.Hóc Môn - cho biết trên địa bàn huyện có nhiều nông dân các tỉnh đến thuê đất trồng trọt. Từ năm 2002, nhiều xã ở Hóc Môn được quy hoạch theo chương trình nông thôn mới, tốc độ đô thị hóa nhanh nên thu hút dân các tỉnh khác đổ về làm ăn. Trong đó nhiều người lại thuê đất để làm nông dân. Huyện cũng chủ trương chuyển diện tích trồng lúa không hiệu quả sang sản xuất rau an toàn. Khi nông dân chuyển diện tích trồng lúa sang trồng rau, không thể canh tác hết diện tích nên cho dân nhập cư thuê lại. Hiện nay, hội nông dân huyện đang thống kê số hộ dân các tỉnh khác thuê đất canh tác cũng như diện tích đất cho thuê trồng trọt để xây dựng chính sách quản lý và hỗ trợ nhóm đối tượng này. |