Lễ hội dã man: Sợ thì đừng nhìn
Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH, TT&DL) Vương Duy Bảo cho rằng, các lễ hội đâm trâu, chém lợn… là nét văn hóa ngàn đời của dân tộc không thể bỏ. Nếu sợ thì đừng xem.
“Ngày xưa, người ta tổ chức lễ hội cho nhau xem, không ai có ý kiến. Bây giờ ta nhìn vào thấy dã man thì đừng có nhìn nữa!”, Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH, TT&DL) Vương Duy Bảo nói.
Có ai mượn đến xem đâu
“Họ cứ thổi phồng lên cho hoành tránh, rùng rợn, thu hút du khách vì mục đích kinh tế”, ông Bảo nói.
Ông Bảo cho biết: Lễ hội “đâm trâu” của đồng bào Tây Nguyên thực tế là Lễ hội “Ăn trâu”.
Theo ông Bảo, ngày xưa các lễ hội này không được tự do vào xem
Dân tộc Tây Nguyên sống bằng nương rẫy, không phải cư dân lúa nước. Lễ “Ăn trâu” vì thế gắn với phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng của người Tây Nguyên. Với họ, con trâu không phải là đầu cơ nghiệp như quan niệm của cư dân nền văn minh lúa nước. Con trâu nuôi chủ yếu để ăn thịt, phục vụ cuộc sống và là vật tế lễ thần linh, trời đất.
“Vậy nên phải nhìn lễ hội dưới góc độ bản sắc văn hóa. Đối với các dân tộc ở Tây Nguyên, Lễ “Ăn trâu” chính là bản sắc văn hóa, nét riêng nên họ cực kỳ trân trọng”.
Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở cho rằng, không nên ly kỳ hóa, rùng rợn hóa và xoáy vào hình ảnh “đâm chết trâu” mà cho rằng đây là dã man, thô bạo.
“Đó là đánh giá không có góc nhìn bản sắc văn hóa dân tộc. Báo chí xoáy vào cảnh hạ sát con vật không nên”, bởi “giết trâu” trong lễ hội này thể hiện sức mạnh, lòng dũng cảm theo mong ước của người xưa.
“Đừng nhìn theo lối của người xuôi: con trâu là đầu cơ nghiệp”, ông Bảo nói.
Ngoài Lễ hội Ăn trâu, còn có Lễ hội Chém lợn được nhiều người liệt vào danh sách “lễ hội dã man”. Tuy nhiên, ông Bảo khẳng định: đây cũng là bản sắc văn hóa truyền thống, tốt đẹp của các dân tộc.
Mục đích của Lễ hội Chém lợn là khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi. Gia đình nào nuôi được con lợn to béo sẽ được vinh danh.
“Đây là tâm lý cư dân nông nghiệp. Đó là mặt tốt, nhưng khi làm lễ tế thần linh thì không được”, ông Bảo nhận xét.
Theo ông Bảo, lễ hội này ra đời trong thời kỳ mông muội của nền văn minh lúa nước. Chúng ta không nên nhìn nhận lễ hội theo hướng “dã man” và lấy cái nhìn của mình thay cho người khác.
Tuy nhiên, ông Bảo cũng khuyến nghị không nên “lăng xê” các lễ hội này. “Ngày xưa, người ta không mời người lạ dự các lễ hội tôn giáo tín ngưỡng. Bây giờ tự dưng nhảy vào xem”.
Giới hạn đối tượng được xem cảnh “dã man”
Cục phó Vương Duy Bảo cho biết, hiện nay ở Việt Nam không có nhiều lễ hội tương tự như “Ăn trâu” và “Chém lợn”.
Theo ông Bảo, xét về bản chất, đây là những lễ hội tốt, cần phát huy. Tuy nhiên tính hoang dã, hoang sơ cũng cần phải hạn chế. Phần hành lễ không nên để mọi người cùng chứng kiến những cảnh hoang dã. Ban tổ chức nên thực hiện phần nghi lễ trong không gian hạn hẹp, giới hạn đối tượng xem, không nên phơi bày những nghi lễ mang tính sơ khai nguyên thủy. Người thưởng thức cũng không nên lấy cái nhìn thời văn minh đánh giá phán xét thời mông muội.
Việc hành lễ đẫm máu nên giới hạn người xem
“Ngày xưa việc hành lễ phải huyền bí, đối tượng hạn hẹp chứ không mời tất cả. Chỉ các cụ bô lão và một số thanh niên trai tráng được chứng kiến phần hành lễ. Bây giờ cứ mở rộng ra để kéo du khách, làm hỏng lễ hội”, ông Bảo nói.
Việc hành lễ hạn hẹp không có nghĩa là dùng cách khác để xử lý con vật như thay vì chém ngang thân lợn thì nay “chọc tiết” vì nó là bản sắc văn hóa. Chỉ là không nên phô diễn.
Ông Vương Duy Bảo còn thông tin thêm, cơ quan quản lý chỉ điều chỉnh lễ hội khi bản thân cư dân trong vùng nhận thấy nó… “dã man”.
“Lễ hội này là của họ, họ không cần người khác xem và phán xét. Khi nào họ thấy không được và đề nghị sửa bỏ thì chúng tôi mới xem xét”, ông Bảo nói.